Nhà Trần kiên quyết không làm lính đánh thuê cho Nguyên Mông

Giáo dục - Ngày đăng : 12:20, 06/10/2017

Không những từ chối giúp Nguyên mà ta còn vì đại cục, tạm gác bất đồng với Chiêm Thành để giúp đỡ nước bạn trong việc “viện Chiêm, kháng Nguyên”. Nguyên sử có ghi: “Giao Chỉ thông mưu với Chiêm Thành, sai 2 vạn quân và 500 chiến thuyền ứng viện”.
Quân Nguyên Mông dùng nhiều lính đánh thuê

Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc

Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc

Kỳ 3: Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta

Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt

Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê​

Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh​

Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc​

Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc

Kỳ 9: Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm

Kỳ 10: Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống​

Kỳ 11: Chư hầu của Đại Việt uy hiếp nhà Tống, vua Lý toan động binh​

Kỳ 12: Lý Thường Kiệt dùng vũ lực lấy lại đất yết hầu vùng biên trong tay quân Tống​

Kỳ 13: Sợ Lý Thường Kiệt bắc phạt lần 2, vua Tống tính cắt đất​

Kỳ 14: Bị áp lực từ biên giới, vua Tống phải nghiến răng trả đất​

Kỳ 15: Lý Thường Kiệt dùng tù binh mở cho vua Tống con đường thể diện

Kỳ 16: Muốn nhà Tống trả đất, không thể dùng lý lẽ suông​

Kỳ 17: Nhà Trần dẫn quân Bắc phạt, vua Tống vừa sợ vừa mừng​

Kỳ 18: Nhà Trần 4 lần trói sứ giả Mông Cổ vì tội uốn lưỡi cú diều

Kỳ 19: Đại Việt - Nguyên Mông thông hiếu, nhà Tống sợ hãi cầu thân

Kỳ 20: Nhà Trần dùng kế trừng trị các quan Đạt lỗ hoa xích​

Kỳ 21: Ba đời vua Trần và 12 lần cự tuyệt nhà Nguyên​

Ngoài yêu sách đặt quan Đạt lỗ hoa xích và đòi các vua Trần vào chầu thì triều đình Nguyên Mông còn có yêu cầu ngang ngược khác đối với Đại Việt là phải đi lính thay chúng. Điều đó được chúng ghi rõ vào trong bản yêu sách 6 điểm đặt ra với nhà Trần hồi 1266(*) .

Có thể nói việc đòi nhà Trần chịu quân dịch cho Nguyên Mông là vô cùng ngang ngược và nham hiểu. Thời kỳ đó, rất nhiều vương quốc nhỏ vì sợ hãi sức mạnh của vó ngựa Nguyên Mông nên đã phải chấp nhận đòi hỏi này, tức là cử lính đi đánh thay cho quân Mông Cổ. Như vậy, triều đình Mông Cổ được 2 cái lợi: thứ nhất là không tốn xương máu trong một số chiến dịch quân sự mà vẫn đạt mục tiêu và thứ hai là làm suy yếu chính binh lực của nước phụ thuộc. Các quốc gia chịu làm lính đánh thuê cho Nguyên Mông hầu như binh lực bị triệt tiêu, không thể nuôi lực phản kháng và cuối cùng là mất nước.

Đối với Đại Việt, Nguyên Mông cũng khá nhiều lần đòi phải nộp lính phục vụ cho chúng. Sau yêu sách năm 1266 bị ngó lơ thì năm 1275, chúng chính thức đặt vấn đề này như một yêu cầu cụ thể. Lời Chiếu văn năm Chí Nguyên thứ 12 (1275) ngoài việc đòi vua Trần Thái Tông vào chầu còn viết rõ: “Ngoài khoản ấy, như dân số trong nước chưa có ngạch tịch nhất định, thì thuế khoá và quân dịch, châm chước làm sao cho được? Nếu dân của khanh số ít, mà bắt lính quá nhiều, sức e không đủ; nên nay biên số dân của khanh là muốn tuỳ theo nhiều hay ít, để định số lính và số thuế; số quân mà ta sẽ phái đi cũng không cho đóng tại nơi xa khác, chỉ cho theo lính thú Vân Nam để trợ lực với nhau mà thôi. Vậy nay ra lời chiếu thị cho rõ”.

Những lời này nghe thì có vẻ ‘tạo điều kiện’ là chỉ cần góp lính đóng ở mấy vùng gần gần xung quanh Vân Nam để trợ lực chứ không phải bắt đi xa đánh trận. Thế nhưng, đó chỉ là mồi nhử lộ liễu mà thôi. Nếu như nhà Trần mà chịu góp quân dù ít thì sau chúng lại có cớ đòi thêm quân. Nếu đồng ý góp quân ở gần thì sau chúng điều đi đánh tại Trung Á, châu Âu hay bán đảo Ả Rập thì lúc đó muốn từ chối phỏng có được nữa hay chăng. Do vậy, nhà Trần đã thể hiện thái độ rõ ràng ngay từ đầu là không góp lấy một quân, một tốt cho triều đình nhà Nguyên. Tuy nhiên, ta không thể nói thẳng là: “Chúng tôi không góp” mà khôn khéo mượn cớ thoái thác là binh ít, phải lo chống giữ biên giới phía Nam với Chiêm thành.

Năm 1278, ngay sau khi vua Trần Thánh Tông lên ngôi, nhà Nguyên lại gửi chiếu nhắc lại việc nộp lính đánh thuê. Chiếu viết: “Hồi trước, khi nước khanh mới nội phụ, hễ có xin điều gì, ta cũng y cho cả, trong ý nói rằng theo lễ thờ phụng nước lớn, lâu ngày tự xét sẽ biết rồi tuân theo các điều khoản mà thi hành. Nhưng đã lâu năm rồi, lễ nghi dần dần sơ bạc, vì vậy cho nên trong năm Chí Nguyên thứ 12 (1275), trẫm lại xuống một lời chiếu để trách khanh về những việc thân hành vào chầu và trợ binh. Mới đây, bọn Lê Khắc Phục qua dâng tờ biểu đều là nói dối: "nói nước khanh nội phụ trước hết". Kỳ thực các nước tứ phương tới đầu hàng trước khanh đã dông rồi, sau khanh chỉ có nhà Tống mà thôi, nhưng trẫm cho một đạo quân ra thì cả nước đều dẹp yên; kể ra thì khanh cũng đã nghe biết, thế thì lời của khanh không phải là giả dối sao? Lại nói: "có kẻ thù là nước Chiêm Thành quấy rối nên không thể trợ binh". Vã khanh cùng nước Chiêm Thành là bạn láng giềng đã lâu, không phải mới từ ngày nay”.

Vua Trần Thánh Tông dĩ nhiên không đáp ứng cả việc sang chầu và góp binh. Không lâu sau, nhà Nguyên lại tiếp tục đưa ra yêu cầu nhà Trần phát binh cùng nhà Nguyên đánh... Chiêm Thành. Nguyên do là vì căng thẳng ngoại giao hai bên sau sự kiện Vân Nam lập chính quyền bù nhìn Trần Di Ái lên rồi đưa về Đại Việt và bị đánh tan, nhà Nguyên giam giữ nhiều phái đoàn sứ giả của ta. Tháng 8 năm 1283, nhà Trần cho sứ sang Nguyên đòi trả lại những sứ bộ của ta bị giữ lại ở bên Nguyên. Hốt Tất Liệt muốn dụ ta giúp binh lương cho chúng đánh Chiêm Thành nên lập tức trả lại các sứ bị giữ.

Nhân việc trả lại sứ, Hốt Tất Liệt cho sứ thần là Triệu Chử đem thư sang dụ vua Trần giúp lương và giúp quân. Nhà Nguyên cũng chẳng tốt lành gì trong việc đánh Chiêm Thành mà chẳng qua muốn dùng kế “mượn đường diệt Quắc”. Nếu để Nguyên chiếm Chiêm Thành thì ta rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch và rất dễ bị đánh vu hồi từ phía nam lên.

Bởi vậy, vua Trần sai Nguyễn Đạo Học sang nhà Nguyên, Phạm Chí Thanh và Đỗ Bào Trực sang Hành tỉnh Kinh Hồ (quan đứng đầu trông coi việc đánh Chiêm Thành) đưa thư trả lời, bác bỏ mọi yêu cầu của phương Bắc. Về giúp quân, thư vua Trần từ chối rất lý lẽ: “Về việc thâm quân thì Chiêm Thành thờ phụ nước tôi đã lâu, cha tôi chỉ lấy đức để che chở, đến tôi cũng nối chí cha tôi. Từ khi cha tôi quy thuận thiên triều đã 30 năm, gươm giáo không dùng đến, quân sĩ đã cho về làm dân đinh, một lòng không có mưu đồ gì khác, mong các hạ thương mà xét cho". Về việc giúp lương, vua Trần trả lời: “Nước tôi địa thế gần biển, ngũ cốc trồng không được nhiều. Từ sau khi đại quân rút đi, trăm họ lưu vong, lại thêm lụt hạn luôn, sớm no chiều đói, ăn không đủ”. Vua Trần đã từ chối khôn khéo mà còn vạch tội xâm lược trước đây của chúng.

Không những từ chối giúp Nguyên mà ta còn vì đại cục, tạm gác bất đồng với Chiêm Thành để giúp đỡ nước bạn trong việc “viện Chiêm, kháng Nguyên”. Nguyên sử có ghi: “Giao Chỉ thông mưu với Chiêm Thành, sai 2 vạn quân và 500 chiến thuyền ứng viện”.

Vua Trần cũng viết thư gửi cho Toa Đô viết: “Chiêm Thành nội thuộc tiểu quốc, đại quan đến đánh thật đáng xót thương, nhưng chưa từng dám nói một lời, đó là thời trời việc người, tiểu quốc cũng biết vậy, biết trời, biết người vậy. Kẻ biết trời, biết người mà trái lại đồng mưu với kẻ không biết trời, biết người, tuy trẻ con lên 3 cũng biết là không nên, huống hồ là tiểu quốc”.

Lời lẽ thư này tuy khiêm nhường những cũng chỉ ra quân Nguyên là kẻ không hiểu đạo trời và nhân tình, đồng thời thể hiện thái độ của Đại Việt sẽ sát cánh với Chiêm Thành trong cuộc chiến kháng Nguyên. Nhờ thái độ dứt khoát đó của Đại Việt, Chiêm Thành yên tâm để quyết chiến với cánh quân Toa Đô. Sau khi không bình định được Chiêm Thành, âm mưu tạo gọng kìm từ phía Nam đánh vu hồi lên của quân Nguyên bị phá sản.

A.T

* Yêu sách 6 điểm của nhà Nguyên với nước ta khi đó gồm

1 Vua Trần phải sang chầu.

2 Vua Trần phải cho con hay em sang ở tại triều đình Mông Cổ làm con tin.

3 Phải kê khai dân số nộp cho Mông Cổ.

4 Phải chịu các quân dịch của Mông Cổ.

5 Phải nộp thuế cho Mông Cổ.

6 Phải để cho Mông Cổ đặt Đạt lỗ hoa xích, tức đặt quan lại người Mông Cổ để thống trị nước Đại Việt.