Chuyên gia cảnh báo ca chết do COVID-19 ở Mỹ có thể tăng vọt, Lầu Năm Góc buộc mọi quân nhân tiêm vắc xin
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:17, 24/08/2021
“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy số người chết còn tăng cao hơn trong vài tuần tới, nhưng tôi hy vọng các bang bùng phát dịch lớn như Florida, Louisiana - đang ở đỉnh điểm và có thể sẽ giảm xuống. Hãy hi vọng như vậy", Tiến sĩ Ashish Jha nói với CNBC.
Biến thể Delta đã tiếp tục gây ra đợt gia tăng số người chết do COVID-19 khiến các bệnh viện quá tải và đẩy số các ca bệnh lên mức mà cả nước Mỹ chưa từng thấy kể từ tháng 2. Theo Đại học Johns Hopkins, Mỹ có trung bình khoảng 147.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày.
Tiến sĩ Ashish Jha nói rằng việc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt đầy đủ vắc xin Pfizer và BioNTech có thể thuyết phục đủ số người được tiêm vắc xin để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.
“Tôi nghĩ nó sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn và nhìn này, tôi nghĩ rằng có một số cá nhân đang chờ đợi sự phê duyệt đầy đủ này và với họ, tôi nghĩ rằng điều đó sẽ có ích. Khi bạn nhìn vào những người chưa được tiêm chủng, khoảng 2/3 trong số họ nói rằng họ sẽ tiêm vắc xin nếu có yêu cầu, vì vậy tôi nghĩ bạn sẽ thấy rất nhiều người trong số đó nhảy ra khỏi hàng rào và bắt đầu tiêm vắc xin”, Tiến sĩ Ashish Jha cho hay.
Sau quyết định của FDA, Lầu Năm Góc thông báo sẽ yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 cho tất cả các thành viên đang hoạt động trong quân đội.
Hệ thống trường công lập của New York, lớn nhất trên toàn quốc, đã thông báo giáo viên, người giám hộ và nhân viên phải tiêm ít nhất một liều vắc xin vào cuối tháng 9, một động thái ảnh hưởng đến khoảng 148.000 nhân viên thành phố.
FDA hôm 23.8 đã phê duyệt đầy đủ cho vắc xin Pfizer – BioNTech. Qua đó, nó trở thành vắc xin COVID-19 đầu tiên được sự đảm bảo xác nhận của FDA khi các cơ quan y tế đấu tranh để chiến thắng những người hoài nghi vắc xin.
Trước đây, ba loại vắc xin COVID-19 của Pfizer – BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson chỉ được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp.
FDA hôm 23.8 đã phê duyệt đầy đủ vắc xin Pfizer – BioNTech hai liều để sử dụng cho những người trên 16 tuổi. Hơn 204 triệu người ở Mỹ đã được tiêm vắc xin này kể từ khi nó được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12.2020, dựa trên dữ liệu hôm 22.8.
Các quan chức y tế công cộng hy vọng điều này sẽ thuyết phục được nhiều người Mỹ chưa chích ngừa COVID-19 rằng mũi tiêm của Pfizer là an toàn và hiệu quả. Sự lưỡng lự tiêm vắc xin của nhiều người đã cản trở Mỹ phản ứng với đại dịch COVID-19.
"Mặc dù hàng triệu người đã được tiêm vắc xin COVID-19 một cách an toàn, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng với một số người, việc FDA chấp thuận vắc xin hiện có thể tạo thêm niềm tin để tiêm chủng", Janet Woodcock, quyền Ủy viên FDA, cho biết.
Việc xem xét nguồn gốc COVID-19 của Mỹ diễn ra hôm 24.8
Thư ký báo chí Nhà Trắng - Jen Psaki cho biết việc xem xét nguồn gốc của COVID-19 do Tổng thống Joe Biden tìm kiếm dự kiến sẽ hoàn thành trước thời hạn hôm nay, nhưng sẽ mất vài ngày để đưa ra một phiên bản không được coi là bí mật cho công chúng.
Vào tháng 5, Tổng thống Biden đã đưa ra cho các trợ lý thời hạn 90 ngày để tìm ra câu trả lời cho nguồn gốc của COVID-19 khi các cơ quan tình báo Mỹ theo đuổi nhiều giả thuyết khác nhau, bao gồm cả khả năng xảy ra một vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Hôm 13.8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một nhóm chuyên gia mới sẽ tiến hành giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc.
Trong thông cáo trước đó 1 ngày, WHO cho biết một nhóm cố vấn khoa học quốc tế sẽ chịu trách nhiệm cố vấn cho tổ chức này về việc phát triển khung nghiên cứu toàn cầu với các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Với COVID-19, nhóm cố vấn sẽ hỗ trợ tiến hành nhanh chóng các nghiên cứu được đề xuất trong báo cáo hồi tháng 3.2021.
"Sau khi công bố báo cáo điều tra giai đoạn một nguồn gốc COVID-19 hồi tháng 3, WHO đã vạch ra các bước điều tra tiếp theo trên cơ sở tiếp tục thảo luận với các quốc gia thành viên và các chuyên gia. Giai đoạn điều tra tiếp theo sẽ gồm nghiên cứu thêm dữ liệu thô về các ca bệnh sớm nhất và các mẫu huyết thanh của các ca bệnh từ năm 2019", thông cáo của WHO cho hay.
“Chúng ta nên làm việc cùng nhau. Các bạn và tôi, ai cũng muốn biết nguồn gốc của đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ này”, phát ngôn viên của WHO, Fadela Chaib, nói khi công bố nhóm Cố vấn Khoa học Quốc tế mới về điều tra nguồn gốc COVID-19.
Theo bà Fadela Chaib, nhóm sẽ bắt đầu “tiến hành nhanh chóng” các nghiên cứu sâu hơn sau sứ mệnh tìm hiểu sự thật vốn không thể kết luận của WHO vào đầu năm nay khi tới thành phố Vũ Hán của Trung Quốc - nơi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2019.
Động thái trên được phía Mỹ hoan nghênh. Chính quyền Biden hy vọng việc “nhấn mạnh vào các nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học và các nỗ lực dựa trên dữ liệu để tìm ra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 sẽ giúp phát hiện, ngăn chặn và đối phó tốt hơn với các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai”.
Tuy nhiên, Trung Quốc nhanh chóng bác bỏ điều đó. Hôm 13.8, Trung Quốc nhắc lại lập trường của họ từ nhiều tháng qua rằng cuộc điều tra chung hồi đầu năm nay là đủ và việc đòi hỏi nước này cung cấp thêm dữ liệu là có ẩn ý chính trị.
Tại cuộc họp báo trực tuyến cùng ngày, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc - Mã Triều Húc tuyên bố: “Chúng tôi phản đối việc chính trị hóa việc nghiên cứu nguồn gốc vi rút và phản đối việc hủy bỏ báo cáo chung giữa Trung Quốc với WHO”. Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng bác bỏ đề nghị của WHO mở một cuộc điều tra mới sâu rộng hơn.
Ông Mã Triều Húc khẳng định Trung Quốc đang thực hiện nghiên cứu “theo dõi, bổ sung” về nguồn gốc COVID-19 và "ủng hộ việc truy tìm nguồn gốc đại dịch dựa trên khoa học”.