Tìm hiểu thêm về 2 từ 'cái' và 'con' trong câu ca dao cổ
Giáo dục - Ngày đăng : 19:30, 12/08/2017
Bây giờ thì con đường từ vùng xuôi lên Cao Bằng đã bớt gập ghềnh gai góc hơn ngày xưa, tuy vẫn phải qua những đèo dốc rất quanh co và có khi đột ngột ùa vào cửa xe cả một làn mây trắng. Qua Thái Nguyên, Bắc Kạn, dừng lại ở đỉnh đèo Gió nếm thử một quả mắc coọc trong gùi của một cô gái Tày áo xanh, tôi bỗng bồi hồi nhớ lại câu ca thuở trước: Con cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
Câu ca ra đời từ bao giờ chẳng rõ, chắc đây là tình cảnh của một anh lính trấn thủ hay một viên quan được bổ nhiệm lên vùng sơn cước. Tôi hình dung cặp vợ chồng nọ lỉnh kỉnh khăn gói đang bịn rịn tiễn đưa, và trong lời dặn dò gửi gắm với người ở lại ấy có da diết một nỗi cảm thông và nỗi buồn ly biệt...
Thế nhưng nàng về nuôi cái cùng con là nuôi những ai? Nói rõ hơn: Cái và con là ai vậy?
Trong quan niệm phổ biến và trong các sách vở hiện nay (và cả trong Từ điển tiếng Việt), cái như trong trường hợp này được hiểu là "mẹ". Thế nghĩa là trong câu ca trên, người chồng đã dặn vợ (nàng) về nhà chăm sóc nuôi nấng mẹ và con mình?
Từ "cái" với cách hiểu như vậy còn được thấy khi xem xét nhiều văn bản khác được coi là cổ. Chẳng hạn trong ca dao Việt Nam có câu: Tháng ba ngái mọc cái con tìm về, hoặc trong thành ngữ tiếng Việt cũng có câu: Con dại cái mang. Và câu Con dại cái mang này được hiểu là "con dại thì mẹ (cái) phải chịu (phải mang) lấy trách nhiệm"...
Quả thực cách quan niệm như trên rất đáng chú ý, đặc biệt là một khi nó đã trở thành phổ biến như thế, nhưng vẫn khiến ta phải phân vân. Chỉ là vì trong thực tế tiếng Việt hiện nay, để chỉ "mẹ" có hàng loạt các từ: mẹ, má, me, mệ, mợ, bầm, u, bủ, bu, đẻ..., còn từ "cái" lại không thấy dùng với nghĩa này. Có chăng, chỉ là ở một hai trường hợp vừa kể trên, nhưng chính các trường hợp này lại có thể có cách hiểu khác.
Có một cách hiểu khác cần nêu ra đây để tham khảo tuy rằng nó không phổ biến lắm, rằng trong câu ca trên thì "cái" có thể hiểu là "lớn, to", và tương ứng thì "con" phải hiểu là "nhỏ, bé". Như thế nghĩa là trong câu ca trên người chồng đã dặn vợ rằng hãy về nuôi nấng các con lớn con bé của họ? Quả thực trong tiếng Việt, cái cũng có nghĩa là "lớn, to" (cột cái, rễ cái, sông cái, đường cái...). Tuy nhiên điều không thuyết phục lắm là ở chỗ: "lớn, to" và "nhỏ, bé" không dễ gì được hiểu là đặc tính của “con”- “thế hệ sau, xét trong quan hệ với bậc trực tiếp sinh thành”...
Ta thử tìm một cách hiểu khác nữa xem sao.
Trong tiếng Việt không phải chỉ có một từ "cái" (chẳng hạn, các từ cái trong cái Mơ (tên người con gái), bò cái, cái kim, cái ngủ (cái ngủ mày ngủ cho ngoan), cái đẹp...). Tuy nhiên, có liên quan đến câu ca trên có thể là từ "cái" với nghĩa gốc là chỉ tính chất của động vật "thuộc giống có thể sinh con hay đẻ trứng" (bò cái, ngỗng cái..., từ cái này còn có các biến thể gần âm là mái và nái - gà mái, lợn nái). Từ nghĩa này, "cái" được dùng để chỉ tính chất của loại hoa hay cây có khả năng sinh quả (hoa mướp cái, đu đủ cái...), rồi từ đó dùng để chỉ tính chất của các sự vật thuộc loại to, thường là chính so với những cái khác và là điểm tựa cho những cái khác phát sinh...
Điểm chung đáng chú ý trong những nét nghĩa trên của từ "cái" đang xét là đều chỉ tính chất của những sự vật có khả năng sinh thành những cái khác. Điều đó rất dễ làm liên tưởng đến "mẹ" (người đàn bà có con thuộc thế hệ trước, xét trong quan hệ với thế hệ sau). Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ rệt nhất khiến cho "cái" khác với mẹ là ở nghĩa cơ bản của chúng: Từ "cái" chỉ tính chất "có thể sinh con", còn mẹ không chỉ là người đàn bà có thể có con, mà là "đã có con".
Phạm vi sử dụng của từ "cái" không chỉ bó hẹp như ở trên. Từ nét nghĩa cơ bản "có thể sinh con", từ "cái" đã phái sinh nghĩa theo hướng khác và thậm chí chuyển cả từ loại, chuyển từ chỉ tính chất sang chỉ sự vật. Nó được dùng chỉ giống gây ra một số chất chua (cái mẻ, cái giấm), chỉ loài vật gây ra bệnh ghẻ (cái ghẻ), được dùng để gọi thân mật suồng sã người con gái ngang hàng hoặc hàng dưới (cái Tí, cái Tỉu), chỉ các cá thể động vật thường thuộc loài nhỏ bé hoặc được nhân cách hóa (cái bống, cái kiến, cái cò, cái vạc), hay các nhân vật vừa bé bỏng vừa thật thà trong hoạt cảnh rộn ràng qua câu ca: Bà còng đi chợ mua rau/Cái tôm cái tép đi sau lưng bà...
Trong những trường hợp vừa nêu ở trên, ta thấy cái biểu thị một nét nghĩa chung là chỉ những sự vật (người, động vật...) bé nhỏ (về hình thể hoặc thứ bậc xã hội). Nhân đây xin nói thêm rằng trong ca dao dân ca Việt Nam, những "cái bống, cái cò, cái vạc..." nọ thường là những con vật nhỏ bé, chăm chỉ cặm cụi nết na, đôi khi có vẻ thương thương tội tình, và thường là hình ảnh ẩn dụ của người phụ nữ ngày xưa.
Nét nghĩa chỉ sự vật với đặc tính như vậy đã khiến từ "cái" có những điểm tương đồng với từ "con". Từ nghĩa gốc là “người hoặc động vật thuộc thế hệ sau, xét trong mối quan hệ với người hoặc động vật trực tiếp sinh ra”, từ "con" được dùng để chỉ thứ cây nhỏ mới mọc dùng để gây giống (con rau, con su hào), dùng để gọi người phụ nữ với ý thân mật suồng sã hoặc không coi trọng (con Tí, con chị, con mụ, con bé), tham gia vào các đơn vị định danh với ý nghĩa coi khinh (con buôn, con đòi, con hát, con sen, con bạc, con nghiện), và để chỉ cả thứ đồ chơi xinh xẻo nặn bằng bột hình các giống vật hay hình các con vật trang trí trên quần áo (con giống)… Ta thấy trong các trường hợp sử dụng từ "con" vừa nêu ở trên đều có nét nghĩa chung là: chỉ những sự vật bé nhỏ (về hình thể hoặc thứ bậc trong tự nhiên hay xã hội).
Những điểm tương đồng về nghĩa của cái và con vừa nêu ở trên đã tạo điều kiện cho hai từ này song hành trong một vài hoàn cảnh của thực tế sử dụng tiếng Việt. Chẳng hạn trong các trường hợp sau đây thì vừa có thể dùng "cái" lại vừa có thể dùng "con" nhưng tất nhiên, sắc thái nghĩa không hoàn toàn trùng khớp): cái ghẻ - con ghẻ, cái mẻ - con mẻ, cái Mơ - con Mơ, cái mụ - con mụ, cái mắt - con mắt, cái xe - con xe, cái kiến - con kiến...
Thậm chí trong câu ca sau thì từ "cái" có thể dễ dàng được thay bằng con: Cái cò cái vạc cái nông/ Ba con cùng nhác vặt lông con nào?
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với câu ca Nàng về nuôi cái cùng con…
Trước hết, xin được nói rằng trong tiếng Việt có từ ghép là "con cái". Con cái cùng để chỉ khái quát những người thuộc thế hệ con (trong quan hệ với bố mẹ). Chẳng hạn có ông bố rất tự hào về thành tích học tập của các con mình, nên khoe với lánh giềng (tất nhiên, lúc vắng mặt vợ): “Cái việc giáo dục con cái trong nhà này là tôi lo tất tật. Còn bu nó nhà tôi chỉ phụ trách mỗi một việc là… sinh con đẻ cái”. Và khi đó bà hàng xóm cũng buồn bã chép miệng: “Nói đến con với cái nhà tôi mà buồn! Bố chúng nó thì có nhớ gì đến cái với con!”… Trong những cách nói như vậy, không những con cái hoàn toàn không có nghĩa chỉ “mẹ”, mà thậm chí khi tách riêng ra (con với cái; cái với con; sinh con đẻ cái) thì ở đây vẫn chỉ có thể hiểu là đang nói đến “con” và chỉ là nói đến “con”.
Lối ghép hai yếu tố chỉ các sự vật hiện tượng sự vật thường đi sóng đôi hay gần gũi nhau trong thực tế khách quan, hoặc hai yếu tố đồng nghĩa hay có nét nghĩa nào đó tương đồng như thế, rất phổ biến trong tiếng Việt. Kết quả của lối ghép này là tạo nên những đơn vị từ vựng chỉ các sự vật hiện tượng khái quát chung chung hơn (so với các yếu tố cấu thành nó), chẳng hạn: nước non, nhà cửa, mặt mũi, núi non, xe cộ, rừng núi, chợ búa, chim chóc, tre pheo, tìm kiếm, tranh đấu, buôn bán… Trong các từ ghép như vậy, yếu tố thứ nhất thường có vai trò chi phối nghĩa căn bản của từ, và yếu tố thứ hai thường bị lu mờ, thậm chí mất nghĩa.
Trong từ ghép "con cái" chúng ta đang nói đến, hai yếu tố con và cái vốn có nét nghĩa tương đồng này đã cho phép chúng song hành ngay cả trong một đơn vị từ vựng. Trong trường hợp này, các “sự vật bé nhỏ” ấy phải được hiểu là những người thuộc thế hệ sau (con) xét trong quan hệ với người trực tiếp sinh ra (là bố hoặc mẹ).
Vậy thì với câu ca Nàng về nuôi cái cùng con…, có thể hiểu rằng người chồng chỉ dặn vợ (nàng) hãy về nuôi nấng các con mình (cái cùng con cũng chỉ là con cái, con với cái hay cái với con). Tuy nhiên không chỉ có thế, từ những nét nghĩa biểu cảm tinh tế của cái và con như đã phân tích ở trên, còn có thể hình dung rằng người chồng đang nói bằng một giọng thân thương, về những đứa con nhỏ bé và rất tội nghiệp…
Hiểu câu ca trên như vậy thì thật rất khác với quan niệm thông thường. Hơn nữa nếu hiểu cái là “mẹ” thì trong tâm sự của người đi xa lại còn có thêm chữ hiếu và nỗi lòng ấy quả là cũng rất dễ cảm thông trong những lần ly biệt. Thế nhưng mà…
Xin dừng lại một chút trước khi kết thúc: Thế còn câu "Con dại cái mang" thì sao? Chẳng phải nó vẫn được hiểu là “con dại thì mẹ phải chịu lấy trách nhiệm” ư? Thì… thành ngữ này cũng có thể có một cách hiểu khác, như một lời trình bày hoàn cảnh, rằng con cái vẫn còn thơ dại, và vẫn phải mang ẵm bế bồng. Như thế thì cũng rất khác với quan niệm thông thường, có thể gây nên những tranh cãi không bao giờ có hồi kết. Nhưng thật tình, người viết bài này chẳng tin cái logic nhân quả “con dại mẹ phải mang” chút nào: Đã nhiều lần chính tôi (chứ không phải chỉ có vợ, và cũng không phải thường xuyên cùng với vợ) phải đứng ra giải quyết những vụ lộn xộn do cậu con quý tử nghịch ngợm gây ra cùng trẻ con hàng xóm.
Tạ Văn Thông