Đại dịch khủng khiếp tương tự COVID-19 có thể xảy ra trong 59 năm tới
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:03, 24/08/2021
Một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ và Ý đã tính toán rằng một trận dịch lớn có quy mô tương tự như dịch COVID-19 sẽ xảy ra trong vòng 59 năm tới, chậm nhất là vào năm 2080.
Dựa trên tuổi thọ trung bình của người dân Anh, điều đó cho thấy bất kỳ ai dưới 24 tuổi có thể sẽ phải trải qua dịch bệnh khủng khiếp khác. Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo nó có thể xảy ra sớm hơn rất nhiều.
Tiến sĩ Gabriel Katul, Giáo sư thuỷ văn và khí tượng vi mô tại Đại học Duke (Mỹ), cho biết: “Khi trận lụt 100 năm có 1 xảy ra vào ngày hôm nay, người ta có thể đoán rằng phải 100 năm nữa mới có một sự kiện khác như vậy. Nhưng điều này là sai. Chúng ta có thể phải hứng chịu trận lụt khủng khiếp đó vào ngay năm tới”.
Các nhà nghiên cứu đã nhìn lại các đợt bùng phát dịch bệnh trong 400 năm qua và nhận thấy rằng chúng không hiếm như những gì đã suy đoán ban đầu. Đáng lo ngại là tốc độ xuất hiện của chúng đang tăng nhanh.
Nghiên cứu đã xem xét quy mô và tần suất của các đợt bùng phát dịch bệnh từ năm 1600 bao gồm dịch hạch, đậu mùa, dịch tả, sốt phát ban và các loại vi rút mới. Họ cũng tìm thấy các mô hình đưa ra gợi ý về thời điểm diễn ra đợt dịch bệnh có quy mô tương tự.
Mô hình hóa cho thấy xác suất của một đại dịch có tác động tương tự như COVID-19 trong bất kỳ năm nào là khoảng 2%. Điều này có nghĩa là ai đó sinh năm 2000 có khoảng 38% nguy cơ phải trải qua đại dịch như hiện nay.
Tuy nhiên, một đại dịch gây chết người như dịch cúm Tây Ban Nha, từng giết chết hơn 30 triệu người từ năm 1918 – 1920 chỉ có khả năng xảy ra trong 400 năm tới. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều đáng lo ngại là tốc độ xuất hiện của chúng đang tăng nhanh, có nghĩa là xác suất sống của loài người đang tăng lên.
Dựa trên tốc độ ngày càng tăng mà các mầm bệnh mới như SARS, Mers và COVID-19 bùng phát trong quần thể người trong 50 năm qua, nghiên cứu ước tính rằng xác suất bùng phát có khả năng tăng gấp 3 lần trong vài thập kỷ tới.
Các tác giả nghiên cứu cũng cảnh báo sự gia tăng dân số, thay đổi hệ thống lương thực, suy thoái môi trường và sự tiếp xúc thường xuyên của con người với động vật có mầm bệnh đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Với yếu tố nguy cơ ngày càng tăng, các nhà nghiên cứu ước tính rằng đại dịch có quy mô tương tự như COVID-19 có thể xảy ra trong vòng 59 năm tới.
Nhóm nghiên cứu cho biết số ca tử vong do đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới đang ở mức khoảng 2,5 triệu người mỗi năm nhưng cảnh báo rằng số người chết trong một đại dịch tương tự vào tương lai có thể tồi tệ gấp 8 lần nếu các biện pháp can thiệp như truy vết và kiểm dịch không được thực hiện triệt để.
Họ cũng kêu gọi phải làm nghiên cứu nhiều hơn nữa để dự đoán các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai và chuẩn bị các biện pháp ứng phó với những đại dịch có khả năng giết chết hàng triệu người.
Tiến sĩ William Pan, Phó giáo sư về sức khỏe môi trường toàn cầu tại Duke, cho rằng: “Điều quan trọng nhất cần rút ra là các đại dịch lớn như COVID-19 và cúm Tây Ban Nha có khả năng xảy ra tương đối cao trong tương lai. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phản ứng sớm với các đợt bùng phát dịch bệnh và xây dựng năng lực giám sát đại dịch ở quy mô địa phương và toàn cầu cũng như thiết lập một chương trình nghiên cứu để hiểu tại sao các đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra phổ biến hơn. Hiểu rằng đại dịch xảy ra không hiếm hoi để nâng cao mức độ ưu tiên các nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát chúng trong tương lai”.
Các kết quả nghiên cứu đã được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.