Ca sĩ Cẩm Vân thổn thức với ‘Sài Gòn buồn’ của Vũ Thành An – Đỗ Vẫn Trọn
Văn hóa - Ngày đăng : 18:13, 07/09/2021
Từ cuối tháng 4.2021 đến nay, làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đã bùng phát trở lại lan rộng ở nhiều tỉnh thành, trong đó TP.HCM trở thành tâm dịch lớn nhất nước với hàng trăm ngàn ca nhiễm, hàng ngàn người tử vong.
Đại dịch COVID-19 đã khiến Sài Gòn – TP.HCM – trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục lớn của cả nước đối diện với những khó khăn thử thách chưa từng có trong lịch sử.
Từ một thành phố luôn sôi động, nhộn nhịp, Sài Gòn đã trở nên vắng lặng hơn bao giờ hết. Ngoài phố là những con đường vắng người qua lại, hàng quán đóng cửa, tiếng rao quen thuộc từ những gánh hàng rong tắt lịm. Phía bên trong mỗi ngôi nhà, mỗi con hẻm là những ánh mắt lo âu, là nỗi buồn sau những mất mát chia lìa bất ngờ ập đến với gia đình và người thân của họ…
Những ngày cuối tháng 7, nghe tin bà Ngô Trân Châu, con gái của kiến trúc sư tài hoa Ngô Viết Thụ qua đời ở tuổi 54 tại Sài Gòn, nhà thơ Đỗ Vẫn Trọn đã không kiềm được xúc động, ông đã thức trọn đêm viết bài thơ Sài Gòn buồn để tiễn biệt bà cũng như chia sẻ những mất mát chung mà người dân Sài Gòn phải hứng chịu trong đại dịch.
Sài Gòn buồn của nhà thơ Đỗ Vẫn Trọn như mạch nguồn cảm xúc không bao giờ đứt đoạn của ông về Sài Gòn thân yêu. Mỗi con chữ mỗi trường đoạn trong bài thơ là sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Đó là một Sài Gòn xôn xao sôi động trong những ngày bình thường và một Sài Gòn im vắng trong đại dịch:
Sài Gòn buồn, giờ “giới nghiêm”
Tiếng hàng rao tắt lịm trong đêm
Những em bé đánh giày không còn thấy
Những con đường, ngõ hẻm lặng thinh!
Chiều nay được tin em mất!
Sài Gòn buồn nhỏ lệ thương đau…
Bài thơ này sau đó đến tay nhạc sĩ Vũ Thành An, ông vô cùng xúc động và đã phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Một nữa những câu chữ đầy cảm xúc của nhà thơ Đỗ Vẫn Trọn được người nhạc sĩ tài hoa chắp cánh bay lên bằng những thanh âm tha thiết lắng đọng khiến cho người nghe thổn thức.
Sài Gòn buồn được thu âm hoàn chỉnh tại Mỹ vào cuối tháng 8 qua giọng hát tha thiết của nữ ca sĩ Trần Thu Hà. Bài hát sau đó được chính nhạc sĩ Vũ Thành An giới thiệu trên trang cá nhân của ông và sự đồng cảm chia sẻ của người Sài Gòn nói riêng, người yêu âm nhạc nói chung.
Nói về tác phẩm Sài Gòn buồn, trong một chia sẻ trên trang cá nhân chiều 9.7, nhà báo Nguyễn Công Khế viết: “Từ Mỹ, Đỗ Vẫn Trọn, bạn tôi, gửi một bài thơ có tựa đề “Sài Gòn buồn” vào ngày 22.8.2021. Mấy hôm sau Trọn gửi tiếp cho tôi đường link Youtube bài thơ của ông đã được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ thành bài hát cùng tên qua giọng ca của ca sĩ Trần Thu Hà.
Tôi liền mở ra để nghe, Sài Gòn của tôi buồn da diết như lời thơ của Trọn được người nhạc sĩ tài danh Vũ Thành An phổ nhạc. Bao nhiêu năm sống trên đất Sài thành, thành phố này chưa giây phút yên tĩnh, nay bỗng dưng không một tiếng người, không một lời rao, không một hàng quán mở cửa. Sài Gòn giãn cách. Tôi đã từng viết, không có người Việt Nam nào mà không có ít nhất một kỷ niệm với Sài Gòn. Bây giờ, người Sài Gòn, người Việt Nam, ở khắp châu lục, người ta nghe tiếng Sài Gòn thở than, nghe Sài Gòn trở gió, nghe Sài Gòn náo nhiệt ngày đêm. Nghe Sài Gòn hôm nay đường phố vắng tanh, không bóng người qua lại vì “giới nghiêm” để phòng dịch COVID - 19 biến thể lan rộng…"
Tại Việt Nam, nữ ca sĩ Cẩm Vân – người đang sống trong tâm dịch Sài Gòn, cùng những thân trong gia đình đã nếm trải tất cả những cung bậc cảm xúc khi đối diện với đại dịch đang hiện diện khắp nơi trong thành phố. Bằng tâm hồn đầy nhạy cảm của người nghệ sĩ, Cẩm Vân đã thẩm thấu và rung động với từng lời ca, nốt nhạc trong Sài Gòn buồn. Chị đã quyết định thu âm bài hát này như một sự chia sẻ đồng cảm những đau thương mất mát mà người dân Sài Gòn phải gánh chịu trong suốt thời gian qua.
Một lần nữa bài hát Sài Gòn buồn của nhạc sĩ Vũ Thành An và nhà thơ Đỗ Vẫn Trọn được đến với khán giả một cách trọn vẹn qua tiếng hát trầm buồn đầy thổn thức của nữ ca sĩ Cẩm Vân.
Phối âm, phối khí cho bài hát cũng được nhạc sĩ Vĩnh Tâm làm mới lại qua phần đệm ghi ta của chính anh phối hợp với tiếng violin của Hy Đạt.
Như ca sĩ Cẩm Vân đã chia sẻ với nhà báo Nguyễn Công Khế: “Lời ca sao buồn quá vậy anh”. Tuy nhiên từ cảm nhận của những người yêu âm nhạc thì bài hát đã phản ảnh đúng tâm trạng chung của những người Sài Gòn trong trong những ngày giãn cách. Buồn, đó là trạng thái không ai tránh khỏi khi đối diện cơn đại dịch tàn khốc nhất từ trước đến nay.
Phía sau những ca từ đầy day dứt trên nền nhạc trầm buồn đó là thông điệp đầy yêu thương và tràn trề hy vọng về một ngày gần nhất Sài Gòn sẽ sớm vượt qua đại dịch thành trở lại những nét đẹp kiêu hãnh như xưa.
Nghe Cẩm Vân hát Sài Gòn buồn: