Dùng kế phá 'giáo dài nơi ngõ hẹp', 2 lần đánh bại quân Minh

Giáo dục - Ngày đăng : 06:45, 04/08/2017

Cả hai trận Xa Lộc và Nhân Mục đều áp dụng cách đánh giống nhau là đón chặn giặc nơi đầu cầu. Sở dĩ tướng lĩnh Lam Sơn chuộng cách đánh này là vì quân Lam Sơn thường phải lấy ít địch nhiều, giỏi đánh nhau nơi đường hẹp.
Kỵ binh thời Lê - hình minh họa

Kỳ 1: Âm mưu thâm hiểm của nhà Minh sau khi tiêu diệt nhà Hậu Trần

Kỳ 2: Lam Sơn tụ nghĩa, rồng cuộn chờ thời​

Kỳ 3: Lê Lợi cảm khái tiễn anh hùng, Lê Lai cưỡi ngựa thề huyết chiến​

Kỳ 4: Ai Lao viện trợ vũ khí, Lê Lợi hồi sức chống giặc Minh

Kỳ 5: Lê Lợi giăng thiên la địa võng, đại phá 10 vạn quân Minh​

Kỳ 6: Lê Lợi đánh bại tướng Trần Trí, trừng phạt quân Ai Lao​

Kỳ 7: Quân Minh - Ai Lao tạo gọng kìm, Lê Lợi mở con đường máu

Kỳ 8: Nguyễn Trãi vung bút lừa giặc, Lê Lợi mài gươm chờ thời

Kỳ 9: Lê Lợi bất ngờ nam tiến, bắt trọn ổ giặc Minh​

Kỳ 10: Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, miền Trà Lân trúc chẻ tro bay

Kỳ 11: Lê Lợi: Gươm mài đá, đá núi phải mòn; Voi uống nước, nước sông cũng cạn​

Kỳ 12: Lê Lợi dùng kế Điệu hổ ly sơn, xác giặc tắc nghẹn cả sông​

Kỳ 13: Cẩm Y Vệ nhúng mũi vào cuộc chiến tốn xương máu của nhà Minh trên đất Việt​

Kỳ 14: Bị Lê Lợi vây khốn trong 3 thành, quan quân nhà Minh chấn động

Kỳ 15: Danh tướng Trần Nguyên Hãn ra oai, tương quan lực lượng thay đổi

Kỳ 16: Vua Minh nói lời mị dân, Lê Lợi tung 4 đạo quân Bắc tiến​

Kỳ 17: Nhà Minh tung 5 vạn viện binh, Lê Lợi có 20 vạn quân chờ đại chiến

Phong trào Lam Sơn tính đến nửa cuối năm 1426 đã phát triển rất mạnh mẽ, mang một tầm cỡ khác hoàn toàn so với thời gian còn hoạt động ở xứ Thanh Hóa, đủ khả năng huy động được sức mạnh toàn dân tộc ở mức độ cao nhất. Tuy nhiên, để đi đến chiến thắng cuối cùng vẫn còn một chặng đường đầy cam go, thử thách. Đế chế Minh thời vua Minh Tuyên Tông đang bước vào giai đoạn cực thịnh, không dễ dàng chấp nhận thất bại. Việc tung quân tiếp viện và thay tướng tại Đại Việt chứng tỏ quyết tâm đàn áp của vua tôi nước Minh. Tình hình chiến sự vẫn còn diễn biến rất phức tạp.

Mặc dù Bình Định vương Lê Lợi đã bố trí bao vây phần lớn lực lượng quân chủ lực nước Minh trước khi Vương Thông tiến sang dưới tại thành Nghệ An, nhưng với tinh thần liều chết phá vây, bọn Lý An, Phương Chính đã thoát được vòng vây để tháo chạy ra biển. Nghĩa quân Lam Sơn lúc này đã có quyền kiểm soát các vùng ven biển, cố gắng ngăn chặn không cho Lý An, Phương Chính lên bờ. Thế nhưng quân Lam Sơn không đủ quân số để có thể đóng chặn mọi ngả sông, lại càng không đủ thuyền bè để cơ động đuổi đánh hạm đội giặc. Lý An và Phương Chính cho thuyền chở quân đáng một vòng lớn trên biển để tránh quân Lam Sơn đóng dày ở vùng Trường Yên, Thiên Trường rồi rẽ vào vùng hạ lưu sông Hồng, lựa những chỗ mỏng yếu của quân ta, vừa đánh mở đường vừa tiến gấp ngày đêm, ruốt cuộc cũng về được Đông Quan hội quân với Trần Trí. Đương lúc ấy cũng là lúc Vương Thông rầm rộ tiến quân sang.

Mặc dù các cánh quân bắc tiến của nghĩa quân Lam Sơn đều đã chiêu mộ thêm nhiều quân lính, mỗi cánh quân đều có quân số đông đảo gấp mấy lần lúc mới tiến ra nhưng vẫn ít hơn tổng số quân Minh cả cũ lẫn mới cộng lại. Bấy giờ trong các cánh quân Lam Sơn thì cánh quân của các tướng Lý Triện, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Phạm Văn Xảo là rơi vào thế nguy cấp hơn cả vì cánh quân này hoạt động ở phía tây thành Đông Quan, có nguy cơ bị cả hai hướng quân Minh từ Vân Nam và từ Đông Quan cùng đánh kẹp lại. Để tránh nguy cơ đó, chư tướng bàn nhau chia quân đón đánh trước. Hai tướng Trịnh Khả, Phạm Văn Xảo dẫn quân đến lộ Tam Giang đón đánh 1 vạn quân Vân Nam dưới trướng của tướng Vương An Lão.

Vẫn theo chiến thuật quen thuộc, Trịnh Khả và Phạm Văn Xảo cho quân phục sẵn ở cầu Xa Lộc (thuộc Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ ngày nay), chờ khi quân Minh đang qua cầu thì quân Lam Sơn đổ ra đánh mạnh. Tốp tiên phong quân Minh vừa qua cầu thì bị quân ta dồn lại bao vây, không thể dàn trận. Đám quân Minh theo sau bị dồn ứa lại trên cầu không tiến được, che lấn nhau rơi xuống sông. Kịch chiến một hồi, quân ta cả phá được giặc. Quân Minh bị giết và chết đuối hơn 1.000 quân, số còn lại tan chạy về thành Tam Giang để trú thân.

Trong lúc Trịnh Khả và Phạm Văn Xảo đánh bại quân của Vương An Lão thì hai tướng Lý Triện, Đỗ Bí vẫn còn lưu quân ở mặt tây thành Đông Quan. Trần Trí nhân cơ hội quân ta bị phân tán, sai Đô ty Vi Lượng mở cổng thành dẫn quân ra ra đánh. Lý Triện và Đỗ Bí cũng cho quân mai phục ngay đầu cầu Nhân Mục (thuộc Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội ngày nay) đón đánh quân Minh. Vi Lượng cậy quân đông hùng hổ tiến qua cầu.

Nhưng cầu hẹp khiến giặc phải xếp hàng dọc nối đuôi qua. Quân Lam Sơn ở bên đầu cầu bên này đều là những quân tinh nhuệ dày dặn trận mạc, bình tĩnh chờ giặc vừa qua cầu được vài tên thì quây lại đánh. Quân Minh dù có đông cũng không phát huy được ưu thế về quân số, rốt cuộc tan chạy. Vi Lượng không thoát kịp, bị quân ta bắt sống. Các tướng là Đào Sâm, Tiền Phụ, Triệu Trinh cùng khoảng 500 quân Minh bị giết tại trận. Quân ta đại thắng.

Cả hai trận Xa Lộc và Nhân Mục đều áp dụng cách đánh giống nhau là đón chặn giặc nơi đầu cầu. Sở dĩ tướng lĩnh Lam Sơn chuộng cách đánh này là vì quân Lam Sơn thường phải lấy ít địch nhiều, giỏi đánh nhau nơi đường hẹp. Trên đồng bằng rộng lớn, chỉ có ở chỗ cầu vượt sông là có đường hẹp, nơi mà quân ta có thể phát huy tối đa ưu thế về tinh thần chiến đấu và kỹ năng chiến đấu điêu luyện nhờ dày dặn trận mạc, đồng thời khiến cho ưu thế về quân số của đối phương trở nên khó phát huy.

Hai chiến thắng liên tiếp tiêu biểu cho chiến thuật lấy ít địch nhiều đã khiến nhuệ khí quân ta dâng cao. Nhưng chỉ mấy ngày sau, Vương Thông cùng 5 vạn viện binh, 5.000 ngựa chiến đã nhập thành Đông Quan. Quân Minh cả mới lẫn cũ cộng lại đông đến mười mấy vạn quân, trong số đó có nhiều quân chính quy tinh nhuệ của nước Minh. Vừa đến Đông Quan, Vương Thông đã lập tức thực hiện kế hoạch hành quân lớn. Đầu tháng 11.1426, Vương Thông sau khi để lại một số quân trấn thủ tại thành Đông Quan, thân đem 10 vạn quân chia làm 3 đạo rầm rộ mở chiến dịch tổng phản công.

Cánh thứ nhất do Phương Chính, Lý An chỉ huy tiến đóng dài từ cầu Yên Quyết (thuộc Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay) đến cầu Sa Đôi (thuộc Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội ngày nay), dọc theo sông Nhuệ (tức sông Đáy đoạn chảy qua Hà Nội ngày nay).

Cánh thứ hai do Sơn Thọ, Mã Kỳ chỉ huy đóng quân từ đầu cầu Nhân Mục đến cầu Thanh Oai (thuộc Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội ngày nay), dọc sông Đỗ Động.

Cánh thứ ba do Vương Thông trực tiếp thống lĩnh cùng với các tướng Trần Hiệp, Lý Lượngvượt qua cầu Tây Dương (tức Cầu Giấy, Từ Liêm, Hà Nội ngày nay) tiến đóng ở bến Cổ Sở (Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội ngày nay), bắt cầu phao cho quân vượt sông Nhuệ.

Mục tiêu cụ thể đầu tiên của Vương Thông chính là tiêu diệt đạo nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở vùng tây Đông Quan do các tướng Lý Triện, Đỗ Bí chỉ huy, lúc bấy giờ đang đóng quân tại Ninh Kiều (Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay). Khí thế ban đầu của quân tướng dưới trướng Vương Thông mới sang rất đáng gờm. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Quân giặc dàn doanh trại liền nhau đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng, giáo mác rực trời, tự cho là đánh một trận là bắt hết được quân ta”.

(còn nữa)

Quốc Huy

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai​

16 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba

18 phần về cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt

33 kỳ cuộc chiến chống ngoại xâm từ nhà Hồ đến nhà Hậu Trần