Công nghệ đang thay đổi thị trường bất động sản
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 23:36, 03/09/2021
COVID-19 khiến doanh nghiệp đầu tư mạnh vào công nghệ
Bất động sản là lĩnh vực có những bước chuyển đổi số khá chậm so với các lĩnh vực khác, một phần là do phần lớn các thông tin thị trường không được công bố rộng rãi và lưu trữ theo quy trình đồng bộ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các giải pháp đột phá từ những ông lớn bất động sản đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành bất động sản. Những mô hình, sản phẩm, dịch vụ và giải pháp mới được xây dựng dựa trên công nghệ xuất đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đang làm bùng nổ các hình thức bán online bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản từ chủ đầu tư đến sàn môi giới đều đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản. Thị trường bất động sản dần làm quen với các nền tảng thông tin bất động sản trực tuyến, hoạt động xem nhà thông qua công nghệ thực tế ảo (VR). Các giải pháp smarthome, công nghệ nhà "không chạm" hay thậm chí là một nền giao dịch bất động sản với toàn bộ hành trình giao dịch đều được thực hiện online... Đây được coi là giải pháp hữu hiệu nhất ở thời điểm dịch bệnh vẫn đang vô cùng phức tạp.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu, sử dụng công nghệ, nâng cao năng lực nhân sự và cải tiến quy trình nhằm tăng tương tác với đối tác, khách hàng.
Ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử bất động sản như mở bán online, đặt cọc online, quảng cáo online. Các chủ đầu tư và sàn giao dịch ứng dụng công nghệ sản xuất video marketing, 3D scan, công nghệ số hóa hình ảnh dự án trong không gian 360 độ trực quan sinh động để người dùng có thể trải nghiệm không gian sống chỉ với vài cú click chuột hoặc chạm màn hình.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam cho biết đại dịch làm xuất hiện xu hướng “giao tiếp không chạm”, là tiền đề đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh bất động sản. Theo đó, khách hàng có thể tìm kiếm các thông tin bất động sản, trao đổi, nhận thông báo qua các ứng dụng online thay vì nhận bằng giấy, gặp mặt trực tiếp. Xu hướng công nghệ giúp hoạt động bán hàng trở nên an toàn, tiết kiệm chi phí và nguồn lực cho doanh nghiệp.
Vẫn còn nhiều rào cản
Ông TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng xu hướng chuyển đổi số trong ngành dịch vụ bất động sản là tất yếu, bởi lợi ích của việc chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí giao dịch và quản lý, tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác, tăng cơ hội kinh doanh mới.
Tuy nhiên, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định rào cản cho việc chuyển đổi số mà các doanh nghiệp bất động sản đối mặt hiện nay chủ yếu là ở độ chính xác và sự rõ ràng của dữ liệu và thông tin.
“Trong xu hướng của thế giới và bối cảnh Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong ứng dụng công nghệ vào phát triển đô thị nói riêng và phát triển ngành bất động sản nói chung, chúng ta cần có một quy trình quản lý minh bạch, rõ ràng về lưu trữ thông tin đất đai cũng như các giao dịch bất động sản.
Hơn nữa, các thông tin này cần được số hóa và quản lý tập trung ở cấp quốc gia thay vì ở cấp độ từng đơn vị hay công ty kinh doanh bất động sản riêng lẻ. Đại dịch COVID-19 đã nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động chuyển đổi số và trung tâm lưu trữ số liệu trong các dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tại Việt Nam vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các loại giấy tờ, do đó chúng ta có thể nghĩ đến việc số hóa những giấy tờ đó lên hệ thống quản lý chung mang tính quốc gia. Việc có một hệ thống thống nhất ở tầm mức quốc gia có thể đem lại nhiều lợi ích”, ông Matthew Powell nói.
Ông Matthew Powell cũng cho rằng chuyển đổi số là một quá trình tiếp diễn liên tục, liên quan trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh đầu tư, đặc biệt là hoạt động tiếp thị chuyên biệt cũng như quản lý vận hành bất động sản. Chuyển đổi số cần sự tận tâm và kiên trì, các công ty tiến hành quá trình chuyển đổi số nửa vời thường sẽ không đạt thành công như mong đợi.
“Để đáp ứng nhu cầu bùng nổ về chuyển đổi số, các trung tâm dữ liệu đã và đang được mở rộng nhanh chóng trên toàn cầu. Đến năm 2026, quy mô của thị trường dữ liệu toàn cầu dự kiến sẽ đạt 251 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 4,5%. Việc dịch chuyển sang lưu trữ đám mây sẽ trở thành yếu tố then chốt của nhiều công ty, vậy nên nhu cầu về các cơ sở trung tâm dữ liệu sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai gần, tạo ra những yêu cầu thuê mới cho các bất động sản thương mại”, chuyên gia Savills nhận định.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”