Thủ tướng Úc: Kết thúc phong tỏa, sống chung với COVID-19 khi tỷ lệ tiêm vắc xin 2 mũi đạt 70%-80%
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:42, 23/08/2021
Với hơn một nửa tổng số người Úc bị mắc kẹt trong các cuộc phong tỏa kéo dài hàng tuần để hạn chế biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, Thủ tướng Morrison cho biết đất nước phải tiến lên và bắt đầu giảm các hạn chế khi có nhiều người tiêm chủng hơn.
"Phong tỏa không thể tồn tại mãi mãi. Đây không phải là cách bền vững để sống ở đất nước này. Ngày chuột chũi phải kết thúc và nó sẽ kết thúc khi
tỷ lệ tiêm vắc xin của chúng ta bắt đầu đạt 70% và 80%", ông Scott Morrison nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình ở thủ đô Canberra của Úc.
Ngày chuột chũi là bộ phim kể về một ngày, như mọi ngày, kéo dài cả ngàn ngày. Chính từ vòng lặp thời gian bất tận ấy mà nhân vật chính Phil (Bill Murray thủ vai) đã tìm ra được hành phúc đích thực từ chính sai lầm và đau khổ.
Thủ tướng Scott Morrison phát biểu ngay khi các hạn chế chặt chẽ hơn có hiệu lực ở Sydney, thành phố lớn nhất Úc. Kể từ 23.8, đeo khẩu trang bị bắt buộc ở bên ngoài nhà, ngoại trừ khi tập thể dục, và lệnh giới nghiêm ban đêm được áp dụng tại 12 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tháng trước, chính phủ liên bang đã công bố kế hoạch 4 giai đoạn để nới lỏng các hạn chế khi 70% trong số 25 triệu người trên 16 tuổi được tiêm chủng, với các lệnh cấm nghiêm ngặt "khó có thể được yêu cầu".
Khi tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt 80% thì chỉ cần "phong tỏa mục tiêu nguy cơ cao" và những người Úc đã tiêm chủng sẽ được tự do đi lại giữa các bang.
Sự khác biệt đã xuất hiện giữa các bang muốn duy trì sự tập trung vào việc ngăn chặn vi rút và bang lớn nhất là New South Wales, đang tìm kiếm con đường thoát khỏi tình trạng ngừng hoạt động thông qua tiêm chủng sau một đợt bùng phát lớn biến thể Delta.
New South Wales nằm trên bờ biển phía đông của Úc và giáp với ba bang: Queensland ở phía bắc, Victoria ở phía nam và Nam Úc về phía tây. Sydney là thủ phủ bang New South Wales, thành phố lớn nhất Úc.
Các bang Tây Úc và Queensland đã gợi ý rằng họ có thể vẫn duy trì một số hạn chế ngay cả khi đạt được mục tiêu tiêm chủng.
Họ nói rằng kế hoạch quốc gia, đã được thống nhất trước khi bùng phát dịch ở New South Wales, dựa trên việc chỉ có những ổ dịch nhỏ xuất hiện trong cộng đồng.
Hôm 23.8, New South Wales báo cáo 818 ca mắc COVID-19, hầu hết là ở Sydney, giảm nhẹ so với kỷ lục 830 của một ngày trước đó.
Thủ hiến New South Wales - Gladys Berejiklian kêu gọi mọi người tập trung ít hơn vào các ca bệnh và nhiều hơn vào việc triển khai tiêm vắc xin.
"Một khi đạt đến việc tiêm 2 liều vắc xin cho 80% dân, mọi bang sẽ phải sống chung với COVID-19. Bạn không thể tránh Delta mãi mãi", bà nói.
Tại bang Victoria, với thủ phủ là thành phố Melbourne, 71 ca mắc COVID-19 mới được phát hiện với 55 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, mà Thủ hiến bang này - Daniel Andrews cho biết có thể trật bánh kế hoạch thoát khỏi phong tỏa vào ngày 2.9.
Dù Úc đã kiểm soát đại dịch tốt hơn nhiều nước phát triển khác, việc triển khai tiêm vắc xin chậm chạp đã làm mất đi sự thành công ban đầu của nó.
Trên toàn nước Úc, 30% người trên 16 tuổi được tiêm vắc xin đầy đủ, trong khi 52% đã tiêm ít nhất một liều. Các đợt tiêm chủng đang diễn ra với tốc độ kỷ lục nhưng mục tiêu 80% dân tiêm vắc xin đầy đủ sẽ không thể đạt được cho đến tháng 12 với tốc độ hiện tại.
Úc đã ghi nhận tổng cộng hơn 44.600 ca mắc COVID-19 với 984 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nước này đã giảm kể từ năm ngoái.
Riêng hôm 23.8, Nam Úc cho biết đây sẽ là bang đầu tiên thử nghiệm cách ly tại nhà với những người trở về từ các bang khác, trong đó một ứng dụng được dùng để theo dõi xem mọi người có ở nhà hay không.
Nếu thành công, thử nghiệm sẽ được sử dụng cho một số du khách quốc tế trở về để giảm bớt áp lực với việc kiểm dịch ở khách sạn.