Trong đại dịch kinh hoàng, càng thấm thía bệnh viện cần hơn cổng chào, tượng đài... ngàn lần
Góc bình luận - Ngày đăng : 15:40, 01/09/2021
Người luôn coi việc thực hành tiết kiệm là một quy luật. Theo Người, không phải chỉ nước nghèo mới tiết kiệm mà chính nước giàu cũng phải tiết kiệm: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”. Nhân ngày Quốc khánh 2.9 năm nay và cũng là ngày Người ra đi được 52 năm, nghĩ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấy thương Người vô hạn bởi đức tính cần kiệm ấy.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tình hình đất nước vô cùng khó khăn, phức tạp. Nền kinh tế bị kiệt quệ, ngân khố quốc gia mà chính quyền cách mạng mới tiếp quản của chế độ cũ hầu như trống rỗng, nếu không nói thẳng ra rằng số ít ỏi còn lại chủ yếu là tiền rách nát, buộc phải thu hồi và không thể phát hành, lưu hành.
Đảng và Chính phủ từng đứng trước những nhiệm vụ vô cùng nặng nề và cấp bách: vừa phải lo xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ và lực lượng vũ trang nhân dân; vừa phải chống lại âm mưu và hành động bạo loạn lật đổ cùng hành động xâm lược của các thế lực thù địch; khôi phục và phát triển sản xuất, giải quyết hậu quả của nạn đói, nạn lũ lụt…
Trong tình thế “ngàn quân treo sợi tóc”như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào càng phải tiết kiệm chi tiêu, ai có tấm lòng và điều kiện thì hãy cố “lá lành đùm lá rách” trong khi Chính phủ không có tiền.
Cũng nhờ nhiều giải pháp chúng ta vượt qua nạn đói sau khi nó gây ra hậu quả cả triệu người chết đói. Một nỗi đau của dân tộc ta giữa thế kỷ 20 thật khó thể nào quên.
Phương châm tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ trong hoàn cảnh đặc biệt ấy. Nhưng ít ai để ý, chỉ sau đúng 1 ngày Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân đồng bào thì ngày 3.9.1945, giữa muôn vàn khó khăn và ngổn ngang công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ, trong đó Người kêu gọi mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.
Trong thế kỷ 21 này, chắc chắn rồi đây thảm họa từ vi rút SARS-CoV-2 xảy ra vào những năm 2020-2021 cũng sẽ được ghi đậm vào lịch sử nhân loại. Tính đến ngày 1.9 đã có trên 218 triệu người nhiễm, hơn 4,52 triệu người tử vong. Tất nhiên còn rất rất lâu nữa mới là con số cuối cùng. Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ với những giai đoạn chống chọi đại dịch rất khác nhau. Khi thì chúng ta đã từng trở thành một mẫu hình rất tích cực về phòng chống dịch, khiến cả thế giới phải ghi nhận và đánh giá cao; khi thì bị choáng váng với tỷ lệ tử vong/tổng ca nhiễm mỗi ngày tới mức khá nghiêm trọng đến mức không thể không lo lắng. Hãy nhớ rằng nước ta là một nước nghèo, hệ thống cơ sở y tế còn yếu và thiếu thốn trang thiết bị hiện đại, dù đã có rất nhiều cố gắng đầu tư cho lĩnh vực này.
Đại dịch COVID-19 đã cho thấy đất nước ta tuy có rất nhiều cố gắng và sáng tạo trong phòng chống dịch, song vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế về hạ tầng y tế nói chung so với nhiều quốc gia khác.
Chỉ đến lúc này chúng ta mới thấm thía một số việc lâu nay nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương làm chưa tốt, làm sai trong chi tiêu từ nguồn ngân sách. Nhiều nơi còn chi tiêu rất lãng phí, chưa phù hợp với hầu bao của một quốc gia vốn còn rất nghèo. Nay đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn lại để khắc phục và có bước đi hợp lý nhất.
Một đất nước văn minh không thể là nước có nhiều cổng chào hoành tráng, nhiều tượng đài lớn "tầm cỡ thế giới", nhiều quảng trường được vào "kỷ lục thế giới" hoặc nhiều trụ sở cơ quan công quyền đồ sộ... Quốc gia văn minh phải là quốc gia có nhiều bệnh viện hiện đại, nhiều trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa…, những công trình phục vụ, chăm sóc cho con người.
Nói một cách khách quan, Nhà nước ta những năm gần đây đã hết sức quan tâm đến xây dựng hệ thống y tế cơ sở. Ai có dịp về nông thôn, xuống tận xã, thôn sẽ rất dễ nhận ra. Chính vì thế, trong nhiều trận chống dịch trước đây, các trạm y tế xã đã làm rất tốt. Vài năm qua, chúng ta cũng xây dựng thêm nhiều bệnh viện lớn, dạng như mấy bệnh viện trung ương đặt tại TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, mục đích để giảm tải bệnh nhân lên tuyến trên. Chỉ tính riêng năm 2019, khoản tiền nhà nước đầu tư cho ngành y tế đã cao gấp 10 lần so với ngành văn hóa.
Tiếc rằng cách đã làm vẫn chưa hiệu quả bao nhiêu so với số tiền được bỏ ra. Đáng lưu ý nhất, các địa phương chi ngân sách chưa thực chất và chưa căn cơ. Tôi không hiểu sao, cứ cổng chào, cứ trụ sở của tỉnh nào, huyện nào nếu làm sau thì cứ phải to hơn, hoành tráng hơn thứ đã từng làm. Người ta sẵn sàng cho qua tình trạng địa phương mình nghèo hay giàu khi xin ngân sách để xây dựng công trình hoành tráng, miễn là được trên phê duyệt.
Một đất nước có chính sách xã hội chuẩn mực và công bằng, đó là luôn biết quan tâm đến người lao động, đến người nghèo, diện yếu thế, người có công với nước đang sống trong xã hội. Điều ấy lại càng đáng được lưu ý vào lúc đất nước cực kỳ khó khăn, bi đát do đại dịch bùng phát dữ dội hơn một năm rưỡi nay. Nó sẽ là chiếc hàn thử biểu để chúng ta đo lường tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội mà toàn đảng, toàn dân đã và đang phấn đấu suốt 3/4 thế kỷ qua, tính từ ngày thành lập nước.
Trong vài năm qua, lượng dự trữ quốc gia, nhất là ngân khố đã có sự tăng trưởng tích cực rất đáng mừng. Đây là lúc chúng ta có thể chi ra theo đúng đối tượng thụ hưởng đủ để an dân. Tư tưởng an dân, "khoan thư sức dân", "lấy dân làm gốc" luôn luôn đúng đối với dân tộc Việt. Ngay từ xa xưa, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã khuyên vua phải lấy điều đó làm trọng và nó luôn là bài học cần thiết cho các thế hệ sau này.
Năm 1986, khi đất nước rơi vào khủng hoảng về cả kinh tế, xã hội lẫn nhiều mặt khác, Tổng bí thư Trường Chinh tiếp tục đề cao tư tưởng "lấy dân làm gốc". Đây không hề là chuyện giản đơn khi đất nước lúc đó đứng bên bờ vực đổ vỡ, cần phải đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện với tinh thần "Đổi mới hay là chết!"…
Tôi rất đồng tình với chủ trương tiết kiệm triệt để vừa được chính phủ ban hành. Theo đó, chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch). Đồng thời, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.
Nghị quyết cũng yêu cầu báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30.6 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tôi muốn thêm một đề nghị nữa, rằng ngay cả các công trình có thể đã được duyệt nhưng không quan trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội thì cũng nên tạm dừng, không nên chi tiếp những gì chưa phải là thiết yếu dù rằng có thể cũng sẽ bị lãng phí, bất cập đôi chút.
Chỉ với sự quyết liệt như thế thì mới thực sự tiết kiệm ngân sách. Tư duy "ngân sách địa phương", "ngân sách trung ương", hoặc "chi từ nguồn vốn xã hội hóa" một khi ta quyết "đổ" vào một công trình nào thì cũng nên nhớ cho một điều, đó vẫn là TIỀN CỦA DÂN, TIỀN CỦA DOANH NGHIỆP mà ra. Nó không hề là thứ bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống, không phải là thứ "nước lã", là do nước ngoài viện trợ không hoàn lại... để rồi tiêu xài hoang phí và tranh thủ hà lạm công quỹ.
Bất chợt tôi lại nảy thêm những suy nghĩ cụ thể hơn. Không hiểu trong đại dịch đã và đang diễn ra, các tỉnh thành còn đang trong diện xin ngân sách trung ương phụ trợ địa phương mình hằng năm (tức địa phương vẫn chưa cân đối được tài chính thu chi) sẽ nghĩ sao mỗi khi họ có những dự án đề xuất xin tiền trung ương để xây dựng những công trình hoành tráng, lãng phí kiểu như tượng đài, quảng trường, cổng chào, nhà lưu niệm… chưa thật cần thiết.
Họ cần phải hiểu rằng, đóng góp vào ngân sách nhà nước được như hôm nay để trung ương từ đó san sẻ cho các tỉnh thành nghèo, là từ những điểm nóng dịch dã hoành hành. Đó là các đầu tầu kinh tế của cả nước như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…, nơi đang bị dịch tàn phá. Chính những nơi ấy đang bị COVID-19 "chọc thủng", do hạ tầng y tế còn rất thiếu thốn. Nhiều năm qua, TP.HCM đã không được phép giữ lại tương xứng những gì làm ra để tạo nên một môi trường có phúc lợi xã hội tốt nhất có thể. Và đây chính là thời điểm bộc lộ tất cả sự bất hợp lý đến độ bi đát và đầy nan giải, không thể một sớm một chiều khắc phục được. Các nhà lãnh đạo những địa phương khác đang sống bằng "bầu sữa trung ương" lâu nay nên biết điều: Cần phải thật chắt chiu từng đồng ngân sách trong mọi kế hoạch chi tiêu. Nếu không vậy thì các đầu tầu kinh tế như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương… sẽ nghĩ sao?
Tại cuộc họp hôm 13.5 giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo TP.HCM, và cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cử tri thành phố này ngày 14-15.5, hai nhà lãnh đạo đều đồng tình rằng TP.HCM cần được giữ lại mức ngân sách lớn hơn, cụ thể là mức 23% như lãnh đạo thành phố đề xuất lâu nay so với mức 18% hiện tại. Tôi hy vọng điều ấy sớm được thực hiện, qua đó sẽ giúp TP.HCM có sức bật mới hơn, sung mãn hơn mà phát triển; tạo đà không chỉ cho thành phố mà cho cả nước.