'Thương người xa xứ' và bài ca dao gợi nhắc thời kỳ lịch sử
Giáo dục - Ngày đăng : 12:05, 15/07/2017
Nếu tục ngữ thiên về lý trí, là phán đoán rút ra từ thực tiễn đời sống lao động, đời sống xã hội thì ca dao lại thiên về tình cảm, bởi nội dung phản ánh đậm chất trữ tình. Vì thế, ngôn ngữ ca dao thường gợi nhiều hơn tả, kể. Bài ca dao sau là minh chứng:
Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai.
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài,
Thương người xa xứ lạc loài tới đây…
Xét về cấu trúc, thường thì ca dao kết cấu theo lối đối - tỉ hai phần rõ rệt: phần đầu gợi hứng, nêu vấn đề để đối chiếu nội dung chính phần sau mà bộc lộ tình cảm chủ thể trữ tình. Điều đặc biệt ở bài ca dao này: tư tưởng tình cảm gợi ra ngay trong từng câu phần đầu (ngoại cảnh). Phần “hứng” đã gợi ra phần “tỉ”, ngôn từ ẩn dụ - vừa giàu nghĩa hiện thực vừa đậm sác thái biểu tượng.
“Rồng chầu ngoài Huế” gợi ngay đến hình ảnh Rồng đang phủ phục bên đền đài, cung điện, thành quách, cảnh trí vùng đất kinh kỳ, biểu hiện uy lực vương triều (nhà Nguyễn). “Chầu” là sự phục tùng, tuân thủ theo quy tắc ứng xử trong quan hệ giao tiếp theo chuẩn mực cái đẹp của con người vùng đất kinh kỳ, nơi hội tụ tinh hoa văn hoá dân tộc. Chính điều đó đã góp phần hình thành tính cách con người Huế: nền nếp, gia phong, khuôn phép, thanh lịch đến mức cầu kỳ trong mọi mặt đời sống. Chùa Thiên Mụ, núi Ngự Bình, lăng tẩm, thành quách vẫn trầm mặc soi bóng xuống dòng Hương Giang thơ mộng ngàn đời để trở thành di sản văn hoá vật thể hậu thế. Đến nhã nhạc cung đình Huế lại được vinh danh thành di sản phi vật thể của nhân loại. Tất cả đều sản sinh ra từ tính cách con người Huế (chủ thể văn hoá).
Xuôi vào Nam, trước “độ mang gươm đi mở cõi”, Đồng Nai, vùng đất mênh mông, bát ngát còn hoang vu thuở ấy xuất hiện “Ngựa tế Đồng Nai”. Ta hình dung hình ảnh ngựa đang sải bước, tung vó để phi nước đại trên miền đất rộng lớn mà không gặp phải sự cản trở nào. Phải chăng đó là biểu hiện khát vọng tự do, tung hoành của người Nam bộ (nói chung) và Đồng Nai (nói riêng). Phóng khoáng, bộc trực, thân tình mà dung dị trong mọi mặt đời sống. Dấu ấn đậm chất Nam bộ trong sinh hoạt văn hoá: Đờn ca tài tử từng được xướng thành văn hoá phi vật thể. Loại hình này phản ánh tính cách mộc mạc, dân dã mà thắm đượm nghĩa tình người vùng sông nước miệt vườn.
Sử sách ghi rằng: năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam, ngược sông Đồng Nai – Sài Gòn, ông “lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long và Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Đặt Trấn Biên dinh (Biên Hoà) và Phiên Trấn dinh (Gia Định) sai quan vào cai trị. Lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất”. Từ đó những bước khai phá người Việt mở cõi đến tận cùng vùng đất Nam bộ ngày nay, chóp mũi Cà Mau hoàn thiện bản đồ chữ S để sau này Xuân Diệu liên tưởng “Tổ quốc tôi như một con tàu / Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau”… Vì vậy Nam bộ là nơi hội tụ cư dân Đàng ngoài, Đàng trong vào sinh cơ lập nghiệp. “Nước sông trong chảy lộn sông ngoài” là như thế. Vì thời cuộc, vì mưu sinh mà người mọi miền phải “chảy lộn” để tìm đến miền đất hứa.
Có dị bản chép “Nước sông trong sao chảy lộn sông ngoài”. Chữ “sao” dùng để hỏi khi đối thoại, người hỏi muốn biết hoàn cảnh đẩy đưa người đến đây, tìm sự đồng cảm, sẻ chia. Người thì bất mãn thời cuộc, người vì đói nghèo tha hương cầu thực, người không chịu cảnh áp bức quan lại, tựu trung đều là kẻ xa xứ. Bởi vậy tình người đọng lại câu “Thương người xa xứ lạc loài tới đây”. Cách nói, cách bày tỏ tình cảm rất bộc trực, tự nhiên “thương”, không khuôn sáo, cầu kỳ, rất dân dã! Là mệnh lệnh trái tim “cưu mang đùm bọc” nhau. Kể chi thành phần xuất thân, sá chi sang hèn… Vì thế cũng có dị bản “Thương người quân tử lạc loài tới đây”. Người tới trước giúp đỡ người đến sau, người thuận lợi giúp người khó khăn, cứ thế đời trước truyền đời sau làm nên cốt cách “trọng nghĩa tình” của người Nam bộ như ngày nay.
Thế mới hay bài ca dao trên như gợi nhắc người đời về giai đoạn lịch sử hình thành cư dân Nam bộ, còn là biểu hiện tính cách người vùng miền khác nhau. Hai câu kết bài ca dao theo mô típ quen thuộc, lời mời chào:
“Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây lại về”.
Về hay không về thì bao giờ tâm thức người Việt vẫn hướng về “Cố quốc” (Rồng chầu ngoài Huế). Thời nay, con cháu vẫn không nguôi tấm lòng nhớ thương ấy “Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ). Bởi người Việt Nam đời nào cũng vậy, ở đâu cũng thế (người xa xứ) luôn ẩn chứa tinh thần dân tộc, nghĩa cử đồng bào.
Lộc Trang