Từ việc hụt miếng táo ngọt 1 tỉ USD đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Giáo dục - Ngày đăng : 05:37, 12/04/2017
Những ngày này, đi đâu trên Internet cũng thấy đề cập đến “cách mạng công nghiệp 4.0”, từ các trang báo mạng đến các mạng xã hội, một phần không nhỏ là được các quan chức đề cập đến trong các bài trả lời phỏng vấn. Cụm từ này được nhắc nhiều đến nỗi, kể cả những người không mấy am tường về công nghệ hay lịch sử cũng có thể hiểu rằng, “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” đang là mục tiêu phát triển mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cho là cần vươn tới trong tương lai gần.
Muốn nắm bắt một cuộc cách mạng công nghệ, yếu tố quan trọng nhất trước hết phải là yếu tố con người. Và không gì có thể chỉ rõ ràng những vấn đề về con người mà Việt Nam đang gặp phải trong quá trình nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hơn là câu chuyện 1 tỉ USD đầu tư hụt của hãng công nghệ Apple.
Câu chuyện Việt Nam thất bại trong cuộc cạnh tranh với Ấn Độ để trở thành nơi đầu tư nhà máy sản xuất trị giá khoảng 1 tỉ USD của hãng công nghệ Apple được xem là câu chuyện nổi bật trong những tháng đầu năm 2017. Việc không thu hút được một dự án công nghệ cao có vốn đầu tư cả tỉ USD rõ ràng là một điều đáng tiếc và cần phải xem xét kỹ lưỡng, nhưng dường như câu chuyện này vẫn chưa được nhìn nhận, phân tích một cách đầy đủ.
Một số chuyên gia nói rằng, Việt Nam khó có thể cạnh tranh nổi với một quốc gia đang dẫn đầu thế giới về gia công và xuất khẩu phần mềm công nghệ cao như Ấn Độ; ngoài ra các ưu đãi về chính sách và pháp lý của Ấn Độ cho dự án đầu tư của Apple cũng hấp dẫn hơn so với Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách công bằng thì việc Ấn Độ trở thành điểm đến cho dự án đầu tư trị giá 1 tỉ USD của Apple là điều đã được dự đoán từ trước. Trên thực tế, Apple đã bắt đầu triển khai việc mở rộng thị trường sang Ấn Độ sau sự sụt giảm doanh số tại Trung Quốc thời gian vừa qua.
CEO Apple là Tim Cook đã tới Ấn Độ khá nhiều lần trong thời gian qua để đàm phán với chính phủ nước này chi phép Apple được cung cấp các sản phẩm công nghệ vốn vẫn bị hạn chế đáng kể trong những năm qua. Việc chọn Ấn Độ làm điểm đến cho dự án trị giá 1 tỉ USD, vì thế có thể xem như một biện pháp đàm phán để đổi lại việc New Delhi mở rộng cánh cửa tiến vào thị trường hơn 1 tỉ dân này cho Apple, chứ không phải là vì Ấn Độ quá vượt trội so với Việt Nam.
Nhưng câu chuyện này vẫn sẽ là một bài học đắt giá mà Việt Nam không được quên: chúng ta sẽ không thể thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao với trình độ nguồn nhân lực yếu kém hiện nay. Chuyện tập đoàn công nghệ phần mềm Microsoft khi đầu tư ở Việt Nam từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực chất lượng cao cũng có ý nghĩa tương tự.
Nếu không cải thiện chất lượng nhân lực, chủ yếu thông qua hiện đại hóa hệ thống giáo dục thì Việt Nam sẽ mãi chỉ thu hút được các dự án công nghệ lạc hậu, hoặc dự án mang tiếng công nghệ cao nhưng chỉ mang đến công đoạn lắp ráp đơn giản, mà Samsung là một ví dụ điển hình.
Làm sao chúng ta có thể hy vọng thu hút dự án công nghệ cao bằng cách đưa ra các ưu đãi đơn giản về thuế và đất đai, trong khi không thể cung ứng được nhân lực chất lượng cao, vốn là thứ quan trọng nhất cho một dự án công nghệ?
Điều này cũng dẫn đến câu hỏi: Việt Nam sẽ bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay bằng cách nào?
Đọc những bài phỏng vấn nhiều quan chức sẽ thấy một thực tế: hầu hết đều cho rằng có thể làm được bằng các biện pháp mang tính hành chính. Với họ, cuộc cách mạng 4.0 cũng không khác mấy so với 3.0 hay 2.0, chỉ là từ cách mạng công nghệ thông tin sang Internet kết nối và tự động hóa bằng robot, nói cách khác là những thứ có thể dùng tiền mua được: Mua và sở hữu được những hệ thống lắp ráp dây chuyền được thực hiện bằng robot đồng nghĩa với việc Việt Nam đã bắt kịp cách công nghiệp 4.0.
Vấn đề không đơn giản như vậy.
Quan niệm phổ biến trên thế giới về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một sự phân công lại quá trình lao động giữa robot và con người. Sẽ có rất nhiều công đoạn và công việc mà robot và tự động hóa có thể đảm nhiệm với năng suất gấp nhiều lần con người và buộc con người vừa phải chọn lựa những việc mà robot không thể đảm trách, vừa phải phát triển tối đa những năng lực đó trước khi robot có thể chiếm mất.
Nói cách khác, cuộc cách công nghiệp 4.0 có thể làm lạc hậu bất cứ hệ thống giáo dục đào tạo nào với tốc độ không thể kiểm soát. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa con người và trí tuệ nhân tạo, trong đó lối thoát cho con người chỉ có một: tối ưu hóa khả năng thông qua quá trình giáo dục một cách cao nhất có thể.
Vì thế, để có thể bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như để tránh bị nó đào thải, vấn đề hàng đầu là phải nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo con người ở mức cao nhất có thể. Câu chuyện 1 tỉ USD đầu tư hụt của Apple nói trên là một bài học cảnh tỉnh cho Việt Nam.
Các dự án đổi mới giáo dục một cách triệt để và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức và đúng cách. Làm sao Việt Nam có thể bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp mà cả thế giới đang theo đuổi với nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại của thế giới?
Chúng ta đã gặp bất lợi từ khi cuộc chạy đua còn chưa bắt đầu vì tiếp cận chưa thỏa đáng. Liệu rằng một nền giáo dục lạc hậu nào có thể xây dựng và vận hành được một nền kinh tế phát triển cao, điều đó chỉ có thể xảy ra trong giấc mơ.
Nhàn Đàm