Vì sao Taliban coi giới trí thức Afghanistan là kẻ thù không đội trời chung?

Hồ sơ - Ngày đăng : 15:06, 27/08/2021

Trong giai đoạn Taliban cầm quyền từ năm 1996 đến năm 2001 dựa theo luật Sharia, họ tước bỏ quyền tự do của phụ nữ và hành quyết những trí thức hay ai chống lại hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Hai lần Taliban cố gắng giết Khyber Mashal (tên nhân vật đã được thay đổi). Lần đầu tiên là vào năm 2009, khi nhà khoa học người Afghanistan đang thực hiện một dự án phát triển cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ ở Gardez, một thành phố ở đông nam Afghanistan. Các chiến binh Taliban đã đặt một quả bom bên dưới văn phòng của anh, nhưng Mashal may mắn đã đi vắng tới Đức. Năm đồng nghiệp — bốn người Afghanistan và trưởng phòng an ninh người Nepal — đã chết trong vụ nổ. Sau đó vào tháng 7.2019, khi Mashal đang làm việc cho Bộ Giáo dục Afghanistan, một kẻ đánh bom liều chết đã lao đến trước xe anh. Một sĩ quan cảnh sát nhanh trí đã tóm lấy người đàn ông và cởi bỏ chiếc áo vest chất đầy chất nổ ra khỏi người.

Tại sao Taliban lại muốn hạ gục Mashal? “Bởi vì bọn chúng là lũ phản khoa học”, Mashal phân tích. "Những người có trình độ học vấn là mục tiêu vì chúng tôi đã thay đổi đất nước". Mối quan hệ trong quá khứ của Mashal với một tổ chức của Mỹ càng đặt anh thêm vào tình trạng nguy hiểm. Mashal rời Afghanistan cùng vợ vào tháng 12.2020 để theo học nghiên cứu sinh kéo dài một năm tại một trường đại học của Đức. Giờ đây, sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan nhanh như chớp, nhiều nhà khoa học khác đang cố gắng trốn chạy — và các đồng nghiệp của họ ở nước ngoài đang cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ.

Afghanistan đã trải qua một chặng đường dài kể từ sau giai đoạn Taliban cầm quyền từ năm 1996 đến năm 2001 dựa theo luật Sharia, trong đó tước bỏ quyền tự do của phụ nữ và hành quyết những trí thức hay ai chống lại hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Sau khi Taliban bị lật đổ, các cơ sở giáo dục đại học của Afghanistan đã phát triển từ một số ít lên hơn 100 và nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động.

Các nhà lãnh đạo của Taliban vừa giành chiến thắng khẳng định họ đã xem lại quan điểm của mình, nhưng họ cũng thề sẽ tái sử dụng luật  Sharia. Nhưng rất ít người Afghanistan tin tưởng những cam kết thay đổi của Taliban. Gần đây nhất vào năm 2016, một cuộc tấn công của các chiến binh Taliban vào Đại học Mỹ ở Afghanistan đã giết chết 13 người và hơn 50 người bị thương.

Một nữ kỹ sư tại Đại học Avicenna, một ngôi trường tư nhân được mở ở Kabul vào năm 2010, dự đoán rằng những thành quả mà phụ nữ đã đạt được trong xã hội Afghanistan “sẽ phai nhạt và bị đào thải”. Cô gái đề nghị giấu tên do lo ngại tính mạng của mình gặp nguy hiểm nếu lộ danh tính. Mohammad Assem Mayar, một chuyên gia quản lý nước tại Đại học Bách khoa Kabul, người đã làm việc với các nhà khoa học tại Đại học California, Irvine và Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết: “Tương lai rất đen tối” đối với các học giả ở lại Afghanistan.

Mayar gần đây đã tìm được hỏng bổng tại Đại học Stuttgart, nhưng các đồng nghiệp ở Afghanistan sợ hãi trong những ngày sắp tới. Kỹ sư ở trường Avicenna, người đã hợp tác với các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết cô và gia đình đã phải rời bỏ căn hộ của họ ở Kabul vào đầu tuần này. Cô nói: “Taliban đã đi từng nhà để tìm kiếm chúng tôi”. Họ tạm thời an toàn nhờ ẩn náu trong nhà của một người bạn. Cô và gia đình đã nộp đơn xin thị thực Mỹ cách đây 6 năm nhưng vẫn đang chờ quyết định. Giờ đây, cô ấy đang trông cậy vào các đồng nghiệp ở Mỹ thay mặt họ khẩn cầu. Cô nói, sự trở lại của Taliban đã khiến cô "không còn hy vọng sống sót ở Afghanistan”.

Các quan chức châu Âu và Mỹ đang hối hả để đưa cô ấy và hàng trăm học giả Afghanistan khác và gia đình của họ lên các chuyến bay ra khỏi Kabul. Đầu tuần này, 5 thành viên của đội chế tạo robot Afghanistan — những phụ nữ trẻ đã nổi tiếng trong những năm gần đây nhờ sự khéo léo trong các cuộc thi quốc tế — đã lên đến Qatar trên máy bay Mỹ. Nhưng đến được sân bay đồng nghĩa với việc vượt qua các đoàn chiến binh Taliban đi lang thang trên đường phố của Kabul và vượt qua một số trạm kiểm soát. Các nhà khoa học mắc kẹt bên ngoài thủ đô, trong đó có một nhà khoa học nữ ẩn mình trong một tầng hầm ở phía tây thành phố Herat. Cô nói rằng việc đến Kabul lúc này là quá nguy hiểm.

Trong một bức thư ngày 18.8 với hơn 2500 người ký tên, Robert Quinn, giám đốc điều hành của Mạng lưới Học giả SAR, kêu gọi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nới lỏng các yêu cầu về thị thực cho người Afghanistan và tiếp tục các chuyến bay sơ tán cho đến khi tất cả “học giả, sinh viên, và các tổ chức xã hội dân sự” rời đi. Quinn cho biết thêm, SAR đã nhận được hàng trăm lời cầu xin hỗ trợ từ Afghanistan trong vài ngày qua. “Chúng tôi đang chạy đua để làm mọi thứ có thể, càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt”.

Mọi thứ có thể trở nên rất ảm đạm rất nhanh đối với các học giả bị bỏ lại— ngay cả những người không nằm trong tầm ngắm của Taliban. Mayar dự đoán rằng chế độ Taliban thiếu tiền khó có thể trả lương cho các giảng viên và nhân viên của trường đại học, như đã xảy ra trong thời kỳ cầm quyền trước đây. Alex Dehgan, giám đốc quốc gia của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã từ năm 2006 đến năm 2008, đã giúp thành lập công viên quốc gia đầu tiên của Afghanistan, Band-e-Amir, cho biết: “Thật sự rất khó để theo dõi những gì đang xảy ra hiện nay”.

Mashal nói rằng học hành là thứ mà Taliban rất thù địch. Anh nói: “Hầu như không ai trong giới lãnh đạo Taliban được học hành. Các chiến binh hầu hết là “những đứa trẻ bị tẩy não với tinh thần tử vì đạo. Họ được đào tạo để chỉ nghĩ về hai điều: thiên đường và địa ngục". Trong một dấu hiệu cho thấy Taliban có ý định khẳng định quyền kiểm soát các trường đại học, đầu tuần này, lực lượng này đã bổ nhiệm người của mình là hiệu trưởng Đại học Paktia ở Gardez. “Một hệ thống giáo dục rỗng tuếch là một viễn cảnh “rất đáng sợ”, vì nó có thể là nơi sinh sôi nảy nở cho các chiến binh thánh chiến.

Một số nhà khoa học phương Tây vẫn hy vọng rằng xu thế này có thể được ngăn chặn, một phần bằng cách duy trì các hợp tác hiện có và tạo ra những hợp tác mới. Daniel Jablonski, nhà động vật học tại Đại học Comenius ở Bratislava, Slovakia, cho biết: “Khi tình hình ổn định, chúng ta nên thiết lập các chương trình nghiên cứu và giáo dục tại các trường đại học địa phương. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào điều kiện an ninh địa phương".

Tuy nhiên, hiện tại, nhiều tổ chức của Mỹ đang cố gắng bảo vệ các cộng tác viên cũ bằng cách xóa dữ liệu các trang web và tài khoản mạng xã hội của họ có bất kỳ đề cập nào về hợp tác trong quá khứ. Và họ đang phối hợp với các quan chức chính quyền Biden và Quốc hội về cách hướng các học giả đến những bến đỗ an toàn.

Chẳng hạ, Dự án Nghiên cứu và Đổi mới Ngũ cốc từ 2017 đã đào tạo các nhà nghiên cứu lúa mì ở Kabul và đưa 33 sinh viên — gồm 12 nữ sinh — vào các chương trình sau đại học tại Đại học Kabul và hai trường đại học Ấn Độ. Giờ đây, chương trình đã chuyển sang giải cứu các nhà nghiên cứu. Giám đốc dự án Kurt Richter cho biết: “Chúng tôi muốn tìm một ngôi nhà tốt cho họ, nơi họ có thể theo đuổi sự nghiệp khoa học của mình, nơi họ có thể nuôi gia đình, nơi họ có thể an toàn và được bảo đảm an ninh”.

Với chương trình nghiên cứu sinh của riêng mình kết thúc vào tháng 11, Mashal đã nộp đơn vào SAR như tìm phao cứu sinh. Mashal không có ý định quay trở lại Afghanistan trong thời gian Taliban nắm quyền. "Tôi không muốn chết", anh nói. Năm 2005, sếp của anh, một bác sĩ thú y, đã bị giết bởi các chiến binh Taliban khi đang làm việc trong một dự án quản lý chăn nuôi ở tỉnh Kandahar. Cha vợ của anh cũng đã chết trong một vụ đánh bom liều chết và người anh rể sau đó bị bắn chết khi đang xếp hàng bên ngoài ngân hàng.

Mashal còn phải lo lắng với những nguy cơ mà bạn bè và các thành viên còn lại trong gia đình phải đối mặt khi trở về nhà. Khi Kabul chuẩn bị sụp đổ,  anh ấy “lo lắng tột độ” và giờ vẫn khó ngủ. “Tôi cố gắng an ủi các đồng nghiệp của mình. Tôi cố gắng an ủi gia đình mình. Và tôi cố gắng tự an ủi mình”, Mashal nói. “Nhưng thật đau lòng khi chứng kiến ​​sự tàn phá. Mất tất cả những gì chúng tôi đã liều mạng”.

Anh Tú