Hiến kế chống dịch, nữ trí thức Hà Nội đề nghị tập trung đối phó 2 nguy cơ lớn
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:36, 01/09/2021
Tập trung đối phó 2 nguy cơ lớn
Hội Nữ trí thức Hà Nội (NTTHN), Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA vừa có thư gửi Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh, góp ý về công tác phòng chống dịch tại Hà Nội. Đặc biệt là việc thực hiện “mỗi tổ dân phố là một pháo đài phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả” và phát huy sức mạnh từ cộng đồng.
Hội NTTHN cho rằng, Chính phủ đang nỗ lực triển khai công tác tiêm chủng. Tuy nhiên, vắc xin không thôi là chưa đủ vì tình trạng thiếu nguồn vắc xin dẫn đến chậm đạt được miễn dịch cộng đồng, trong khi vi rút có nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới.
“Chúng ta cần nhìn thẳng và chấp nhận sự thật (như ở Mỹ và các nước châu Âu), đó là sự tiếp tục lan rộng của dịch bệnh mà chỉ có thể làm chậm chứ không ngăn chặn được”, văn bản nêu.
Theo Hội NTTHN, chiến lược phòng ngừa mới của thành phố cần tập trung vào phòng ngừa và đối phó với hai nguy cơ lớn. Thứ nhất là khó khăn về đời sống của người dân do giãn cách lâu ngày, mất việc làm vì sản xuất bị đứt gãy dẫn đến nguy cơ xảy ra các "thảm hoạ nhân đạo". Thứ hai là sự suy yếu và không đáp ứng kịp thời của hệ thống y tế dẫn đến tỷ lệ người ốm, chết cả do dịch và bệnh thông thường tăng cao vì không được chăm sóc, chữa trị.
Do đó, các biện pháp chiến lược cần xoay quanh hai khâu quan trọng nhất là: Ổn định đời sống của người dân ở mức cơ bản thông qua duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội - dân sự ở mức độ nhất định. Đồng thời giữ vững, củng cố và tăng cường hệ thống y tế đang thiếu thốn, căng thẳng và bắt đầu quá tải do phải dồn sức chống dịch trong thời gian kéo dài.
Hội NTTHN cũng nêu, về công tác xét nghiệm tầm soát, bóc tách F0, Việt Nam đã làm tốt các biện pháp trong giai đoạn COVID-19 chưa vào cộng đồng nên không để ý và chuẩn bị kịp thời các biện pháp chống COVID-19 khi xâm nhập vào cộng đồng, trở thành vấn đề nội sinh, đồng nghĩa là F0 không rõ nguồn gốc. Chính vì khuyết biện pháp này nên đã xuất hiện các ổ dịch khá lớn như ở quận Thanh Xuân (ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi) hiện nay.
Theo kinh nghiệm tổng hợp từ nhiều quốc gia trên thế giới, có 4 biện pháp cơ bản giúp phát hiện sớm ổ dịch trong cộng đồng bao gồm: (1) test toàn dân, (2) test nhanh thuận tiện như các nước (đang lái xe trên đường cũng có thể vào test), (3) test cho người có triệu chứng, bất kể ai có than phiền, (4) test cho người có triệu chứng đặc biệt hơn, xác suất test dương tính cao hơn.
Hà Nội bắt buộc phải chọn thêm 1 trong 2 biện pháp là phương pháp 3 hay phương pháp 4. Nếu chọn số 3 có thể hiệu quả hơn về phát hiện dịch, nhưng chắc chắn tốn kém hơn rất nhiều. Từ kinh nghiệm thành công của Nhật Bản, Hội NTTHN đề nghị chọn biện pháp số 4. Hội cũng nhấn mạnh là biện pháp này giúp phát hiện sớm hơn, khi ổ dịch nhỏ hơn, chứ không phải là liều thuốc tiên giúp ngăn chặn.
Tăng cường năng lực cho các tổ COVID cộng đồng
Về việc tổ chức thực hiện xây dựng pháo đài phòng chống dịch tại cộng đồng Khi triển khai chiến lược “mỗi tổ dân phố là một pháo đài phòng chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận này”, Hội NTTHN cho rằng cần đảm bảo “các chiến sĩ” của chúng ta có đủ phương tiện để tự chiến đấu.
Hội NTTHN nêu thực tế hiện nay cho thấy, lỗ hổng lớn tại các khu dân cư là nhiều người dân (nhất là người dân lao động tự do) chưa nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản, cần thiết, kịp thời về nguy cơ dịch bệnh, về các hành động, ứng xử cần làm khi xảy ra các tình huống. Nhiều người dân trong “vùng đỏ” gặp tình trạng hoang mang, thiếu bình tĩnh và không gọi điện được đến các tổng đài tư vấn; có sự bất đối xứng về thông tin giữa mạng xã hội và phát ngôn, báo chí chính thống…
Theo đó, Hội NTTHN cho rằn truyền thông của Nhà nước cần đưa tin đầy đủ, kịp thời kèm phân tích, thảo luận công khai giữa các chuyên gia và đại diện chính quyền về mọi vấn đề của dịch bệnh. Ngoài ra, cần sử dụng đa dạng các phương pháp và tài liệu truyền thông hiện có để đảm bảo hiệu quả tiếp cận phù hợp với các tầng lớp dân cư.
Ví dụ truyền thông đưa tin qua loa di động tới từng ngóc ngách, qua các nhóm Zalo, Facebook của khu phố; sẵn sàng một danh bạ các số điện thoại dễ dàng liên lạc 24/7 cho người dân có thể tiếp cận được khi có nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp về nhu yếu phẩm, y tế….
Ngoài ra, những thành viên tổ COVID cộng đồng, nhóm tình nguyện tham gia chống dịch cũng cần được tăng cường năng lực để trở thành các “cán bộ tư vấn/ khai vấn” ngay tại địa bàn cho người dân; tiêm vắc xin đầy đủ cho những thành viên tham gia các nhóm này. Cũng theo Hội NTTHN, các biện pháp khoanh vùng F0, F1 cũng nên lưu ý để không tạo ra hệ quả dẫn tới “kỳ thị cộng đồng” với những người, hộ gia đình không may nhiễm COVID-19 hoặc nhóm F1.
Đồng thời, không nên coi toàn bộ khu dân cư là F1 và đưa F1 đi cách ly tập trung toàn bộ. Nếu như vậy, sẽ bị quá tải và không đủ nguồn lực, giường nằm, người phục vụ nếu dịch bệnh lan trên diện rộng.
Về phát huy vai trò và tăng cường năng lực của các lực lượng tình nguyện, phụ nữ tại tuyến cơ sở tại từng tổ dân phố và trên toàn thành phố, bên cạnh các cơ quan chính quyền, chuyên môn, rất nhiều trí thức, cán bộ nghỉ hưu vẫn có thể và sẵn sàng tham gia cùng chống dịch.
Do đó, Hội NTTHN đề xuất thành phố nên tổ chức các cuộc họp trực tuyến/trực tiếp với tổ chức khoa học công nghệ, hội nghề nghiệp, chuyên gia có chuyên môn, để thảo luận về các giải pháp. Các tổ chức khoa học có thể cùng phối hợp tham gia nội dung này và xây dựng thí điểm “mô hình cộng đồng phòng chống dịch hiệu quả” để làm cơ sở nhân rộng trong thành phố…