Trung Quốc chấn chỉnh showbiz vì ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, 'gây ô nhiễm xã hội’

Văn hóa - Ngày đăng : 21:31, 02/09/2021

Hôm 2.9, Trung Quốc đã ra lệnh cho các đài truyền hình tránh xa những nghệ sĩ có "lập trường chính trị không chính xác" và phong cách ẻo lả, đồng thời cho biết cần phải nuôi dưỡng bầu không khí yêu nước.

Qua đó, Trung Quốc mở rộng cuộc đàn áp với ngành công nghiệp giải trí đang bùng nổ của nước này.

Sau nhiều năm tăng trưởng chóng mặt ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các nhà quản lý đã cố gắng tăng cường kiểm soát xã hội Trung Quốc bằng cách thắt chặt giám sát một loạt các ngành từ công nghệ đến giáo dục và văn hóa.

Các nhà chức trách Trung Quốc có thể kiểm duyệt bất cứ thứ gì họ cho là vi phạm các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi và đã có các quy định nghiêm ngặt về nội dung từ game đến phim ảnh, âm nhạc.

Những động thái mới nhất đang râm ran trong làng giải trí diễn ra sau hàng loạt vụ bê bối của người nổi tiếng liên quan đến trốn thuế (Triệu Vy, Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng) và tấn công tình dục (Ngô Diệc Phàm).

Hai bộ của chính phủ Trung Quốc, một cơ quan đảng và một hiệp hội ngành công nghiệp, đã công bố hướng dẫn mới vào ngày 2.9, trong đó đã chỉ trích một số người trong ngành giải trí vì cáo buộc gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ và vì "gây ô nhiễm nghiêm trọng bầu không khí xã hội".

Thông báo cho biết cần phải tăng hình phạt với các tác nhân có hành vi bất hợp pháp hoặc phi đạo đức và các cơ quan dung túng cho những hành vi đó sẽ bị trừng phạt ngay lập tức. Cần tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức cho trẻ em và nghiêm cấm các em tham gia các hoạt động của các nhóm thần tượng, đồng thời cán bộ đảng viên các cấp cần “nhận thức sâu sắc” tầm quan trọng của việc “hun đúc” thế hệ tương lai.

Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA), cơ quan cấp bộ, cho biết sẽ tăng cường quy định về tiền lương của các ngôi sao và trừng phạt những kẻ trốn thuế. Họ cũng cho biết sẽ loại bỏ bất kỳ nội dung nào trong các chương trình văn hóa bị cho là không lành mạnh.

Tuần trước, cơ quan quản lý internet của Trung Quốc thông báo đang thực hiện hành động chống lại điều mà họ mô tả là văn hóa hâm mộ người nổi tiếng "hỗn loạn".

trung-quoc-dan-ap-showbiz-vi-anh-huong-xau-den-gioi-tre.jpg
Các nhân viên cảnh sát giải tán những người hâm mộ đứng bên ngoài lễ khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải lần thứ 17 ngày 14. 6.2014 - Ảnh: Reuters

Việc lựa chọn diễn viên và khách mời nên được kiểm soát cẩn thận, với trình độ hiểu biết chính trị và tư cách đạo đức được đưa vào làm tiêu chí. NRTA cho biết thêm rằng những người biểu diễn nên được khuyến khích tham gia vào các chương trình phúc lợi công cộng và đảm nhận các trách nhiệm xã hội.

Thông báo nói thêm rằng các chương trình miêu tả hành vi "kém cỏi" và các nội dung khác bị coi là "biến tướng" nên dừng lại, cùng với các chương trình được xây dựng xung quanh các vụ bê bối, sự giàu có phô trương và những người nổi tiếng "thô tục" trên mạng. Văn hóa người hâm mộ không lành mạnh cần được ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ các chương trình có phân đoạn bình chọn, bất kỳ điều gì khuyến khích người hâm mộ bỏ tiền để bình chọn đều nên bị cấm.

Các thông báo riêng cũng được Bộ Văn hóa và Du lịch và Hiệp hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc công bố hôm 2.9 cho biết những người biểu diễn, giống như các ngôi sao livestream (phát trực tiếp) nên được đào tạo định kỳ về đạo đức nghề nghiệp, trong khi các cơ quan nên chấm dứt hợp đồng với những người biểu diễn "thiếu kỷ luật đạo đức".

Ngoài việc dè bỉu văn hóa tôn thờ người nổi tiếng, các nhà chức trách và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích các sao nam ưa trang điểm đậm, làm tóc cẩn thận và hướng đến hình tượng nữ tính, cho rằng các chàng trai Trung Quốc nên trở nên nam tính hơn.

"Một số ngôi sao ẻo lả là vô đạo đức và có thể làm hỏng giá trị của thanh thiếu niên. Khi những ngôi sao như vậy đóng vai những người lính chiến đấu trong cuộc chiến chống Nhật Bản - bối cảnh phổ biến cho các bộ phim và chương trình truyền hình Trung Quốc - họ cũng khiến các nhân vật chính nghĩa và "anh hùng có vẻ trẻ con", theo một ý kiến ​​trên Nhật báo Quảng Minh do nhà nước điều hành ngày 27.8, được viết bởi cựu quan chức tại một tờ báo quân đội.

Một nhà sản xuất video nổi tiếng trên Douyin, nền tảng video ngắn, đã bị tạm ngưng tài khoản vào cuối tháng 8 sau những lời phàn nàn rằng anh quá "kém cỏi".

Những người nổi tiếng Trung Quốc đã tham gia các khóa học do nhà nước sắp xếp để tìm hiểu về lịch sử đảng Cộng sản và đã thực hiện "tự kiểm điểm" trong hai tháng qua để đối phó với cuộc đàn áp.

Tại sự kiện ở Bắc Kinh vào cuối tháng 8, ngôi sao điện ảnh Châu Đông Vũ và Đỗ Giang đã lớn tiếng đọc tuyên bố chỉ trích những ngôi sao "vượt quá giới hạn", kêu gọi các nghệ sĩ không bao giờ trở thành "nô lệ của thị trường" và có trách nhiệm với xã hội, theo một video trên phương tiện truyền thông địa phương.

Những người làm giải trí hãy dũng cảm nâng tầm nghệ thuật dưới sự lãnh đạo của đảng!", họ nói rồi vỗ tay.

Sơn Vân