Các tỷ phú công nghệ Mỹ dùng chiêu từ thiện để che đậy việc nộp thuế khiêm tốn

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:57, 12/09/2021

Chuyến bay gần đây của Jeff Bezos vào không gian và những ý định đáng ngờ đằng sau các khoản quyên góp từ thiện lớn gắn liền với hành trình này đã khơi lại các cuộc bàn luận xung quanh việc liệu những tỷ phú Mỹ có trả phần thuế công bằng hay không.

Khi Tổng thống Biden tiếp tục thúc đẩy các đợt tăng thuế mới đầy tham vọng với những người giàu có và Sở Thuế vụ tăng cường thực thi, câu hỏi đặt ra là "các tỷ phú nợ người Mỹ những gì?" chưa bao giờ quan trọng hơn.

Tiết lộ gần đây của tổ chức phi lợi nhuận ProPublica cho thấy 25 người Mỹ giàu nhất đã đóng 13,6 tỉ USD tiền thuế từ năm 2014 đến 2018 khi tài sản của họ tăng hơn 400 tỉ USD trong cùng khoảng thời gian. Mức thuế thực sự chỉ là 3,4% theo sự xác định của ProPublica.

Được biết nhiều đến qua việc ủng hộ áp thuế cao hơn với người giàu và kế hoạch quyên góp 4,1 tỉ USD cho các quỹ từ thiện khác nhau, Warren Buffett đã trả số tiền thuế thấp nhất so với tài sản của mình trong các tỷ phú Mỹ được nêu trong vụ việc.

Khi tài sản tăng hơn 24 tỉ USD vào giữa những năm 2010, Warren Buffett đã xoay sở để chỉ trả 0,1% trong số đó tiền thuế thu nhập liên bang.

Vào năm 2006, khi Warren Buffett và các tỷ phú giàu khác tuyên bố sẽ cho đi ít nhất 50% (một số trường hợp lên đến 99%) tài sản của mình để làm từ thiện, điều đó đã nhận được nhiều lời khen ngợi trên các phương tiện truyền thông và các tổ chức từ thiện vòng quanh thế giới.

Thế nhưng nếu năm qua đã dạy cho chúng ta bất cứ điều gì thì việc “từ thiện” nhất mà các tỷ phú như Warren Buffett và Jeff Bezos có thể làm để đưa nước Mỹ tiến lên sẽ là trả nhiều thuế liên bang hơn. Thay vì bắt các tỷ phú phải chịu trách nhiệm với những cam kết mà họ hứa, The Giving Pledge (Quỹ từ thiện của toàn cầu) cho phép và ưu ái để họ chậm rãi quyên góp từ thiện thông qua mã số thuế của Mỹ.

Warren Buffett lập luận rằng ông tin tiền của mình sẽ được sử dụng nhiều hơn cho xã hội nếu được giải ngân từ thiện hơn là được sử dụng để giảm nhẹ khoản nợ ngày càng gia tăng của Mỹ thông qua việc trả nhiều thuế hơn. Hoạt động từ thiện chắc chắn là điều tốt nhưng khi các tỷ phú sử dụng hoạt động từ thiện như lý lẽ để giải thích tại sao họ không phải trả thuế thì những gì họ thực sự đang nói là niềm tin và mong muốn của mình sẽ thay thế tốt hơn cho việc ra quyết định dân chủ.

Các quan chức được bầu nên có thể lựa chọn cách sử dụng tiền cho lợi ích công cộng, thay vì dựa vào các tỷ phú cung cấp cho các tổ chức từ thiện theo những cách thường vì lợi ích cá nhân. Ví dụ, trong khi đã quyên góp hàng trăm triệu USD cho tổ chức từ thiện để làm cho chuyến đi tự tài trợ của mình vào không gian trở nên đặc biệt hơn một chút, Jeff Bezos gần như chắc chắn phải chi số tiền tương đương hoặc nhiều hơn cho chính hành trình đó, trong những gì có lẽ là sự đam mê lạc thú đắt giá nhất lịch sử nhân loại.

cac-ty-phu-cong-nghe-dung-tu-thien-de-che-day-tien-dong-thue-khiem-ton.jpg
4 tỷ phú công nghệ Mỹ gồm Elon Musk, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg và Bill Gates

Năm ngoái, Bill Gates, một tỷ phú khác có lẽ được biết đến nhiều nhất vào thời điểm này với hoạt động từ thiện của mình, thông báo rằng ông sẽ quyên góp 300 triệu USD cho cứu trợ trong đại dịch COVID-19. Con số này đáng kể nhưng đó chỉ là số nhỏ với một trong những người giàu nhất thế giới. Theo ước tính về tài sản Bill Gates, đó chỉ là 0,3% tổng giá trị tài sản ròng của ông. Bill Gates đã kiếm lại 300 triệu USD chỉ trong vòng 2 tuần sau khi quyên góp số tiền đó, dựa trên các khoản đầu tư thụ động của mình.

Việc cho đi này cũng mang lại cho Bill Gates tầm ảnh hưởng lớn trong cuộc tranh luận liệu các biện pháp bảo vệ bằng sáng chế liên quan đến vắc xin COVID-19 có nên bị dỡ bỏ để cho phép phân phối miễn phí và rộng rãi nghiên cứu đó hay không.

Mỹ và thế giới sẽ tốt hơn bao nhiêu nếu số tiền này thay vào đó được lấy từ Bill Gates dưới hình thức nộp thuế, sau đó sử dụng để tài trợ cho khoản cứu trợ trong đại dịch và giao việc đó cho chính phủ Mỹ được bầu cử dân chủ?

Trong khi tổ chức từ thiện của Bill Gates đã thay đổi quan điểm của mình về bản quyền bằng sáng chế vắc xin COVID-19, điều đó cho thấy khi các tỷ phú quyên góp tiền cho tổ chức từ thiện, việc xây dựng uy tín thường được sử dụng để sau đó đẩy sự quan tâm của họ lên trên lợi ích công cộng.

Hôm 6.5, Mark Suzman, Giám đốc điều hành của Quỹ Bill & Melinda Gates, tuyên bố ủng hộ việc tạm thời dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19. Điều đáng nói là trong cuộc phỏng vấn với Sky News hôm 2.5, Bill Gates nói rằng không thể chuyển giao công nghệ vắc xin cho các nước nghèo nếu không có tài trợ và chuyên môn của Mỹ.

"Chỉ có vài nhà máy sản xuất vắc xin trên toàn thế giới nơi mọi người tuân thủ nghiêm túc quy định an toàn. Việc chuyển giao vắc xin, chẳng hạn từ một nhà máy ở Mỹ sang một cơ sở ở Ấn Độ, là điều mới mẻ, chỉ có thể diễn ra với sự hỗ trợ và chuyên môn của chúng ta", tỷ phú 65 tuổi cho biết.

Hiệu ứng nhỏ giọt khổng lồ diễn ra ở Mỹ trong nhiều thập kỷ, phần lớn là do những thay đổi chính sách có lợi cho các tỷ phú, đã dẫn đến tầng lớp trung lưu dần biến mất, thiếu đầu tư vào công ích và suy thoái dân chủ. Trong khi đó, những người giàu tiếp tục tích lũy tài sản cá nhân bằng chi phí của đất nước, của cải nhiều đến mức họ có thể tài trợ cho chuyến du lịch ngoài Trái đất của mình và sau đó mong đợi chính nước đó cổ vũ họ.

Giải pháp cho vấn đề này rất đơn giản: Đánh thuế người giàu. Nếu muốn cứu thế giới, các tỷ phú có thể bắt đầu ủng hộ những thay đổi cụ thể, có tác động với mã số thuế của người Mỹ để khiến họ phải trả tiền thuế công bằng. Đã đến lúc Mỹ ngừng để những tỷ phú thoát ra bằng cách quyên góp tư lợi và bắt đầu yêu cầu họ phải trả nhiều thuế hơn. Sở Thuế vụ là tổ chức từ thiện tốt nhất của nước Mỹ, vì vậy hãy khiến các tỷ phú bắt đầu tài trợ cho nó.

Sơn Vân