Phương Tây có gì để gây áp lực với Taliban?

Quốc tế - Ngày đăng : 14:21, 03/09/2021

Dù đã rút quân khỏi Afghanistan, nhưng Mỹ cùng đồng minh vẫn có công cụ buộc Taliban tôn trọng cam kết cho phép người dân rời khỏi đất nước.

Đây là tuyên bố do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra và được một số nhà lãnh đạo phương Tây khác nhắc lại. Họ tin cách tiếp cận “cây gậy cùng củ cà rốt” có thể gây áp lực buộc Taliban từ bỏ bạo lực lẫn sự hỗ trợ dành cho khủng bố, vì nền kinh tế Afghanistan vốn phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu, thực phẩm cùng viện trợ nước ngoài.

Dự trữ vàng, ngoại hối và dự trữ đặc biệt

Mỹ có vai trò đặc biệt lớn trong quyết định số phận 9 tỷ USD dự trữ ngoại hối cùng dự trữ vàng của Afghanistan – gồm 7 tỷ USD gửi tại Mỹ; 1,3 tỷ USD trong các tài khoản quốc tế khác; khoảng 700.000 USD tại Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS).

Washington đã rất nhanh chóng ngăn Taliban tiếp cận số tài sản tại Mỹ thuộc sở hữu chính quyền Afghanistan cũ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 18.8 cũng quyết định giữ lại các khoản tài chính dành cho Afghanistan kể cả 440 triệu USD dự trữ khẩn cấp mới.

Hiện Mỹ đang chịu sức ép từ một số tổ chức nhân đạo, ngân hàng trung ương Afghanistan cũng như chính quyền nước ngoài như Nga, yêu cầu nới lỏng đóng băng tài sản và cho phép lưu chuyển lượng tiền nhất định – động thái có thể đi kèm với điều kiện ngặt nghèo.

Phía Nga ngày 30.8 cảnh báo nếu không tiếp cận được nguồn tài chính nước ngoài, Taliban sẽ kiếm tiền bằng buôn bán ma túy và vũ khí.

ph8964df6b26952c94078dbc5d584147c06cb2150e.jpg
Taliban chưa thể tiếp cận số tài sản ở nước ngoài của Afghanistan - Ảnh: Reuters

Hàng nhập khẩu

Afghanistan phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu, thực phẩm, quần áo ngoại nhập. Dữ liệu của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy nước này năm 2019 nhập đến 8,6 tỷ USD hàng hóa – đứng đầu là than bùn, lúa mì cùng dầu mỏ. Khoảng 70% năng lượng điện Afghanistan sử dụng phải nhập khẩu với chi phí 270 triệu USD/năm.

Taliban không thể thanh toán cho hàng nhập khẩu nếu không được dùng USD và tiếp cận nguồn dự trữ ngoại tệ Afghanistan. Tổ chức Hồi giáo chỉ nắm khoản tiền dự trữ đủ thanh toán trong 2 ngày.

Mỹ cùng đồng minh có thể nới lỏng đóng băng tài sản hoặc cho phép thực hiện giao dịch bằng USD, tùy vào hành vi của Taliban.

ph16808c92-f4b8-44fc-85f7-e1d98418d536.jpg
Afghanistan phụ thuộc hàng nhập khẩu - Ảnh: Getty Images

Viện trợ nước ngoài

Có ảnh hưởng lớn lại WB lẫn IMF, lại là nước cung cấp đến hàng tỷ USD cho nhiều tổ chức phi chính phủ tại Afghanistan nên Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định cấp viện trợ.

WB đã cắt nguồn tài chính cho Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền. Tương lai Quỹ ủy thác Tái thiết Afghanistan do WB quản lý vẫn chưa rõ.

Tuần trước Bộ Tài chính Mỹ cấp giấy phép viện trợ nhân đạo Afghanistan mới có giới hạn cho chính quyền Mỹ cùng đối tác. Một số nước có thể làm điều tương tự.

Trước ngày 15.8 – thời điểm thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban, Afghanistan hằng năm nhận khoảng 8,5 tỷ USD viện trợ không hoàn lại (tương đương 43% GDP).

Trừng phạt tài chính

Taliban nói chung và nhiều thủ lĩnh Taliban nói riêng hiện đều nằm trong danh sách chịu trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc, không thể tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ hay thực hiện giao dịch bằng USD.

Các tổ chức tài chính phương Tây đều tránh dính líu đến Taliban vì sợ vi phạm trừng phạt Mỹ. Dỡ bỏ trừng phạt là quá trình phức tạp kéo dài thực hiện bởi Bộ Tài chính Mỹ, nhưng họ có quyền cấp phép cho thực hiện vài giao dịch nhất định nếu Taliban tuân thủ cam kết.

Ngân hàng tư nhân

Ngân hàng tư nhân của Afghanistan đang chịu áp lực rất lớn do vận chuyển USD bị đóng băng. Tất cả 12 ngân hàng hoạt động ở Afghanistan đều yêu cầu ngân hàng nước ngoài xử lý giao dịch bằng USD, 3 trong số đó thuộc sở hữu nhà nước nên do Taliban trực tiếp kiểm soát.

Ngân hàng nước ngoài như Citibank đều ngừng hỗ trợ nhằm tránh vi phạm trừng phạt. Phòng Thương mại Afghanistan - Mỹ (tổ chức thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương có nhiều ngân hàng ngoại thương Afghanistan và nhà đầu tư tham gia) đang hối thúc giới chức Mỹ cho phép chuyển tiền hạn chế.

Kiều hối

Afghanistan cũng phụ thuộc nhiều vào kiều hối. Nguồn tài chính này chiếm khoảng 4% GDP đất nước.

Hai đơn vị chuyển tiền hàng đầu là Western Union và Moneygram đều đã đình chỉ hoạt động chuyển tiền, cắt đứt dòng tiền mà nhiều gia đình Afghanistan rất cần để mua thực phẩm. Muốn nối lại hoạt động cần Mỹ nới lỏng trừng phạt.

Cẩm Bình