TP.HCM cảnh giác hiện tượng lừa đảo, mua bán mẫu giấy đi đường giả
Sự kiện - Ngày đăng : 19:45, 03/09/2021
Tăng công suất giường bệnh tại các tầng điều trị
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, tính đến ngày 2.9, sau 13 ngày thực hiện giãn cách xã hội, TP.HCM có 233.093 ca mắc COVID-19, 4.172 ca xuất viện trong ngày, tích lũy từ 1.1.2021 đến nay đã có 120.509 người xuất viện.
Ngày 1.9 là 217 ca tử vong, ngày 2.9 là 250 ca, cộng dồn là 9.974 ca tử vong. Về tiêm vắc xin COVID-19, đến 2.9, TP.HCM đã tiêm 6.268.327 mũi. Về số tiền chi trả hỗ trợ cho người dân, đến ngày 3.9 là 150.674.000 đồng. Từ ngày 15.8 đến 1.9, TP phát 1.474.683 túi an sinh.
Theo ông Phạm Đức Hải, trước tình trạng số ca F0 phát hiện ngày càng nhiều, ngành y tế TP.HCM tăng công suất giường bệnh tại các tầng điều trị. Cụ thể, tầng 1, giữa tháng 8 có 23.898 giường, đến 31.8 có 29.439 giường; tầng 2, giữa tháng 8 có 49.392 giường thì 31.8 có 60.400 giường; tầng 3 có 4.600 giường ở thời điểm hiện tại. Với 14.000 tấn gạo Trung ương cấp phát, hiện TP.HCM đã nhận 6.000 tấn, đồng thời phấn đấu khẩn trương nhận và phát cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Việt Nam chưa xuất hiện biến chủng mới
Trả lời câu hỏi về đã xuất hiện biến chủng nào mới tại Việt Nam chưa? TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế cho rằng, chưa phát hiện thêm biến chủng nào ngoài Delta đang lưu hành tại Việt Nam. Về mặt khoa học, tất cả các virus trong quá trình lây bệnh có thể sẽ có biến chủng mới, chúng ta sẽ quan sát sự phát triển đó để có giải pháp ứng phó.
Liên quan đến việc ngành y tế kêu gọi F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, F0 sau 1 giai đoạn nhiễm bệnh sẽ hết bệnh (điều trị hoặc tự hồi phục). Với những người này, trong cơ thể sẽ có kháng thể bảo vệ và không nhiễm lại virus ít nhất trong vòng 6 tháng. 1 nghiên cứu khác cho thấy, người sau nhiễm COVID-19, có kháng thể bảo vệ còn cao hơn khi chích 2 mũi vắc xin. Với bệnh truyền nhiễm nói chung, người hồi phục luôn có kháng thể, 1 số bệnh sau khi mắc bệnh sẽ có kháng thể suốt đời.
Tại Việt Nam, vẫn có những trường hợp F0 là nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, sau khi khỏi bệnh, đã tình nguyện cùng đồng nghiệp tiếp tục điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19. Việc kêu gọi F0 đã khỏi bệnh tình nguyện tham gia chăm sóc F0, là cách để chia sẻ trải nghiệm, kinh nghiệm với người bệnh. Bên cạnh chăm sóc thực thể, đây cũng là là cách chăm sóc tinh thần, động viện người mắc COVID-19 và là là giải pháp trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Về chính sách, Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình cho UBND phê duyệt về chính sách hỗ trợ cho các F0 đủ điều kiện sức khỏe, tình nguyện tham gia phục vụ.
Cần cảnh giác hiện tượng mua bán mẫu giấy đi đường giả mạo
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, những ngày gần đây, lưu lượng di chuyển tăng lên có thể do tăng cường cung ứng thực phẩm, và mở rộng đối tượng được lưu thông. Ông Lê Mạnh Hà khẳng định, thực hiện giãn cách trong khu dân cư, là yếu tố quyết định.
Cùng với lực lượng tăng cường của Bộ Công an, Công an TP.HCM đã cử hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ điều động xuống quận, huyện, đưa lực lượng từ chốt trạm về khu dân cư để kiểm tra việc thực hiện giãn cách. Ngoài ra, Công an TP.HCM cũng chỉ đạo công an quận, huyện tham gia công tác an sinh xã hội, nắm địa bàn dân cư, đảm bảo không để ai bị đói trong thời gian giãn cách. Công an TP.HCM đang cập nhật danh sách người được cấp giấy đi đường của sở, ban, ngành và danh sách được lưu thông trên đường mà không phải cấp giấy.
"Công an TP.HCM sẽ áp dụng công nghệ thông tin để kiểm soát tình hình thực hiện lưu thông, tránh trường hợp F0 hay người không nằm trong diện di chuyển nhưng vi phạm. Nếu ai không cung cấp được thông tin cho các cán bộ tại các chốt trạm sẽ yêu cầu dừng lưu thông, đề nghị quay đầu. Ngoài ra, người dân cần cảnh giác trước hiện tượng lừa đảo, mua bán mẫu giấy đi đường giả mạo giấy do công an cung cấp. Việc làm giả sẽ rất dễ phát hiện khi kiểm tra tại các chốt trạm", Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.