Nhà đầu tư bất động sản ‘đua nhau’ bán nhà cắt lỗ, thoát hàng
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 18:25, 01/09/2021
Nhà đầu tư đua nhau cắt lỗ
Thời gian gần đây, trên các trang chuyên về mua bán bất động sản TP.HCM xuất hiện nhan nhản thông tin rao bán nhà với dòng giới thiệu như "bán cắt lỗ", "bán gấp"…
Đơn cử như "bán gấp nhà trung tâm Thảo Điền, view sông Sài Gòn mát mẻ giá 75 tỉ đồng", "bán gấp biệt thự góc Nam Viên, Phú Mỹ Hưng giá 39,5 tỉ đồng". Hay thông tin "cần bán ra nhanh mặt tiền đường Nguyễn Sơn, quận Tân Phú giá 23 tỉ đồng", "bán nhà khu biệt thự Hà Đô 766 Sư Vạn Hạnh, quận 10 giá 72 tỉ đồng"; "chính chủ cần bán gấp mặt tiền Phan Văn Khoẻ, quận 5 giá 20 tỉ"…
Theo tìm hiểu của Một Thế Giới, thị trường bất động sản đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng. Loại hình cắt lỗ nhiều nhất là nhà phố, nhà liền thổ, biệt thự... Nhà phố từng là loại bất động sản rất được giới đầu tư ưa chuộng từ năm 2015 đến nay bởi nó đem lại dòng tiền từ cho thuê rất cao, giá trị luôn gia tăng trong quá trình phát triển đô thị. Phân khúc bất động sản này thường có giá trị cao, thanh khoản tốt và được ví như “con gà đẻ trứng vàng” nhưng giờ lại đang khiến nhiều nhà đầu tư lao đao vì bị tác động bởi dịch COVID-19. Nhà đầu tư lỡ ôm loại sản phẩm này với áp lực thanh toán lớn nên muốn xả hàng nhanh thì đành chấp nhận giảm giá sâu.
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng thấy rằng trong tháng 7, tổng lượng tin rao bán nhà đất trên cả nước giảm 22% so với tháng trước và gần 43% so với cùng thời điểm năm 2020. Nhu cầu tìm mua bất động sản trong tháng 7 cũng lần lượt giảm 12% và 18% so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Ở những thị trường có số ca nhiễm tăng mạnh như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… nhu cầu tìm kiếm nhà đất giảm trung bình từ 33-35% so với lượt tìm mua của tháng 6, lượng tin đăng cũng giảm từ 40-50%.
Đến tháng 8.2021, trên nhiều hội nhóm Facebook, Zalo, Viber... lượng tin rao bán cắt lỗ bắt đầu tăng mạnh so với các tháng trước đó, đặc biệt là ở phân khúc đất nền, đất thổ cư, nhà phố. Nhiều nhà đầu tư đã rao bán nhà với mức cắt lỗ bắt đầu cao hơn, cho thấy những tác động tiêu cực của COVID-19 đã “ngấm” mạnh hơn khiến họ không thể cầm cự thêm.
Chuyên gia cho rằng các số liệu trên phản ánh đúng thực trạng của thị trường nhà đất trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài và tác động của dịch bệnh với nền kinh tế chung. Dịch bệnh kéo dài ngoài dự kiến khiến những nhà đầu tư vốn mỏng, dùng đòn bẩy tài chính ngân hàng không thể “cầm cự” thêm hoặc những nhà đầu tư mà công việc chính gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra nên buộc phải rao bán cắt lỗ.
Ghi nhận cho thấy từ tháng 5 đến giữa tháng 7, phần lớn giá bán ở những khu vực không chịu ảnh hưởng của sốt đất thời điểm đầu năm vẫn ghi nhận đi ngang hoặc có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 7 đến nay, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bán rẻ hơn 15-20%, thậm chí 30% so với giá thị trường để đẩy được hàng, thu hồi lại vốn.
Làn sóng cắt lỗ sẽ còn tiếp diễn
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thời gian qua, dịch bệnh kéo dài khiến thu nhập người dân suy giảm. Kéo theo đó, nhu cầu chi tiêu giảm nên giá bán bất động sản cũng chịu áp lực giảm.
Tại một số thị trường trước đó đã xảy ra tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… nên hệ quả là nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ mắc kẹt và buộc phải rao bán cắt lỗ trong mùa dịch. Trong đó, phân khúc đất nền và nhà liền kề đã xuất hiện tình trạng rao bán cắt lỗ, giảm giá sâu.
Nguyên nhân là do các nhà đầu tư lao vào mua với giá không tưởng, thành ra sau đó có cắt lỗ 10 - 20% thì mặt bằng giá vẫn rất cao, ít người mua. Với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, ông Đính cho rằng thị trường bất động sản có khi vẫn "bết bát", tình trạng cắt lỗ vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, chuyên gia của Batdongsan.com.vn nhìn nhận không loại trừ yếu tố tâm lý người mua bất động sản đang nghiêng về sự an toàn, việc lựa chọn bảo tồn nguồn vốn thay vì xuống tiền đầu tư trong thời điểm dịch bệnh phức tạp là rất bình thường. Một khi thị trường khởi động trở lại, nguồn vốn dự trữ trong dân đổ vào các kênh đầu tư sẽ càng mạnh mẽ hơn và bất động sản là một trong số đó.
Một số chuyên gia cũng nhận định làn sóng COVID-19 lần thứ 4 không chỉ trực tiếp làm giảm sút nguồn thu nhập từ cho thuê mà còn làm hao mòn tích lũy của nhà đầu tư cá nhân, từ đó tác động mạnh đến khả năng nắm giữ tài sản của họ. Tình trạng nhà đầu tư bất động sản xả hàng giảm giá xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, các đợt thoát hàng hiện nay chỉ dừng lại ở mức cắt lỗ kỹ thuật, chặn lãi chứ chưa xuất hiện tình trạng ồ ạt bán đổ bán tháo.
Mặc dù hiện tại làn sóng cắt lỗ bất động sản mới chỉ dừng ở ngưỡng cắt lỗ kỹ thuật, nhưng nếu việc khống chế dịch bệnh chưa thể cải thiện trước tháng 9, khả năng sẽ có thể xảy ra hiện tượng bán tháo nhẹ vào thời điểm cuối năm nay. Nhiều nhà đầu tư mất khả năng tài chính, chậm đóng tiền, hết khả năng thanh toán quá lâu, có thể bị phạt thanh lý hợp đồng sẽ phải chấp nhận mức giảm sâu hơn.