‘Cứu doanh nghiệp như cứu người vậy, không thể chần chừ!’
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:09, 24/08/2021
- - PV: Từ lúc giãn cách đến nay, VCCI nhận được những lời than khó nào của các DN, nhất là doanh nghiệp vận tải?
- -Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ: Từ khi bùng phát dịch lần thứ tư vào tháng 4.2021, chúng tôi đã có những nắm bắt kịp thời những trở ngại, vướng mắc của DN trong các lĩnh vực kinh doanh.
Quá trình dịch diễn ra và công tác phòng chống dịch đã có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của DN. Riêng ngành giao thông, vận tải hàng hóa và logistic đang bị ảnh hưởng trực tiếp, tác động nghiêm trọng đến vận chuyển hàng hóa và xuất khẩu.
Đầu tiên là quy định nghiêm ngặt về phòng chống bệnh, các nhân viên vận tải phải được test COVID-19 nhưng thực tế thì khan hiếm dụng cụ test và quy định giữa các địa phương khác nhau đang làm cản trở quá trình vận tải. Chi phí test không được hỗ trợ, giá trị xét nghiệm cũng không đồng nhất. Và việc bố trí để xét nghiệm cho nhân viên vận tải, giao nhận cũng không được thuận lợi.
Vận tải thủy thì chưa được hướng dẫn cụ thể nên đã làm cho hàng hóa ùn ứ tại các cảng thủy nội địa. Hàng hóa ĐBSCL chiếm khoảng 20% trong các dịch vụ logistic ở Tân Cảng Sài Gòn nên việc áp dụng chỉ thị 16, 16+ đã làm hàng hóa ún ứ càng lớn ở Tân Cảng.
Những ưu tiên chống dịch, an toàn phòng dịch đôi khi chưa có đủ cơ sở nhưng lại áp dụng quá mức cần thiết sinh ra những bất cập khó lường. Việc vận tải hàng hóa lương thực thực phẩm chưa được tháo gỡ thì nay đến vận chuyển nguyên liệu, thu mua nông sản cũng tiếp tục gặp khó khăn. Cái khó là những địa phương không thống nhất với nhau cùng một quy định, nhưng vận tải là cần lưu thông liên tỉnh, nên tạo ra nhiều điểm nghẽn thực sự không cần thiết.
Ngoài ra ngành giao thông đang yêu cầu các DN lắp đặt hộp đen trong khi thời hạn và điều kiện cũng như quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng thì không được hướng dẫn cụ thể, nhiều trường hợp lắp xong lại phải thay đổi, gây khó khăn và lãng phí. Có thể nên nghiên cứu lại vấn đề này.
- Theo ông, giải pháp chống dịch của các tỉnh cần thống nhất điều gì để gỡ khó cho DN?
ĐBSCL đang thiếu một sự thống nhất chung trong các quy định về lưu thông hàng hóa. Rõ ràng là các DN sản xuất chế biến thì nguyên liệu có thể ở một nơi khác, lao động cũng sẽ tới từ nhiều tỉnh, thị trường tiêu thụ thì tỉnh khác... nên thống nhất trong lưu thông là vô cùng cần thiết.
Trong bối cảnh dịch bệnh, chỉ có quy định “luồng xanh” cho hàng thiết yếu trong khi sản xuất chế biến cần nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Vì thế cần có sự thống nhất về quy định vận tải để có thêm nhiều luồng xanh khác trong sản xuất chế biến, giúp DN giữa các địa phương có thể phối hợp thu mua nông sản, chuyên chở nguyên vật liệu cung ứng cho sản xuất được kịp thời.
Theo tôi, trước mắt cần quy định chung về thời hạn chứng nhận xét nghiệm COVID-19, thống nhất phương thức và cách thức quy định vận tải bốc dỡ hàng hóa, mở các luồng lưu thông giữa các tỉnh thông qua cấp phép liên tỉnh. Xây dựng các bến bãi tập kết hàng hóa và ưu tiên kiểm tra định kỳ (miễn phí) cho công nhân giao nhận và vận tải hàng hóa.
Chúng ta cần biết rằng rằng mặt hàng nông sản nói chung và sản xuất chế biến khác với công nghiệp chế tạo, bởi nguyên liệu là không thể chờ vì phải tới mùa vụ thu hoạch, quá trình bảo quản cũng có thời hạn và chi phí bảo quan lưu kho cũng khó khăn, tốn kém.
Hơn nữa nông sản liên quan đến người hàng triệu nông dân và người lao động, do đó dứt gãy chuỗi sản xuất tức là làm gia tăng thất nghiệp, mất việc làm và khó phục hồi sau đại dịch.
Nếu như lĩnh vực y tế, chống dịch đang có sự chỉ đạo chung từ Chính phủ, phối hợp và hướng dẫn của Bộ Y tế thì kết quả đang có chiều hướng tích cực thì ở mặt trận kinh tế, ĐBSCL đang thiếu lúc này là sự phối hợp, chưa có sự điều phối chung.
- Sau khi hết dịch, DN sẽ gặp những khó khăn nào cần hỗ trợ để khôi phục sản xuất?
Những gì đã trải qua trong hơn 3 tháng qua cho thấy, các DN hiện nay vô vàn khó khăn, sự đình trệ dẫn đến chi phí tăng cao, các quy định về phòng chống dịch cũng buộc DN gia tăng chi phí, đứt gãy trong chuỗi cung ứng làm cho sức cạnh tranh kém đi.
Đầu tiên là để đảm bảo cho sản xuất lại, cần phân bố và ưu tiên vaccine cho lực lượng lao động sản xuất. Thứ hai chính sách hỗ trợ, đặc biệt là lãi suất và khoanh nợ đến nay vẫn chưa có chuyển biến lớn. Lãi suất giảm không đáng kể và DN mong nhận được hướng dẫn trong khoanh giãn nợ, tránh đưa vào nợ xấu để sau đại dịch có thể phục hồi, nỗi lo này đang kề cập đối với DN.
Quá trình phục hồi sau dịch sẽ gặp nhiều khó khăn bởi nguồn cung ứng nguyên liệu cho sản xuất bị ảnh hưởng nghiệm trọng. Nếu như năm 2020 thế giới bị gián đoạn cung ứng thì chủ yếu là các nguyên liệu cho ngành chế tạo và sản xuất máy móc thiết bị, nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, thì nay, nguyên liệu chính là nông sản chắc chắn bị ảnh hưởng.
Do vậy thời gian tới tình hình nguyên liệu thiếu hụt sẽ là nghiêm trọng do hiện tại các khâu nuôi trồng đều bị đình trệ. Do vậy các địa phương cần tính tới hỗ trợ và có phương án ưu tiên cho sản xuất nguyên liệu, nhất là khu vực nông thôn, ưu tiên cho vùng ít bị nhiễm bệnh được tham gia sản xuất.
Đối với nhóm DN nhỏ và vừa và những DN ngành dịch vụ, cần tính tới phục hồi và thúc đẩy tái kinh doanh thông qua miễn giảm các loại thuế phí trong thời gian đầu phục hồi.
Dịch sẽ còn kéo dài và việc bình thường hóa sản xuất sẽ chưa thể thực hiện sớm trong năm nay, vì thế các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp cần được triển khai sớm.Với bối cảnh khủng hoảng như thế này, tỉnh cấp thiết là rất quan trọng. Cứu DN như cứu người vậy, không thể chần chừ!