Không máy móc, cứng nhắc trong phòng chống dịch COVID-19

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:16, 02/09/2021

Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết; phòng chống dịch COVID-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế….

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 gồm 23 chỉ tiêu, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng, cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Ngoài ra, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

chong-dich.jpg
Chính phủ yêu cầu linh hoạt, sáng tạo trong phòng chống dịch - ảnh: VnEconomy

Nghị quyết nêu rõ, phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng chính sách; bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Đặc biệt, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, coi nội lực là yếu tố cơ bản, quyết định, ngoại lực là quan trọng, cần thiết, đột phá; “biến nguy thành cơ”, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu để vươn lên.

Trong điều kiện dự báo đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể kéo dài, nghị quyết yêu cầu cần phải tập trung nâng cao năng lực độc lập, tính tự chủ của nền kinh tế để hạn chế ảnh hưởng của các bất ổn đối với sức khỏe của nhân dân, bảo đảm an sinh và phát triển kinh tế, xã hội.

Song song với đó là tạo điều kiện để nền kinh tế chủ động thích nghi nhanh, ứng phó hiệu quả với mọi tình huống do tác động của đại dịch gây ra; không để bị động bất ngờ dẫn đến xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội.

Nghị quyết cũng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới; không ngừng sáng tạo, có cách tiếp cận mới, tạo đột phá trong bối cảnh mới. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp với thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Nghị quyết cũng nêu rõ phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; hoàn thiện chính sách bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

Ngoài ra, cần xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính, tinh gọn, hiệu quả, đổi mới sáng tạo, vì nhân dân phục vụ…

Nhiệm vụ chủ yếu là tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên cần căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết.

Nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại.

Đồng thời, theo nghị quyết này, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; chủ động phòng chống, hạn chế tác động của thiên tai…

Ngoài ra, nghị quyết cũng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Lam Thanh