Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi cao, lo nguy cơ ‘vỡ nợ’

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:29, 04/09/2021

Trong khi lãi suất huy động của ngân hàng chỉ ở mức 5%-5,5%/năm, thì nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất trung bình gấp 1,5 - 2 lần. Việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Doanh nghiệp địa ốc trái phiếu với lãi suất cao

Hiện nay, trong bối cảnh vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục siết chặt đối với lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang tăng cường huy động vốn qua phát hành trái phiếu để huy động vốn triển khai dự án.

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy trong nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về phát hành trái phiếu doanh nghiệp với 92.300 tỉ đồng. Riêng trong quý 2/2021, có khoảng 2.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ra công chúng của các doanh nghiệp bất động sản.

Trái phiếu bất động sản hiện được nhiều người đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn với lãi suất 8%-10%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động của ngân hàng hiện ở mặt bằng thấp ở mức 5%-5,5%/năm và có thể còn duy trì ở mức thấp trong năm 2021-2022.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn, trung bình gấp 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần lãi suất huy động của các ngân hàng.

Lo nguy cơ “vỡ bom” nợ trái phiếu

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, tình trạng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao tiềm ẩn nhiều rủi ro.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cũng cho rằng rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang thể hiện qua việc lãi suất trái phiếu bị đẩy lên rất cao. Thậm chí, nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty bất động sản và không có tài sản bảo đảm. Hay một số trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành còn được bảo đảm bằng cổ phiếu của các nhà phát hành. Khi doanh nghiệp phát hành rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ, đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu hoặc không còn giá trị.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp không biết là tiền huy động từ các đợt phát hành có được sử dụng đúng mục đích hay không và họ cũng có rất ít khả năng để phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Do vậy, rủi ro cho nhà đầu tư rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.

trai-phieu-doanh-nghiep.jpeg
Chuyên gia lo ngại nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu đang dần hiện rõ - Ảnh: Internet

Cũng theo ông Hiếu, cơ hội và rủi ro là 2 yếu tố luôn song hành. Dù nhà điều hành có hạn chế đối tượng tham gia thị trường, tức hạn chế nhu cầu nhưng với bối cảnh rủi ro gia tăng vì dịch thì lãi suất trái phiếu cao vẫn được nhà đầu tư đón nhận. Chuyên gia này nói rằng nhà đầu tư cá nhân không nên chỉ nhìn vào lãi suất cao, mà phải tìm lối thoát cho những năm sắp tới.

Trái phiếu doanh nghiệp là một khoản vay của doanh nghiệp, có thể được bảo lãnh phát hành bởi ngân hàng thương mại hoặc dựa vào uy tín hoặc tài sản bảo đảm là cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sẽ là rủi ro với các nhà đầu tư mua trái phiếu của những doanh nghiệp này.

“Trái phiếu vẫn phát hành đều nhờ lãi suất, trong khi hàng chục nghìn doanh nghiệp buộc lòng phải rời bỏ thị trường. Nếu từ giờ đến cuối năm, tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn, con số này có thể lên tới 100.000 doanh nghiệp. Không ai dám chắc rằng trong số đó không có những doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu. Nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu dần hiện rõ, đặc biệt là trái phiếu bất động sản", ông Hiếu nói.

Chuyên gia cũng đánh giá trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn bởi dịch, đây không phải lúc nhà đầu tư cá nhân bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng.

Đặc biệt, để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, minh bạch và trở thành kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần đưa ra những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy thị trường phát triển tốt; minh bạch hóa thông tin; chuẩn mực kế toán; kiểm toán; phát triển thị trường thứ cấp và gắn với kiểm soát rủi ro.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Do vậy, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mới đây, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị liên quan nếu phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định.

Bộ Tài chính giao Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đặc biệt lưu ý việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất. Đồng thời, tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Hồ Đông