Hà Nội: 2,34 triệu lượt người khó khăn do dịch COVID-19 được giúp đỡ gần 750 tỉ đồng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:30, 30/08/2021
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội cho biết đến cuối ngày 29.8, Hà Nội đã hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 2,34 triệu lượt người, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng kinh phí gần 750 tỉ đồng.
Trong đó, tiền từ ngân sách gần 597 tỉ đồng, nguồn vận động xã hội hóa gần 153 tỉ đồng.
Cụ thể, về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ dành cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Hà Nội đã quyết định hỗ trợ cho hơn 1,58 triệu người với kinh phí hơn 314,2 tỉ đồng.
Đáng chú ý, nhóm lao động tự do có hơn 80.000 người được quyết định hỗ trợ với số tiền hơn 120 tỉ đồng, trong đó hơn 61.000 người đã nhận tiền với hơn 91,5 tỉ đồng...
Các chính sách đặc thù của TP.Hà Nội và nguồn lực cộng đồng cũng đã hỗ trợ cho gần 760.000 lượt người, hộ gia đình với tổng số tiền hơn 435 tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết đến nay cả nước đã triển khai hàng triệu túi an sinh cho người dân. Cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỉ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với 2.180 tỉ đồng được nhận, 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng tình hình dịch bệnh còn kéo dài trong thời gian tới. Do đó, nhiệm vụ quan trọng là cần tiếp tục quan tâm đến an sinh xã hội.
"Chúng ta chỉ có thể thành công trong chống dịch khi an dân, để người dân yên tâm cùng chống dịch", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho người dân từ Nghị quyết 68, trong đó những vấn đề tồn tại đối với các địa phương còn chậm triển khai, đề nghị khắc phục ngay.
Điều tiếp theo là việc cần tập trung hỗ trợ cho công nhân, lao động bị tạm hoãn, ngừng việc, phải chấm hợp đồng lao động. Bộ trưởng cho rằng, đối với "vùng xanh" cần tập trung triển khai nhanh tất cả các chính sách này. Còn đối với "vùng đỏ, vùng cam" thì tập trung lo cái ăn, cái mặc, an sinh cho người dân.
"Đối với người lao động có điều kiện, một là họ chủ động lo, hai là chúng ta đi chợ hộ, mua hộ; với người không có khả năng, đối tượng bảo trợ, thì chúng ta phải hỗ trợ, nhất là tiền, gạo, các túi an sinh…", Bộ trưởng đề xuất.