Ngày càng nhiều đàn ông Trung Quốc phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi cuộc sống
Văn hóa - Ngày đăng : 11:51, 10/09/2021
Lo lắng về vẻ ngoài của mình sẽ làm mất đi nhiều cơ hội trong một xã hội đầy cạnh tranh như ở Trung Quốc, anh Xia Shurong quyết định nhờ đến phẫu thuật thẩm mỹ để sửa lại mũi. Đây cũng là xu hướng chung của hàng triệu thanh niên tại đất nước này.
Nhà nghiên cứu 27 tuổi nói trên muốn các thủ thuật thẩm mỹ thay đổi diện mạo để có thể làm tăng chất lượng cuộc sống của mình.
Tiêu chuẩn cái đẹp ở Trung Quốc gây cho con người ta nhiều áp lực. Từ màu da cho đến mắt, mũi rồi đến ngoại hình và đặc biệt phải kể đến “tiểu thịt tươi”, một từ thông dụng để miêu tả những chàng trai có vẻ ngoài đẹp với những đường nét thanh tú.
“Tôi cảm thấy mình nên là ‘tiểu thịt tươi’. Cho dù tôi đang còn trẻ nhưng vẻ bề ngoài của tôi như một ông chú trung niên”, Xia giải thích.
Xia đã đến Bắc Kinh khi chuẩn bị phẫu thuật thẩm mỹ để làm đầy đặn các đường nét trên khuôn mặt mình. Anh đã chi 40.000 nhân dân tệ (6.200 USD Mỹ) cho một thủ thuật làm đầy khuôn mặt vào đầu năm nay.
“Tôi lớn lên ở nông thôn nên mặt đen, da xấu, nhìn chung là vẻ bề ngoài của tôi không đẹp. Tôi luôn cảm thấy tự ti”, Xia nói và cho biết mình đã lên kế hoạch làm lại gương mặt từ lâu.
Sự phổ biến của các mạng xã hội tại Trung Quốc với đầy rẫy các quảng cáo về phẫu thuật thẩm mỹ hay những hướng dẫn làm đẹp và lời khuyên về cách làm sao để trở nên hoàn mỹ hơn đã vô tình tạo thêm áp lực cho nhiều người.
Theo iResearsh, khoảng 17% nam nhân viên văn phòng ở Trung Quốc đã từng phẫu thuật thẩm mỹ và đại đa số nam giới làm các thủ thuật đầu tiên trước 30 tuổi.
Xia Zhengyi, bác sĩ thực hiện thủ thuật cho Xia cho biết ông thấy ngày càng nhiều nam thanh niên đến làm phẫu thuật thẩm mỹ tại chỗ mình. “Phẫu thuật có thể thay đổi nét mặt và mang lại cho mọi người cảm giác tự tin, điều này rất tốt cho các mối quan hệ của bạn với mọi người”, ông Zhengyi nói.
Rose Han, thuộc nhóm đầu tư BeauCare Clinics cho biết các công chức nam giới chọn làm phẫu thuật thẩm mỹ vì họ lo lắng rằng vẻ bề ngoài trông xuống sắc hay già cỗi có thể đồng nghĩa với việc bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Đàn ông ở độ tuổi 20 quan tâm nhất đến phẫu thuật tái tạo mắt và mũi, theo ứng dụng phẫu thuật So Young trích dẫn một cuộc khảo sát về 8,9 triệu người dùng hoạt động hằng tháng của họ.
“Nó không giống như việc mua một chiếc túi xách Gucci, nó đang cho chính bạn một cơ hội. Sự tự tin sẽ mang đến những thay đổi trong công việc và cuộc sống”, Xia nói.
Theo số liệu của chính phủ, thu nhập khả dụng quốc gia trung bình của Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2010 và sự giàu có tăng lên trong các tầng lớp trung lưu của Trung Quốc cũng thúc đẩy sự quan tâm đến phẫu thuật thẩm mỹ.
Zhang Xiaoma đã rời bỏ công việc của mình tại một công ty công nghệ thông tin để trở thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sau khi chia sẻ kinh nghiệm phẫu thuật thẩm mỹ của mình. “Bạn có thể làm nhiều công việc bằng một chiếc máy quay nếu như bạn có vẻ ngoài hấp dẫn”, Zhang chia sẻ.
Các thủ thuật mà Zhang đã làm bao gồm “tai tinh”, một thủ thuật làm đầy tai bằng axit hyaluronic để làm cho chúng trông đầy đặn hơn với khuôn dáng ban đầu. Điều này trở nên phổ biến sau khi một ngôi sao trên mạng xã hội ghi lại quy trình làm thủ thuật này và lan truyền nó.
Người mẫu Nai Wen đã trải qua hơn 60 lần phẫu thuật trên khuôn mặt, bao gồm cả điều trị bằng laser và tin rằng phẫu thuật thẩm mỹ đã “thay đổi số phận mình”.
“Nó tiện lợi như một chiếc mặt nạ. Thực sự đáng kinh ngạc khi bạn có một vẻ bề ngoài trẻ hơn với tuổi thực sự của mình”, Nai Wen nói trong một buổi chụp hình.
Theo iResearch, ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc hiện trị giá 197 tỉ nhân dân tệ, tăng từ 64,8 tỉ nhân dân tệ vào năm 2015.
Nhưng sự gia tăng nhanh chóng diễn ra vào thời điểm các nhà chức trách lo ngại rằng quốc gia này đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng nam tính”.
Bắc Kinh đã chỉ trích về việc nam giới đang ngày càng nữ tính hóa và đã đề xuất gia tăng các lớp học giáo dục thể chất để khuyến khích một hình thức nam tính mang tính “truyền thống” hơn trong xã hội.
Ngày 2.9, Tổng cục Phát thanh - Truyền hình ra các quy định nhằm tăng cường quản lý nghệ sĩ, chương trình truyền hình. Hiện tượng "nương pháo" chỉ nam giới điệu đà, nữ tính hóa, bị cho là "mốt thẩm mỹ lệch lạc", không được phép xuất hiện ở các chương trình.
Ngoài ra còn có các mối quan tâm về an toàn và chất lượng liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ. Hiệp hội người tiêu dùng quốc gia đã ghi nhận hơn 7.200 đơn khiếu nại liên quan đến ngành này.
Xiao Ran (33 tuổi), một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã chết vì nhiễm trùng nặng sau khi hút mỡ. Thời báo Hoàn cầu cho biết phòng khám nơi cô thực hiện thủ thuật đã bị đóng cửa.
Những hình ảnh do nữ diễn viên Gao Liu chia sẻ năm nay đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho thấy phần da chết cháy đen trên mũi cô sau khi phẫu thuật thẩm mỹ hỏng. Trong khi đó nam người mẫu Tiêu Nại thừa nhận có nguy cơ nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. “Bạn không thể chấp nhận một bản thân xấu xí”, anh nói.
Sau ca phẫu thuật thẩm mỹ kéo dài một giờ đồng hồ tại Bắc Kinh, Xia tự ngắm nhìn lại khuôn mặt mình: “Cảm giác có một chút khác biệt nhưng nó hoàn toàn không như tôi mong đợi. Tôi nghĩ rằng việc đạt đến sự hoàn hảo phải mất một thời gian”, Xia thừa nhận.