Tiếng Việt đang thua ở nước Việt
Giáo dục - Ngày đăng : 11:41, 24/07/2017
Cách đây khoảng 20-30 năm, nếu vẽ ra một tương lai rằng, các khu nhà, các địa danh Việt Nam bị đặt tên Tây thì người ta sẽ cười và bảo người đặt vấn đề đó điên rồ, bị thần kinh.
Vậy mà ngày nay, việc ai đó đặt tên con cái là Julie, Michael không tính đến nữa bởi hơi xưa rồi, xã hội ta đã quen với hàng loạt địa danh tiếng Anh, tiếng Pháp. Một sự mà quá khứ cho là lố bịch, ngày nay đang là thời thượng. Hoặc là quá khứ lịch sử sai, ứng xử với tiếng Việt quá chặt chẽ không phải lối, hoặc là ngày nay tiếng Việt đang bị tàn phế ngay trên quê hương đất nước, nơi có những người con dân tộc Việt sinh sống.
Việc này bắt nguồn từ nhu cầu dùng tên giao dịch tiếng Anh của các doanh nghiệp. Nhưng luật doanh nghiệp đã có quy định, tên doanh nghiệp nhất định phải là tiếng Việt, còn tên tiếng Anh là tên giao dịch. Hồi cách đây khoảng hai chục năm, khi tập đoàn Vincom xây tổ hợp thương mại ở phố Bà Triệu (Hà Nội), nó không có tên tiếng Anh, người ta gọi nôm na là “Tháp Bà Triệu”, hoặc “Tháp Vin – Com”. Nhưng sau đó, các khu khác của Vincom đã mang tên Tây: Vinpearl, Times City, Royal City, Gadernia, Lakeside City… Đó là chỉ tính riêng Vincom. Quanh Hà Nội thôi, đã nhan nhản các khu… Tây: Ecopark, Gamuda, Discovery… Không kể xiết. Tệ hại hơn nữa, người ta có thể dịch địa danh Việt và dùng luôn tiếng nước ngoài: Westlake chứ không phải hồ Tây; Red Riverside, chứ không phải bên sông Hồng…
Ở nước Pháp, Quốc hội Pháp bàn nhiều về quy định cấm Anh hóa tiếng Pháp, coi đó là sự tự ái dân tộc. Nước ta cách đây mươi, mười lăm năm, khi làm luật doanh nghiệp, làm quy định quảng cáo, còn có người đưa ra các quy tắc, ví dụ như chữ Anh phải viết nhỏ hơn bao nhiêu lần chữ Việt. Ngày nay thì vấn đề này thả nổi, mạnh ai nấy làm, nhiều người còn cho rằng dùng tên Tây là sang. Thực tế, trong cuộc sống có những người làm việc với ngoại ngữ nhiều, nói năng hay đệm từ ngoại, nghe rất chối tỉ, nhưng đó là thói quen của người mắc "bệnh nghề nghiệp" có thể cho qua, dĩ hòa vi quý. Nay sự phát triển dẫn đến địa danh tràn lan tiếng Anh, tiếng Pháp, chẳng khác gì nhịp điệu cuộc sống người Việt đang bị đệm những từ ngoại, người dân nước ta không thấy bị tổn thương, thì đó là một nỗi buồn lớn.
Trong khi các báo nước ta đưa tin về “quảng trường Thời Đại” ở New York, thì lại đưa tin ở Hà Nội có khu đô thị Times City…Thật là sự trái khoáy.
Tiếng Việt hoàn toàn có thể có từ rất hay để diễn đạt mong muốn của các ông bà xây dựng đô thị, nhưng vì sao họ không dùng? Có thể đặt “Khu đô thị Thời Đại”, hoặc “Khu đô thị Hiện đại” thay cho Times City; có thể gọi “Đô thị Hoàng Gia” thay cho Royal City; hoặc “Viên Ngọc Việt”… Tiếng Việt có những từ rất hay chỉ tình trạng thơ mộng bên sông-hồ: Vân Hồ, Thủy Tạ, Bên Sông, Vườn Bên Hồ, Sơn Thủy, Thủy mặc viên… vân vân. Tôi muốn mua nhà ở khu đô thị Gardenia, và phải tra xem cái từ ấy là gì? Và không hiểu sao người ta lại đặt tên đó cho khu đô thị. Tra Gardenia ở từ điển tiếng Anh là “Cây sơn dầu”, nhưng tiếng Trung người ta dùng chữ 栀子, chi tử, hay sơn chi, tức là hoa dành dành, theo truyền thống dân gian, vùng đó gọi là Chi Tử thị, hay Sơn Chi thị, Khu đô thị Sơn Chi, hoặc dân dã gọi béng nó là Khu đô thị Hoa Dành Dành, nghe thân thiết và dễ hiểu. Tôi cá là không nhiều người trên 30 tuổi phát âm đúng từ “Gardenia” và cũng chả biết nó là gì.
Có một quan niệm sai lầm từ Hán - Việt là từ ngoại. Gọi là Việt - Hán mới đúng. Đó là kho tàng từ ngữ của người Việt, chứ không phải từ của người Trung Quốc. Dù sao, đang có một sự xâm thực rất ghê gớm đẩy lùi tiếng mẹ đẻ ngay trên đất nước của người Việt. Ít nhất là có một cảm giác, bị tha hương tị nạn ngay trên đất nước mình.
Trên đây có câu hỏi vì sao các nhà doanh nghiệp đặt tên địa danh như thế. Có thể có câu trả lời là họ thích thế, nhưng điều đáng nói nhất là quan chức nước ta đang phê duyệt như thế. Vậy thì bao giờ bắt các quan chức có lòng tự hào dân tộc, yêu tiếng dân tộc, tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ ngay trong lòng đất nước mình?
Nguyễn Xuân Hưng (nhà văn)