Chính sách khó hiểu của Taliban có thể khiến Afghanistan bùng phát dịch COVID-19
Quốc tế - Ngày đăng : 15:35, 23/08/2021
Do sự thù địch của Taliban đối với chương trình tiêm chủng, WHO và các chuyên gia y tế lo ngại sự lây lan nhanh chóng và nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 ở Afghanistan, nơi đang chuẩn bị hình thành một chính phủ mới do các ‘Học giả Hồi giáo’ lãnh đạo.
WHO đã ghi nhận 152.411 trường hợp được nhiễm COVID-19 và 7.047 trường hợp tử vong liên quan đại dịch ở Afghanistan từ ngày 3.1 đến ngày 19.8. Vào ngày 15.8, Taliban đánh chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan, đánh dấu sự sụp đổ của chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani.
“Do tình hình ở Afghanistan tiếp tục xấu đi nhanh chóng, WHO vô cùng lo ngại về các điều kiện an toàn sức khỏe và nhân đạo đang diễn ra ở nước này, trong đó có nguy cơ bùng phát dịch bệnh và sự gia tăng lây truyền COVID-19”, bản cập nhật của WHO ngày 17.8 cho biết.
“Sự gián đoạn tại sân bay đang làm trì hoãn các nguồn cung cấp y tế cần thiết khẩn cấp. Mật độ đông đúc tại các cơ sở y tế và trại tị nạn, do xung đột gia tăng trong nước sẽ hạn chế việc thực hiện các quy trình phòng chống lây nhiễm, làm tăng nguy cơ lây truyền COVID-19 và bùng phát các bệnh khác”, WHO cho biết.
Theo WHO, đất nước 40 triệu dân này đã tiêm tổng cộng 1.872.268 liều vắc xin tính đến ngày 14.8. Theo các nhà dịch tễ học, phải có ít nhất 70% dân số được chủng ngừa để hạn chế hiệu quả sự lây lan của vi rút COVID-19.
Tại các khu vực nơi mọi người đã chạy trốn để tìm kiếm sự an toàn và trú ẩn, gồm ở cả Kabul và các thành phố lớn khác, các báo cáo tại chỗ của WHO chỉ ra rằng ngày càng có nhiều trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, suy dinh dưỡng, huyết áp cao, các triệu chứng giống COVID-19 và các biến chứng về sức khỏe sinh sản.
Musa Joya, giảng viên vật lý y tế tại Đại học Khoa học Y khoa Kabul hiện đang theo học tiến sĩ tại Đại học Khoa học Y tế Tehran, Iran cho biết: “Nếu quá trình tiêm chủng bị dừng lại, COVID-19 sẽ khó kiểm soát ở Afghanistan”.
Joya nói: “Người dân không tin tưởng vào hệ thống y tế và tránh đến bệnh viện trong lúc hệ thống y tế của Afghanistan không thể cung cấp oxy và các loại thuốc khác cần phải nhập khẩu". Bên cạnh đó, hầu hết người Afghanistan không tin vào việc phòng ngừa tử vong do coronavirus bằng cách tiêm chủng. Họ tiếp xúc với vi rút và không quan tâm phòng chống.
Joya nói: “Hai yếu tố không tiêm phòng và không nghiêm ngặt phòng ngừa sẽ dẫn đến thảm họa".
Carl Latkin, Phó khoa Y tế, Hành vi và Xã hội tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, Maryland, Mỹ cho biết ông bi quan về khả năng y tế của Afghanistan trong việc đối phó với đại dịch COVID-19, do năng lực hạn chế về chuyên môn y tế, tiền và chuỗi cung ứng.
Latkin nói: “COVID-19 có thể lây lan nhanh chóng, gây thêm đau đớn và khốn khổ cho tình hình đang bất ổn và đau khổ. Sự hỗn loạn hiện nay có thể sẽ khiến những người dễ bị tổn thương nhất càng khó tiếp cận nguồn lực để ngăn ngừa và xử lý COVID-19”.
“Tuy nhiên, một hậu quả không mong muốn của những người ở nhà do lo sợ Taliban có thể là sự giãn cách xã hội lớn và do đó làm giảm sự lây lan của COVID-19”, Latkin nói thêm.
Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết chắc chắn rằng điều kiện xấu đi ở Afghanistan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng triển khai vắc xin COVID-19 đến người dân.
Adalja nói: “Trước đây đã có những lo ngại về việc Taliban phản đối việc tiêm phòng vắc xin bại liệt và thực sự Afghanistan là một khu vực mà vi rút bại liệt hoang dã vẫn còn lưu hành”, Adalja nói.
Các lệnh cấm tiêm chủng do Taliban áp đặt đã bị Kế hoạch Hành động Khẩn cấp Quốc gia (NEAP) đổ lỗi cho sự thất bại trong việc tiêu diệt bệnh bại liệt ở Afghanistan. Đất nước này vẫn nằm trong số những nơi trú ẩn cuối cùng của vi rút bại liệt hoang dã. Vào năm 2020, 56 trường hợp mắc bệnh do vi rút bại liệt hoang dã đã được báo cáo ở Afghanistan.
Lệnh cấm tiêm chủng đã được áp dụng đối với tất cả các khu vực do Taliban nắm giữ vào năm 2020 trong khi các khu vực quan trọng ở khu vực phía Nam đã bị tước miễn dịch trong gần ba năm. Lệnh cấm làm ảnh hưởng đến khoảng 1 triệu trẻ em, dẫn đến sự suy giảm đáng kể khả năng miễn dịch của quần thể và làm tăng nguy cơ lây lan theo địa lý của vi rút bại liệt hoang dã.
Theo tài liệu, hơn 3 triệu trẻ em hiện không thể tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Để giải quyết tình hình, “cần phải tăng cường các cuộc đàm phán trung lập” với Taliban. Do đó, Latkin khuyến nghị cần để Taliban tham gia vào quá trình phân phối vắc xin vì “điều đó có thể khiến họ thấy được những lợi ích và vắc xin không phải là mối đe dọa”.
Latkin nói: “Tốt nhất, nhân viên y tế cộng đồng nên là người của cộng đồng và được cộng đồng biết đến. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu Taliban có tin tưởng vào cấu trúc phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau để phổ biến vắc xin hay không.
Trong thời kỳ nắm quyền cuối cùng từ năm 1996 đến năm 2001, Taliban chỉ được Pakistan, Ả Rập Saudi và UAE công nhận.