Trung Quốc nâng hàng rào thương mại với mặt hàng nào của Việt Nam?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:32, 03/09/2021

Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do những chính sách hạn chế nhập khẩu vào quốc gia này.

Mặt hàng đầu tiên phải nói đến là thủy sản. Trong hơn nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do những chính sách hạn chế nhập khẩu thủy sản vào nước này.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tính đến hết tháng 7 vừa qua, tổng trị giá xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt hơn 238 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

xuat-khau-qua-bien-gioi.jpg
Trung Quốc kiểm soát chặt hàng nhập khẩu qua biên giới - Ảnh: Internet

Nguyên nhân là phía Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách nhằm giảm bớt nguồn thủy sản nhập khẩu. Hơn nữa, lo ngại dịch COVID-19, vào cuối tháng 5, Trạm Giang - một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, cùng 8 quốc gia châu Á khác.

Do vậy, kể từ quý 2/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông giảm liên tiếp từ 0,8 - 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thêm nữa, người tiêu dùng Trung Quốc cũng lo lắng về việc nhiễm vi rút corona từ hàng thủy sản nhập khẩu. Do đó, nước này tăng tiêu dùng thủy sản nội địa.

Trước tình hình trên, việc Trung Quốc nâng hàng rào thương mại trong thời gian tới là điều chắc chắn. Thậm chí, việc kiểm soát COVID-19 thông qua các cửa khẩu, cảng nhập khẩu sẽ được siết chặt hơn. VASEP dự báo xuất khẩu cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này nhiều khả năng sẽ giảm tiếp trong quý 3/2021.

"Nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh tại ĐBSCL tốt hơn, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, xuất khẩu ổn định thì mức giảm sút xuất khẩu này dưới 10%", đại diện VASEP nhìn nhận.

Tiếp đến chính là mặt hàng trái cây. Trong công thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ về tình hình xuất khẩu trái cây, nông sản khó khăn sang Trung Quốc.

Cụ thể, Bộ trưởng Diên cho biết Sở Thương mại Vân Nam (Trung Quốc) đã tạm dừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn từ tháng 7 vừa qua do lo ngại tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Đến trung tuần tháng 8, thanh long nói riêng và nhiều loại trái cây, nông sản khác của Việt Nam nói chung cơ bản không thể xuất khẩu đi Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới với tỉnh Vân Nam. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn diễn ra thuận lợi với trung bình 400 xe hàng mỗi ngày.

Không chỉ riêng tỉnh Vân Nam, thời gian gần đây, phía Trung Quốc luôn siết chặt quản lý, hạn chế thông quan hàng hóa với các biện pháp như các loại hàng nông sản khi đến cửa khẩu đều phải chuyển từ xe đông lạnh sang xe không đông lạnh, chờ hàng hết lạnh mới cho chuyển sang xe tải nhỏ vận chuyển qua biên giới.

Từ ngày 18.8 vừa qua, phía Trung Quốc cũng đã yêu cầu thay đổi quy trình giao nhận hàng qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn với lý do để nâng cấp công tác phòng chống dịch.

Theo đó, Trung Quốc không cho tài xế và chủ hàng đưa xe hàng của Việt Nam sang mà phải giao xe hàng để tài xế của phía Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng. Sau khi hết hàng trên xe, họ sẽ đưa xe không ra bãi trao trả.

Quy định trên đã phát sinh một số khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, xuất hàng chậm hơn cũng như phát sinh một số rủi ro.

Chính quyền TP.Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) ngày 27.8 cũng đã ra thông báo tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Lũng Vài (tương ứng với cửa khẩu phụ Cốc Nam của tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam) từ 18 giờ ngày 26.8 để tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 khu vực biên giới.

Để giữ cho hoạt động xuất khẩu nông sản không bị gián đoạn, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để tránh làm gia tăng chi phí, giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan, hạn chế xảy ra tình trạng ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.

Tuyết Nhung