Online hóa "chợ dã chiến" cung cấp thực phẩm cho người dân TP.HCM

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:27, 02/09/2021

Mô hình "chợ dã chiến" tại TP.HCM được xem là kênh cung ứng hàng hóa thực phẩm hữu hiệu cho người dân trong bối cảnh thành phố đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.

Báo cáo với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương về việc cung cấp thực phẩm cho người dân, ông Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Quận ủy quận 5 (TP.HCM) cho biết, thời gian qua, UBND của 14 phường trong quận đều xây dựng hệ thống "đi chợ hộ" cho người dân theo từng tổ dân phố.

chodachienq5.png
"Chợ dã chiến" ở Q.5 - Ảnh: Internet

Tới nay mỗi ngày có khoảng 6.000 hộ đặt hàng "đi chợ hộ" qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, kênh bán hàng thiết yếu và Tổ cung ứng 14 phường trên địa bàn quận, trong số này có 5.000 đơn hàng đáp ứng trong này, số còn lại hôm sau mới nhận được.

Cũng theo ông Cường, quận đã xây dựng kênh mua bán online - giống như một "chợ dã chiến". Theo đó, mô hình "chợ dã chiến" có khuôn viên rộng gần 4,7 ha đảm bảo thuận lợi cho việc vận chuyển và lưu trữ và phân phối thực phẩm cho người “đi chợ hộ” trong khu vực.

Toàn bộ nhân viên ở đây đều là cán bộ Trung tâm văn hóa quận, thầy cô nhiều trường học ở quận 5, trưởng ban, phó ban quản lý một số chợ của quận… “Chợ dã chiến” hiện đang cung cấp đa dạng các mặt hàng phục vụ người dân như thịt, cá, rau củ và các thực phẩm thiết yếu khác.

Người dân trên địa bàn quận 5 có thể đặt hàng trực tuyến hoặc có thể liên hệ với lực lượng “đi chợ hộ” tại phường để được hỗ trợ đặt hàng trực tiếp, các đơn hàng này sẽ được giao tập trung trong ngày.

Bà Trương Minh Kiều - Chủ tịch UBND quận 5 chia sẻ: Mô hình "chợ dã chiến" này là một kênh hàng hóa được chuẩn bị từ giai đoạn thành phố triển khai các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, với mục tiêu chủ động trong cung ứng lương thực thiết yếu cho người dân trên địa bàn quận. Hàng hóa tại đây được nhập trực tiếp từ các nhà cung cấp, nhà vườn.

Đặc biệt, kể từ ngày 23.8, UBND TP.HCM đã siết chặt các quy định về giãn cách xã hội, kênh bán hàng này cũng trở nên “bận rộn” hơn với lượng đơn hàng tăng cao. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, quận đã huy động thêm lực lượng dân quân tự vệ để tiếp ứng cho các khâu cân rau, lựa hàng và đi chợ hộ.

Bên cạnh đó, chợ này còn huy động được lực lượng giao hàng riêng là những người chạy xe ôm trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ giao hàng đến tận nhà dân trong thời gian sớm nhất.

Đánh giá về mô hình "chợ dã chiến", đại diện Tổ công tác đặc biệt cho biết đây là mô hình sáng tạo, cần được nhân rộng. Ngoài ra, với lượng đơn hàng đặt đang tăng lên mỗi ngày của "chợ dã chiến", Tổ công tác đặc biệt cho biết sẽ giới thiệu thêm nguồn cung ứng hàng hóa, nông sản cho quận để đưa vào bán tại chợ này.

Tuyết Nhung