TP.HCM cung ứng lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách như thế nào?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:49, 23/08/2021

Nhu cầu tiêu thụ của người dân trong giai đoạn giãn cách giảm nhiều so với giai đoạn chưa có dịch xảy ra. Do đó, với lượng thịt heo, gà được giết mổ hiện nay vẫn đủ để cung cấp cho người dân.

Ngày 23.8, Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) thông tin, hiện các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại TP.HCM đang ngưng hoạt động, các cơ sở giết mổ chế biến sản phẩm từ thịt cũng giảm công suất, cư dân các tỉnh hồi hương… nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của thành phố đang giảm mạnh.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm cho TP.HCM và tỉnh Bình Dương trong thời gian phong tỏa cho biết, qua tổng hợp sản lượng gạo cung ứng và nhu cầu tiêu dùng của các địa phương từ tháng 8 đến 12.2021, ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực cho Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo, đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.

Trong tổng số 7,16 triệu tấn gạo cung ứng, Đông Nam bộ 540 ngàn tấn và đồng bằng sông Cửu Long 6,614 triệu tấn. Tổng nhu cầu gạo tiêu dùng là 3,16 triệu tấn, trong đó, Đông Nam bộ 1,6 triệu tấn và đồng bằng sông Cửu Long 1,56 triệu tấn.

Về rau màu, ngoài việc cung ứng cho vùng Đông Nam bộ 158 ngàn tấn, đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gần 1,5 triệu tấn rau củ các loại cần được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

Trái cây là mặt hàng cần khuyến khích tiêu dùng mạnh trong đợt dịch khi có gần 400 ngàn tấn cần được tiêu thụ trong tháng 9 và gần 1,3 triệu tấn cần tiêu thụ đến tháng 12.2021, nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn.

thuc-pham.jpeg
Theo Bộ NN-PTNT: Nguồn cung lương thực, thực phẩm dư so với nhu cầu người dân - Ảnh: Intrenet

Về nguồn cung sản phẩm chăn nuôi, vẫn duy trì đa dạng và không có biến động. Trong đó, nguồn cung thịt lợn và trứng gia cầm cung ứng đủ cho hệ thống siêu thị, các mặt hàng thịt đông lạnh vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu theo nhu cầu thị trường.

Khả năng tự cung ứng thịt theo trong tháng 8 và 9 lần lượt là 76,9 tấn/ngày, 76 tấn/ngày; thịt gia cầm 8 tấn/ngày, 5 tấn/ngày; thịt bò 39 tấn/ngày, 37 tấn/ngày; trứng gia cầm là 20.053 quả/ngày, 18.000 quả/ngày.

Lượng heo cung cấp cho TP.HCM hiện nay trung bình một ngày khoảng 6.300 con, so với 10.000 con trước dịch, giảm 37%. Trong đó, 9/13 cơ sở của TP (4 cơ sở đóng cửa do có người mắc COVID-19) trung bình một ngày giết mổ khoảng 3.700 so với 6.500 con trước giãn cách, giảm 43%. Còn lại 2.600 con được giết mổ tại 15/21 cơ sở của các tỉnh khác, so với 3.500 con trước đây.

Lượng gà cung cấp tại 16/23 cơ sở giết mổ (7 cơ sở đóng cửa do có người mắc COVID) trung bình một ngày là 190.000 con, so với trước dịch là 230.000 con, giảm 28%, tập trung ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh.

Như vậy, hiện nay lượng thịt heo cung cấp cho TP giảm khoảng 37%, lượng thịt gà giảm khoảng 28% so với trước giãn cách. TP.HCM tự cung cấp 10% thịt các loại và dưới 5% lượng trứng.

Với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu lương thực, thực phẩm hàng ngày của TP.HCM là rất lớn so với các tỉnh thành khác. Theo đó, nhu cầu gạo khoảng 1.980 tấn/ngày, tương đương 59.400 tấn/tháng, rau củ quả khoảng 4.200 tấn/ngày, tương đương 126.000 tấn/tháng.

Trước dịch COVID-19, nhu cầu hàng ngày khoảng 1.600 tấn thịt các loại. Do hiện nay các chợ đầu mối, chợ truyền thống ngưng hoạt động, các cơ sở giết mổ chế biến sản phẩm từ thịt cũng giảm công suất, cư dân các tỉnh hồi hương… nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh. Cụ thể, thịt lợn giảm 37%, thịt gà giảm 28%, thịt bò giảm 56%, trứng gia cầm giảm khoảng 20%.

Hiện mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ 1.032 tấn thịt các loại so với trước dịch, trong đó, 475,7 tấn thịt lợn, 475,2 tấn thịt gà, 81,4 tấn thịt trâu bò và 1,8 - 2 triệu quả trứng.

Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội tại TP.HCM, ngày 21.8.2021, Tổ Công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo UBND TP về việc đảm bảo cung ứng và phân phối cho người dân TP. Lãnh đạo UBND TP đã cam kết đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân.

Tuy nhiên, Tổ Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổng cục Hậu cần của Bộ Quốc phòng vẫn xây dựng phương án 2, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM và tỉnh Bình Dương khi có chỉ đạo của Chính phủ và Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, rau củ quả, đảm bảo cung ứng cho người dân TP trong 15 ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, tổ trưởng Tổ công tác 970 cho biết, mặc dù TP.HCM đã có thông tin về việc đảm bảo hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân, song Tổ công tác của Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) vẫn xây dựng phương án đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM và tỉnh Bình Dương khi có chỉ đạo của Chính phủ và Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như: gạo, thịt heo, thịt gà, trứng, rau củ quả… để đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người dân TP.HCM trong 15 ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.

Tú Viên