Khi Paralympic Tokyo khép lại, liệu người khuyết tật ở Nhật Bản có bị lãng quên?
Thể thao - Ngày đăng : 12:43, 06/09/2021
Khi Paralympic Tokyo khép lại, ngoài sự vinh quang của những tấm huy chương thì cuộc sống của những vận động viên khuyết tật nói riêng và người khuyết tật nói chung tại Nhật Bản vẫn đang gặp phải những rào cản cần được gỡ bỏ
Theo số liệu của Bộ Y tế Nhật Bản hồi tháng 6, có 9,65 triệu người Nhật, chiếm 7,7% dân số, là người khuyết tật. Trong số này, 4,36 triệu người bị khuyết tật về thể chất, 1,09 triệu người bị thiểu năng trí tuệ và 4,19 triệu người bị bệnh tâm thần.
“Điều quan trọng là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, vận động viên 3 môn phối hợp Paralympic Nhật Bản, Mami Tani (39 tuổi) cho biết vào tuần trước. “Đã đến lúc tất cả chúng ta, các công ty, trường học và cộng đồng địa phương phải hành động và nâng cao nhận thức của chúng ta về sự đa dạng và hòa nhập hơn. Đó mới là ý nghĩa thực sự của việc đăng cai Thế vận hội”, Tani nói.
Người khuyết tật Nhật chủ yếu ẩn mình trong xã hội ngay cả khi sự chấp thuận họ đã dần tăng lên sau khi Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, với tư cách là Thái tử và Công chúa trong Thế vận hội 1964 đã tìm cách nâng cao nhận thức xã hội với những người khuyết tật.
Công bằng mà nói, Nhật Bản đã có những bước tiến lớn để cải thiện cơ sở hạ tầng trước Thế vận hội. Họ thực hiện một loạt các dự án để trở nên không có rào cản hơn với những người khuyết tật.
Thang máy và thang cuốn đã được lắp đặt trong các ga xe lửa, trong khi các rào chắn an toàn đã được xây dựng ở một số nhà ga sau sự cố người khiếm thị rơi xuống đường ray.
Do luật tiếp cận được sửa đổi, khoảng 3.200 phòng khách sạn mới dành cho người sử dụng xe lăn, trong khi nhiều phòng nghỉ khác cũng đã được tân trang để không có rào cản. Các cơ quan nhà nước được luật pháp yêu cầu duy trì các tiêu chuẩn trong khi khu vực tư nhân phải làm như vậy vào năm 2024.
Tuy nhiên những thay đổi tích cực này vẫn chưa xóa được định kiến vẫn còn hằn sâu trong suy nghĩ nhiều người.
Mặc dù có một đội “taxi thiết kế phổ thông” có thể chở những người sử dụng xe lăn ở Tokyo song vẫn có những báo cáo cho rằng các tài xế thường không dừng lại để đón những hành khách khuyết tật. Một số người khuyết tật thậm chí còn bị các tài xế yêu cầu trả thêm tiền vì những trở ngại khi phải chạy xe qua những con đường dốc.
Việc giảm dân số nhanh chóng của Nhật Bản đã khiến hàng trăm ga tàu trên toàn quốc không có người lái, đây là một vấn đề đối với những người sử dụng xe lăn như cô Natsuko Izena (39 tuổi) đã chỉ ra trong một bài đăng trên blog vào tháng 4.
Cô Izena, người bị bệnh xương giòn nhấn mạnh các nhân viên đường sắt vùng Đông Nhật Bản đã khuyên cô không nên đi đến điểm đến dự định của mình vì đây là một nhà ga không có người quản lý và thay vào đó hãy đi taxi. Tuy nhiên, việc kể lại kinh nghiệm của mình đã khiến cô bị chỉ trích dữ dội trên mạng là “tự cho mình có quyền đòi hỏi”.
Tổng thư ký Tổ chức quốc tế về người khuyết tật của Quốc hội Nhật Bản Satoshi Sato lưu ý rằng định kiến này có thể sinh ra bởi hiếm khi người bình thường gặp người khuyết tật trong cuộc sống hằng ngày do người khuyết tật thường học ở các trường riêng và thậm chí có thể bị tách biệt tại nơi làm việc.
Các nhà xã hội học lưu ý rằng nhu cầu của người khuyết tật và nhu cầu của người cao tuổi thường trùng khớp với nhau. Như vậy, với dân số già đi nhanh nhất thế giới, Nhật Bản cuối cùng sẽ phải đối mặt với nhu cầu trở nên không có rào cản hơn và thể hiện lý tưởng của một xã hội hòa nhập hơn.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bắt đầu xem xét cách họ có thể hỗ trợ người khuyết tật. RDS Design đang chế tạo những chiếc xe lăn đã được sử dụng trong Thế vận hội Paralympic với vận động viên Tomoya Ito là thành viên của nhóm dự án.
Doanh nghiệp này đã thiết kế các robot tiên tiến và các sản phẩm hằng ngày như đồ điện tử gia dụng và đồ nội thất cho người khuyết tật. Chủ tịch Anri Sugihara muốn xây dựng công nghệ có thể đáp ứng nhu cầu xã hội của nhóm người này.