Lăng mộ của mẹ vua Nguyễn đã bị ủi sát bờ tường
Giáo dục - Ngày đăng : 05:45, 10/07/2017
Như báo điện tử Một Thế Giới đưa tin, đơn vị thi công bãi đỗ xe khách tham quan Lăng Tự Đức và Lăng Đồng Khánh thuộc P.Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế (chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá trị) đã ủi bay lăng mộ được cho là của một bà phi của vua Tự Đức.
Ban đầu có thông tin rằng mộ bà Mỹ Phi - vợ vua Tự Đức bị san phẳng để làm bãi đậu xe. Thế nhưng thực tế thì thời nhà Nguyễn không hề có danh hiệu Mỹ Phi. Về sau tìm được tấm bia đã bị ủi đi xa vị trí nghi có lăng mộ khoảng hơn 100m. Tấm bia có kích cỡ rộng 32cm, dài 67cm, dày 10cm. Trên bia có dòng chữ Hán, nội dung: Tiền triều Tài nhân Cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ. Đối chiếu với danh sách các phi tần của vua Tự Đức được thờ trong lăng, có bài vị của bà Tài nhân họ Lê Thị thụy Thục Thuận, được thờ ở án bên tả ngay vị trí thứ nhất.
Tờ Zing dẫn lời ông Tôn Thất Giáp, Hội đồng Nguyễn Phước Tộc cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP.Huế thì sẽ ý định lập phương án di dời lăng mộ bà Tài nhân họ Lê xuống sát lăng bà Học Phi (vợ khác của vua Tự Đức). Trong chuỗi sự kiện này, ảnh lăng mộ của Học Phi xuất hiện nhiều trên báo với cảnh khá tiêu điều, lại bị máy xúc ủi sát tới chân mộ khiến ta không khỏi cảm khái ngậm ngùi.
Không mấy người biết bà Học Phi thời Tự Đức từng có lúc bước trên đỉnh cao quyền lực. Học Phi thực ra chỉ là một phẩm tước trong hậu cung chứ không phải tên thực. Bà Học Phi có tên thực là Nguyễn Văn Thị Hương người gốc tỉnh Vĩnh Long, xuất thân trong một gia đình quyền quý, danh gia vọng tộc (cha là Nghiêm Oai tướng quân Nguyễn Văn Tuấn), lại có sắc đẹp. Năm Tự Đức thứ 14 (1861), bà được tiến cung và khiến vua Tự Đức hết sức sủng ái. Chính vì vậy, không cần chờ lâu Tự Đức đã sắc phong cho bà giai hàm là Lượng tần. Căn cứ vào việc định rõ thứ bậc ở nội cung dưới thời Minh Mạng thì Lượng tần ở vào bậc thứ 4 trong hệ thống Cửu giai, gọi là Tứ giai Lượng tần.
Năm Tự Đức thứ 23 (1870), bà được tấn phong làm Nhị giai Khiêm phi. Đại Nam thực lục ở Đệ tứ kỷ - Quyển XLII ghi: Lượng Tần họ Nguyễn Văn được tấn phong làm Khiêm phi (sau đổi phong làm Học phi). Cũng trong năm này, theo lệnh Tự Đức Đế, Khiêm Phi Nguyễn Văn Thị Hương nhận con trai thứ hai của Kiên Quốc công là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, lúc này mới lên 2 tuổi, làm con nuôi. Việc cho bà Nguyễn Văn Thị Hương nhận nuôi con là gia ân rất lớn của Tự Đức. Do Tự Đức bị đậu mùa từ nhỏ nên không thể có con và phải nhận con nuôi để nối dõi. Tự Đức chỉ nhận 3 người cháu làm con nuôi và cho Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên, Thiện Phi Nguyễn Thị Cẩm và Khiêm phi Nguyễn Văn Thị Hương được hưởng phúc này.
Phía trước lăng mộ Học Phi
Năm Tự Đức thứ 27 (1874), Hoàng đế sắc phong cho bà hàm Nhất giai Học phi. Trong Đại nam thực lục, ở Đệ tứ kỷ - Quyển L cũng ghi: Tấn phong Khiêm phi họ Nguyễn Văn hàm Học phi. Theo cuốn Kể chuyện nhà Nguyễn, vua Tự Đức rất yêu quý bà Học Phi họ Nguyễn Văn nên ngay cả chiếu sắc phong viết cũng ý tứ chứa chan như sau:
"Đoái nghĩ Khiêm phi Nguyễn Văn Thị khoan thai trinh tiết - nết hạnh khoan thai, con cái bậc huân thần, răn bảo nết na, phép khuôn nơi cung cấm, chăm lo kính cẩn, sớm được mến thương Khiêm cung gắng giữ. Một lòng kính cẩn, cần mẫn lo toan. Tốt lành một lòng giữ tiết, được trên soi xét. Ân sủng nhất giai hiển vinh, cần được thưởng khen. Nay đặc biệt phong ngươi là Học phi, để ngươi: Cẩn đội sủng ân, kính tuân phép tắc. Lo toan dạy bảo, để sửa sang lề lối nội cung tràn thấm trạch ân, giữ sủng ân trước sau chiếu cố..."
Khi ấy, địa vị Học phi của bà chỉ đứng sau Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên (vì Tự Đức không lập hoàng hậu nên Hoàng quý phi là đứng đầu hậu cung). Cũng phải nói thêm rằng không phải việc tần hay phi nào thăng chức cũng được Đại Nam thực lục ghi, mà chỉ những người quan trọng mới được cuốn sử chi tiết bậc nhất thời Nguyễn chép.
Năm Tự Đức thứ 36 (1883), Tự Đức băng hà. Hoàng đế đã lập di chiếu truyền ngôi lại cho Hoàng trưởng tử Ưng Chân, tức Nguyễn Cung Tông, hay thường gọi là Dục Đức. Theo di chiếu của Tự Đức Đế, sau khi Tiên đế qua đời thì bà Học phi Nguyễn Văn Thị Hương và bà Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm lên sống ở Khiêm Lăng để lo toan việc hương khói và cúng kỵ. Sinh thời, Tự Đức yêu nhất 3 bà là Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên, Thiện Phi Nguyễn Thị Cẩm và Học phi Nguyễn Văn Thị Hương nên cũng mới cho 3 bà có con nuôi. Sau khi mất thì bà Vũ Thị Duyên phải ở lại triều đình trông nom vua con Dục Đức nên 2 bà Thiện Phi và Học Phi lo phần hương khói cho Tự Đức.
Nếu chuyện chỉ có thế thì bà Học Phi sẽ không còn được lịch sử nhắc đến. Vua Dục Đức lên ngôi chưa được 3 ngày thì bị phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế. Sau khi phế Dục Đức, nhóm quyền thần này lập con út của Thiệu Trị, là Hiệp Hòa lên thay nhưng cũng chỉ được 4 tháng thì bị bức tử.
Bên trong lăng mộ Học Phi
Sau khi Hiệp Hòa băng, nhóm quyền thần đã lập hoàng tử thứ ba của Tự Đức tự là Ưng Đăng lên làm vua mới. Ngày 1.12.1883, Ưng Đăng vâng theo ý chỉ của Từ Dụ Hoàng thái hậu (dân gian quen gọi là bà Từ Dũ) lên ngôi, lấy niên hiệu là Kiến Phúc. Khi ấy, Tân hoàng đế chỉ vừa tròn 15 tuổi và ngay khi vừa lên ngôi đã cho đón dưỡng mẫu chính là Học Phi vào cung và đưa bà lên một địa vị mới quan trọng và đầy quyền lực, đó là Hoàng thái phi.
Trong cung, bà cùng với Trang ý Hoàng thái Hậu (tức Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên - chính thất của Tự Đức) và Từ Dụ Thái hoàng thái hậu (mẹ của vua Tự Đức) hợp lại gọi là Tam Cung, là những người phụ nữ có quyền lực nhất trong triều đình Nguyễn lúc bấy giờ. Theo đó, cứ vào sinh nhật của bà, triều đình tổ chức một cuộc lễ mừng rất trọng thể gọi là Diên Xuân tiết, nghi lễ không khác gì một Hoàng thái hậu vậy.
Tiếc thay, vua Kiến Phúc chẳng thọ lâu khi đến giữa năm 1884 đã băng. Sau khi Kiến Phúc Đế mất, một người con nuôi khác của Tự Đức do Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm nuôi dưỡng, tên là Nguyễn Phúc Biện lên ngôi lấy niên hiệu là Đồng Khánh. Quả thực, con quý thì mẹ vinh, con sa thì mẹ thảm. Ngay khi vua Đồng Khánh lên ngôi, triều đình lấy lý do rằng hiệu Hoàng thái phi của bà Nguyễn Văn Thị Hương là do quyền thần tự tấn tôn chứ không phải là di mệnh của tiên triều nên cho đình lại, giáng về vị thứ Học phi như cũ. Từ đó về sau, không thấy sử sách đề cập gì về cuộc đời của bà nữa. Nhưng dù gì thì bà Học Phi cũng là mẹ của một vị vua được sử sách ghi nhận.
Anh Tú
Ảnh: do Nguyễn Phước tộc cung cấp