Bí thư Hà Nội: Tận dụng tối đa thời gian giãn cách để kiểm soát dịch
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:57, 04/09/2021
Ngày 4.9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đi kiểm tra khu vực “chốt cứng” cầu Noi thuộc địa bàn phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm); việc tổ chức phân luồng, kiểm soát người và phương tiện trên các tuyến đường quốc lộ 32, đường 70A, đại lộ Thăng Long; kiểm tra các tuyến đường khu vực nội đô, vùng ven và chốt kiểm soát cầu Chương Dương; kiểm tra việc tổ chức phòng chống dịch ở địa bàn dân cư thuộc phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm.
Ngay sau khi UBND TP.Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND, Sở Xây dựng ngay trong sáng 4.9 đã thiết lập kiểm soát các đường vào qua các con sông theo phân vùng phải được hoàn thành.
Khoảng 30 - 35 lối đi qua các con sông vào vùng 1 sẽ được “đóng cứng” không cho người và phương tiện qua lại. Công an TP cũng đã phối hợp triển khai 21 chốt kiểm soát dịch COVID-19 đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao tại vùng 1 (vùng đỏ).
Giám đốc Công an TP Nguyễn Hải Trung cho biết việc cấp giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng đã được công an tổ chức thực hiện từ sáng 4.9.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện, đúng quy định là Công an TP sẽ cấp luôn ngay trong ngày. Ngày mai (5.9), dự kiến lượng người đến các điểm cấp giấy đi đường sẽ đông. Công an TP đã có sự chuẩn bị để chủ động tổ chức bảo đảm việc cấp giấy nhanh chóng, đúng đối tượng...
Kiểm tra việc tổ chức phòng chống dịch COVID-19 tại các tổ dân phố số 5, 6, 7, 8 thuộc phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng biểu dương, đánh giá cao địa phương này khi đã huy động sức dân tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch COVID-19; huy động đội ngũ cán bộ nghỉ hưu, những người làm việc tại các cơ quan, đơn vị được nghỉ giãn cách ra trực chốt...
Ông Dũng khẳng định việc tổ chức phân vùng, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các khu vực có nguy cơ cao, nhằm mục tiêu cao nhất là ngăn chặn nguy cơ bùng phát, lây lan mạnh trong cộng đồng, vừa giúp bóc tách triệt để các ca F0 ra khỏi cộng đồng. Do đó, ngành y tế và các địa phương cần đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, tận dụng tối đa thời gian giãn cách xã hội tại vùng 1 đến ngày 21.9 để kiểm soát dịch.
Bí thư Hà Nội cho rằng việc tổ chức phân vùng để kiểm soát dịch phù hợp với mức độ nguy cơ là rất cần thiết sau 3 đợt thực hiện giãn cách toàn TP. Trong đó, việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí ở mức độ cao hơn đối với vùng 1 phải được tổ chức chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn.
Theo đó, cả hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở phải vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và tự giác thực hiện. Các lực lượng chức năng bố trí trực tại các chốt phải đủ thành phần, số lượng phân công ca, kíp trực bảo đảm sức khỏe, duy trì hoạt động lâu dài, bền bỉ; phối hợp chặt chẽ, đoàn kết, trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tất cả vì sự an toàn của thủ đô và sức khỏe nhân dân.
Công an TP được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp tổ chức phân luồng, phân làn từ xa, tuyên truyền, nhắc nhở người dân chủ động chuyển hướng không đi vào “chốt cứng”, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hoặc chủ động quay đầu, tránh gây ùn ứ giao thông.
Theo ông Dũng, Công an TP cần tuần tra kiểm soát cơ động trên mạng lưới giao thông trong các phân vùng, đặc biệt là vùng 1, bảo đảm việc thực hiện giãn cách thực chất.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân các địa phương tiếp tục xác định rõ quan điểm lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của cuộc chiến chống dịch COVID-19; tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm huy động sức dân, nhân rộng các mô hình tự quản, tự giám sát phòng, chống dịch.