TP.HCM có thêm nhiều kênh bán hàng để ‘chia lửa’ với đi chợ hộ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:19, 08/09/2021
Siêu thị mở lại kênh bán hàng online
Những ngày trở lại đây, nhiều siêu thị đã mở thêm cửa hàng, hoạt động lại kênh online, tăng thêm nhân lực để cung ứng hàng hóa được nhanh hơn.
Điển hình như hệ thống Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đã nhận đặt hàng online. Khách hàng có thể đặt mua lương thực, thực phẩm thiết yếu qua website, điện thoại hoặc qua Zalo, Viber, danh bạ cập nhật trên website.
Tương tự, siêu thị Aeon Tân Phú và siêu thị Aeon Bình Tân cũng đã mở lại kênh bán hàng online trên ứng dụng Grabmart và Shopee Food. Tuy nhiên, hệ thống này bán theo dạng combo chứ không bán lẻ từng món nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao nhận hàng hóa thiết yếu của người dân.
Hệ thống Big C, Tops Market, GO! vẫn đang bán hàng qua app của siêu thị tại các quận, huyện "vùng xanh". Các khu vực "vùng đỏ" bán hàng cho lực lượng "đi chợ hộ". Ngoài ra, hệ thống này còn triển khai ứng dụng BIPBIP tại nhiều quận như Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, TP Thủ Đức. Theo đó, người dân có thể mua trực tiếp các nhu yếu phẩm hàng ngày theo từng combo riêng với giá chỉ từ 120.000 đồng và được giao đến tận nhà hoặc cơ quan địa phương.
Trong khi đó, kênh bán hàng online của Bách Hóa Xanh vẫn duy trì hoạt động từ ngày 23.8 đến nay.
Đáng chú ý, ngoài một số kênh online, nhiều hệ thống bán lẻ cũng tận dụng công nghệ để phân phối hàng hóa. Cụ thể, đại diện Satra cho biết hệ thống siêu thị Sài Gòn (Satra Food) sẽ kết hợp với Be Group để đưa “siêu thị thu nhỏ” xuất hiện ở mục “đi chợ” trên ứng dụng Be. Satra Food sẽ thiết kế 12 combo với giá dao động từ 120.000 - 560.000 đồng/combo. Đơn hàng được tài xế nhận đơn sẽ được giao trong vòng 2 tiếng đồng hồ”.
Còn chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food đưa vào vận hành hàng loạt xe buýt “Chuyến xe mua chung - bình ổn giá” để kịp thời giao hàng cho các đầu mối mua chung.
Bà Võ Thị Ngọc Hường - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Co.op Food cho rằng thay vì vừa phải “tung” lực lượng trực tiếp đi siêu thị mua từng đơn hàng cho người dân, vừa phải tổ chức vận chuyển và tổ chức đưa hàng hóa đến từng hộ dân thì giờ mỗi địa phương chỉ cần cử ra một người làm đầu mối gom đơn và gửi đến Co.op Food. Sau khi nhận được đơn hàng, Co.op Food sẽ soạn và hẹn giao hàng tận nơi, các lực lượng chức năng chỉ cần tổ chức phân phối đến các hộ dân trong khu vực.
Như vậy, việc mở lại các kênh online trên ứng dụng công nghệ và thêm nhiều kênh bán hàng mới sẽ giúp duy trì chuỗi cung ứng. Mặt khác, nhiều hệ thống bán lẻ cho rằng việc có thêm hình thức mua sắm khác còn “chia lửa”, gỡ khó cho các địa phương trong việc đi chợ hộ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân TP.HCM.
Chính thức hoạt động điểm trung chuyển hàng hoá chợ Bình Điền
Tối 7.9, điểm trung chuyển tập kết hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) đã chính thức hoạt động với nhiều mặt hàng như hải sản, thịt, rau củ quả... Điểm trung chuyển này trước mắt có khả năng cung ứng khoảng 210 tấn/đêm cho các hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP.HCM cũng như các chợ truyền thống được phép hoạt động.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, qua xem xét phương án của Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền về vận hành điểm tập kết, cơ quan này đã thống nhất về cơ bản Phương án vận hành điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ Bình Điền. Việc này nhằm gia tăng nguồn hàng hóa cung ứng cho thành phố, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thông suốt đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Công Thương đề nghị Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền lưu ý một số nội dung. Cụ thể, đối với việc tổ chức mặt bằng và phân luồng giao thông xung quanh khu vực trung chuyển, hàng hóa tại chợ, mặt bằng bố trí cho các thương nhân giao dịch phải đảm bảo an toàn, giãn cách theo quy định.
Các đơn vị thực hiện khử khuẩn thường xuyên toàn khu vực sau mỗi buổi tập kết, trung chuyển hàng hóa. Đồng thời, có phương án tổ chức, phân luồng giao thông phù hợp, không để tình trạng ùn tắc giao thông xung quanh khu vực điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Nhân lực tham gia hoạt động tại điểm tập kết, trung chuyển phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã tiêm 1 mũi được ít nhất 4 tuần và có kết quả xét nghiệm âm tính. Đặc biệt, các đơn vị vận động thương nhân nhiễm COVID-19 (F0) đã khỏi bệnh tham gia hoạt động. Trên cơ sở đăng ký của các thương nhân, người lao động, Công ty quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền báo cáo Sở Công Thương để được cấp giấy đi đường cho các đối tượng này.
Đối với khách mua hàng và lực lượng lao động (nhân viên, quản lý) của Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 còn hiệu lực theo quy định. Riêng đối với khách mua hàng, có đăng ký trước và được sự chấp thuận của thương nhân, công ty.
Về phương thức hoạt động và quản lý, thành phố sẽ tổ chức cho các thương nhân đăng ký trước các chủng loại, số lượng hàng hóa, số lượng xe tải, thương lái cũng như người nhận hàng, phương tiện vận chuyển, giờ vào chợ để bố trí, sắp xếp và theo dõi, kiểm soát, bảo đảm quản lý chặt các đối tượng vào chợ. Trong đó, thành phố lưu ý tại các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa chỉ giao - nhận hàng hóa, không tổ chức các hoạt động giao dịch, sơ chế, đóng gói hoặc mua bán hàng hóa.