Bộ GTVT chỉ đích danh nhiều địa phương làm khó lưu thông hàng hóa

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:55, 26/08/2021

Việc ùn tắc tại các chốt kiểm dịch, khó khăn lưu thông hàng hóa do một số địa phương có quy định còn chưa thống nhất trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế...

Ùn tắc tại các chốt kiểm soát

Theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT, trong ngày 24.8, trên địa bàn một số địa phương còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông đường bộ tại chốt kiểm soát dịch gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa hoặc gây bức xúc cho lái xe, doanh nghiệp.

Nguyên nhân do một số địa phương có quy định còn chưa thống nhất trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương.

Tại TP. Cần Thơ, Thành phố đã lập đội lái xe hỗ trợ để trung chuyển trong nội đô. Doanh nghiệp nào không có lái xe vào Cần Thơ phải giao cho đội này lái vào nhưng hiện không có đủ lực lượng để làm và tốn kém kinh phí.

Ngoài ra, các xe từ địa phương khác muốn vào thành phố phải đăng ký trước; tất cả các phương tiện đều phải tập trung tại điểm tập kết theo quy định của địa phương để trung chuyển giao nhận hàng hóa.

“Việc này gây ách tắc tại cửa ngõ và bức xúc cho các lái xe, doanh nghiệp; chậm trễ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho TP.HCM của một số doanh nghiệp”, báo cáo nêu.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ chiều ngày 24.8, tại chốt Km38 QL51, Ban Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo test nhanh tại chỗ tất cả các trường hợp qua chốt kiểm soát dịch, kể cả trường hợp có giấy test nhanh đang còn hiệu lực.

Tại tỉnh An Giang cũng tiến hành test nhanh cho tất cả các trường hợp lái xe khi vào tỉnh, sau khi test xong ghi lại thông tin thì cho xe qua. Mặc dù không gây ách tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ nhưng gây bức xúc đối với lái xe, doanh nghiệp.

hang-hoa.jpeg
Nhiều địa phương làm khó việc lưu thông hàng hóa

Còn tại TP. Hải Phòng, các trường hợp vào thành phố công tác phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCT (có giá trị trong vòng 72 giờ) xét nghiệm tại địa phương xuất phát hoặc đi qua trước khi vào Hải Phòng. Giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 và văn bản đồng ý của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố.

Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu lái xe phải có kết quả PCR âm tính trước 48 giờ, khuyến khích tiêm 2 mũi. Riêng người từ tỉnh khác về Quảng Ninh phải đủ cả 2 điều kiện (âm tính trước 48 giờ và tiêm 2 mũi vắc xin, trực tiếp khai báo y tế), nếu ở tỉnh đang thực hiện Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ thì phải cách ly 14 ngày + 7 ngày tại nhà.

Tỉnh Hà Tĩnh quy định khi đi vào địa bàn tỉnh phải có giấy xét nghiệm RT-PCR trong thời hạn tối đa 48 giờ.

Tỉnh Hải Dương hiện đang đóng QL 38 do liền kề với huyện Lương Tài đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không cho xe qua lại 2 tỉnh.

Tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các công ty, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khi cấp giấy đi đường cho công nhân, nhân viên, người lao động phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cụ thể sau: Phải thuộc các loại hình được phép hoạt động và phải có kế hoạch “Phòng chống dịch COVID-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc COVID-19” được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; tiếp tục thực hiện theo biểu mẫu giấy đi đường và các yêu cầu.

Đối với các trường hợp còn lại, Chủ tịch UBND cấp xã phải trình Chủ tịch UBND cấp huyện chấp thuận trước khi Chủ tịch UBND cấp xã ký xác nhận.

Đối với việc cấp giấy đi đường cho người lao động và hộ kinh doanh cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, tiếp tục thực hiện theo biểu mẫu giấy đi đường, Chủ tịch UBND cấp xã ký xác nhận đối với các trường hợp di chuyển trong phạm vi xã, phường, thị trấn mình quản lý.

Đối với các trường hợp còn lại, Chủ tịch UBND cấp xã phải trình Chủ tịch UBND cấp huyện chấp thuận trước khi Chủ tịch UBND cấp xã ký xác nhận. Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ, Bạc Liêu yêu cầu phải có phương án vận chuyển hàng hóa, không phải cấp thêm giấy đi đường; các trường hợp còn lại của hoạt động vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở GTVT hướng dẫn, trực tiếp giải quyết và thông báo đến các địa phương trong tỉnh.

Vấn đề cấp bách, cần thống nhất trong thực hiện

Trước tình hình này, tối 25.8, Bộ GTVT có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị thống nhất nội dung kiểm tra và quy trình kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19.

Bộ GTVT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương thực hiện: Rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành; thống nhất nội dung kiểm tra và quy trình kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch.

Về kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa, Bộ GTVT cho biết lực lượng kiểm soát sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng quét mã QR trên giấy nhận diện để kiểm tra nhanh các thông tin. Trường hợp sau khi quét mã QR thể hiện đầy đủ thông tin theo yêu cầu thì cho phương tiện lưu thông ngay qua chốt kiểm soát dịch.

Trường hợp sau khi quét mã QR phát hiện có thông tin không đầy đủ, chính xác, nếu người trên phương tiện xuất trình bản chính giấy xét nghiệm còn hiệu lực, giấy phép lái xe, căn cước công dân, khai báo y tế đầy đủ thì cho phương tiện lưu thông ngay.

Trường hợp sau khi quét mã QR phát hiện có thông tin không đầy đủ, chính xác, nếu người trên phương tiện không xuất trình được bản chính giấy xét nghiệm còn hiệu lực hoặc chưa khai báo y tế thì hướng dẫn xe di chuyển vào khu vực kiểm tra phương tiện tại chốt kiểm soát dịch (không để xe dừng đỗ trên đường) để kiểm tra và xử lý theo quy định về phòng, chống dịch. Nếu phát hiện người trên phương tiện dương tính với SARS-CoV-2 thì tổ chức cách ly theo quy định.

“Đây là những vấn đề cấp bách, cần có sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện; Bộ GTVT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện”, văn bản của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký nêu rõ.

Lam Thanh