Sau khi va vào bạn gái, một học sinh nghỉ học đầy tranh cãi
Giáo dục - Ngày đăng : 11:13, 13/07/2017
Tự ý nghỉ học hay bị đuổi?
Đến nay, sau khi có kết luận kiểm tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, vụ việc nghỉ học hay bị đuổi học của em Trương Văn Tài (SN 2007) vẫn khiến dư luận không đồng tình.
Theo trình bày của anh Trương Văn Lợi - cha của em Tài (ngụ ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn), do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng anh không có việc làm ổn định, phải bôn ba nhiều nơi để mưu sinh nên sau khi sinh Tài, anh vẫn chưa làm được giấy khai sinh cho con và hộ khẩu cho gia đình.
Túp lều lụp xụp này là mái ấm của gia đình Tài
Đầu năm học 2016-2017, lúc này em Tài đã 9 tuổi mà vẫn chưa đến trường. Lo cho tương lai của con, anh Lợi dắt Tài và đứa em gái đến trường tiểu học Vĩnh Xuân để xin cho 2 con vào học.
Được nhiều người giúp đỡ, cuối cùng, 2 con của anh cũng được đến trường, nhưng chỉ học ngoài danh sách. Anh Lợi thời gian này cố gắng làm giấy khai sinh cho con và hộ khẩu để bổ sung sau.
Học được khoảng 1 tháng, hôm đó, anh Lợi thấy con trai lớn đi học về sớm hơn thường lệ. Hỏi con, anh Lợi được biết cô giáo chủ nhiệm đã đuổi học Tài vì lý do Tài nghịch ngợm làm một bạn gái trong trường bị chảy máu tai.
“Con tôi kể thực tình chỉ là trong lúc chạy xuống cầu thang, Tài vô tình làm 1 bạn gái té đụng vào tường. Kết quả là làm cho học sinh này bị chảy máu tai. Cho rằng con tôi nghịch ngợm, khó dạy, cô chủ nhiệm đã đuổi học nó”, anh Lợi trình bày.
Sau đó, anh Lợi có đưa em Tài đến gặp cô giáo chủ nhiệm để xin học lại nhưng giáo viên này lấy lý do em Tài lì, dạy không được nữa để từ chối. Hết cách, anh Lợi nhờ một người quen nói với cô Lê Thị Luyến - Phó hiệu trưởng xin nói giúp cô Hiệu trưởng, nhưng vẫn không được.
Cuối cùng, em Tài phải nghỉ học cho đến bây giờ. Theo cô Luyến, lý do cô Hiệu trưởng đuổi học em Tài là vì em… quá tuổi.
Đến tháng 3.2017, cô Luyến có đơn yêu cầu gửi Phòng GD&ĐT huyện Trà Ôn đề nghị kiểm tra, làm rõ một số vấn đề trong trường. Trong đơn yêu cầu của cô Luyến có đề cập đến việc em Tài bị trường đuổi học vì lý do quá tuổi.
Sau khi báo chí phản ánh, ngày 26.4, Sở GD&ĐT Vĩnh Long cử tổ xác minh để làm rõ những vấn đề liên quan. Làm việc với tổ xác minh, anh Lợi khẳng định con mình bị cô giáo chủ nhiệm đuổi học. Và, khi anh dắt con tìm đến cô chủ nhiệm này xin đi học lại thì được cô trả lời là: “Con anh lì, dạy không được nữa”.
Em Tài đang phụ mẹ làm việc trên ruộng khoai
Thế nhưng, đến ngày 19.5, Phòng GD&ĐT huyện Trà Ôn có kết luận giải quyết đơn yêu cầu của cô Luyến. Việc nghỉ học của em Tài được kết luận là tự ý nghỉ chứ không phải bị đuổi học như gia đình học sinh này khẳng định.
Nỗi oan của một đứa trẻ?
Kết luận của Phòng GD&ĐT Trà Ôn cho rằng: “Qua tiếp xúc trực tiếp với ông Trương Văn Lợi - cha ruột của em Tài cùng với xác minh thực tế, tổ kiểm tra kết luận:
"Cô Huệ (cô chủ nhiệm - PV) và cô Oanh (Lê Thị Kiều Oanh, Hiệu trưởng - PV) không đuổi học em Tài mà do em Tài tự ý bỏ học sau khi vi phạm nội quy nhà trường được giáo viên chủ nhiệm giáo dục (em Tài vào lớp không tập trung học tập, làm cho 1 bạn nữ cùng lớp va vào vách tường bị chảy máu tai và làm nứt cửa kính lớp 2/2…)”.
Anh Lợi cho biết: “Việc con tôi làm một học sinh khác va vào tường là vô ý, và con tôi cũng đã xin lỗi. Còn việc làm vỡ cửa kính của lớp học nào đó là không hề có. Nếu có thì trường phải báo cho tôi biết chứ.
Mà tôi cũng đã hỏi con mình, nó trả lời không hề làm vỡ tấm cửa kính nào cả. Mà trước đó, tôi không hề biết gì đến chuyện bể cửa kính gì cả. Chỉ đến khi có tờ giấy kết luận nói như vậy tôi mới biết”.
Bản thân em Tài cũng khẳng định: “Con không làm bể cửa kính. Con học ở tầng trên, giờ ra chơi chỉ chạy chơi ở tầng trên chứ không xuống dưới. Còn tấm cửa kính bị bể là ở tầng dưới”.
Kết luận của Phòng GD&ĐT Trà Ôn cho rằng em Tài tự ý nghỉ học
Cô Luyến bức xúc nói: “Tôi xin cho Tài đi học lại, Hiệu trưởng đã trả lời là do em Tài lớn tuổi, công tác tuyển sinh là do cô Thùy. Sau đó tôi trả lời trực tiếp với phụ huynh. Vai trò là cấp dưới, là người giúp việc cho Hiệu trưởng, tôi đã trình bày mà Hiệu trưởng không đồng ý, làm sao tôi dám báo cáo về Phòng GD&ĐT?”.
Không đồng tình với kết luận của Phòng GD&ĐT, anh Lợi đã có đơn gửi đến Sở GD&ĐT Vĩnh Long để cầu cứu. Ngoài nội dung kêu oan cho con, anh Lợi cũng xin cho Tài được bồi dưỡng hè để năm học tới có thể vào học lớp 2 cùng em gái mình ở trường tiểu học Vĩnh Xuân.
Em Tài cũng mong muốn được đi học trở lại và khẳng định với đại diện Sở GD&ĐT là mình không làm bể cửa kính và không cố ý làm bạn bị va vào tường dẫn đến chảy máu tai.
Trong biên bản làm việc với cha con anh Lợi và một số người khác để lắng nghe ý kiến về vụ việc trên, ông Trịnh Văn Ngoãn - Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng thủ tục tuyển sinh nhà trường thực hiện chưa được chặt chẽ, từ giáo viên chủ nhiệm đến Ban Giám hiệu (cô Luyến, cô Oanh) chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình khi phát hiện trường hợp của em Tài.
Còn ông Nguyễn Bảo Quốc - Chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Vĩnh Long) thì cho rằng, theo hiến pháp quy định thì trẻ em đều có quyền được đi học. Về việc em Tài tiếp tục được học lớp 2 thì theo quy định của điều lệ trường tiểu học có quy định phải khảo sát kiến thức, nếu đạt thì sẽ được lên lớp 2.
Hiện, Tài ngoài thời gian phụ giúp gia đình, em được một cô giáo về hưu nhận dạy kèm để có thể qua được đợt khảo sát kiến thức sắp tới để được lên lớp 2.
Khi PV đến thăm lúc chiều muộn, Tài vẫn đang hăng say cùng mẹ và người cô cắt ngọn những luống khoai ở gần nhà. Tuy mới 10 tuổi, nhưng Tài đã biết phụ giúp gia đình được rất nhiều việc, bao gồm cả việc nhà, đặt dớn, giăng lưới để kiếm cá.
Những trang vở tập viết của Tài
Nhìn con trai lom khom ngoài ruộng khoai, anh Lợi chìa ra những trang vở của con trai tập viết với những nét chữ tròn trịa. Anh Lợi cho biết, dù bận rộn phụ giúp gia đình nhưng Tài không quên nhiệm vụ học tập.
Mong ước của người cha này là dù trong hoàn cảnh khó khăn, 2 đứa của mình vẫn được đến trường để sau này, tương lai của chúng thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Thanh Nguyễn