Nguy cơ sa sút trí tuệ ở người mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:20, 13/09/2021
Vài tuần hoặc vài tháng sau khi khỏi COVID-19, một số người tiếp tục báo cáo về khả năng tập trung kém, trí nhớ suy giảm và các vấn đề nhận thức khác. Các chuyên gia lo ngại COVID-19 có thể khiến người bệnh có nguy cơ bị sa sút trí tuệ nhiều năm sau đó.
Ngày càng có nhiều mối lo ngại rằng một số người mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài có thể có những thay đổi liên quan đến chứng sa sút trí tuệ sớm hơn dự kiến.
Viện Y tế Quốc gia về Chất lượng điều trị của Anh định nghĩa COVID-19 kéo dài là có các triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần sau khi mắc bệnh.
Tổ chức bệnh Alzheimer Quốc tế (ADI), liên hiệp các hiệp hội Alzheimer trên toàn cầu, gần đây đã thành lập một nhóm làm việc gồm các chuyên gia toàn cầu để nghiên cứu mức độ của vấn đề này và đưa ra các khuyến nghị về cách đối phó.
Tổ chức này cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến sự gia tăng các trường hợp sa sút trí tuệ và kêu gọi nghiên cứu khẩn cấp về mối liên hệ giữa hội chứng COVID-19 kéo dài với chứng mất trí.
Bất cứ điều gì làm giảm khả năng dự trữ nhận thức và phục hồi của một người sẽ cho phép các quá trình thoái hóa thần kinh tăng tốc, theo nhà thần kinh học rối loạn nhận thức Alireza Atri, người chủ trì Hội đồng Cố vấn Y tế và Khoa học gồm 75 thành viên của ADI đang dẫn đầu cuộc nghiên cứu về mối liên hệ đó. Điều này sau đó có thể gây ra các triệu chứng rối loạn thần kinh như chứng mất trí nhớ biểu hiện sớm hơn.
Tiến sĩ Atri, Giám đốc của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Banner Sun, một cơ sở nghiên cứu lớn về bệnh Alzheimer và rối loạn liên quan đến lão hóa khác ở Arizona (Mỹ), nói với The Straits Times rằng ông thấy một số trường hợp mà những thay đổi liên quan đến chứng sa sút trí tuệ xảy ra với tốc độ nhanh bất thường. Những người này có các triệu chứng nhẹ của COVID-19. Sẽ cần nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra được câu trả lời, chẳng hạn liệu các triệu chứng đó sẽ kéo dài hay trầm trọng hơn.
Sa sút trí tuệ là thuật ngữ chung cho việc suy giảm khả năng ghi nhớ, suy nghĩ hoặc đưa ra các quyết định gây cản trở trong cuộc hằng ngày của một người. Nó là kết quả của các bệnh như Alzheimer và các chấn thương liên quan đến não, chủ yếu ảnh hưởng đến những người từ 65 tuổi trở lên.
Ở Singapore, cứ 10 người trên 60 tuổi thì có một người mắc chứng sa sút trí tuệ. Hội chứng này thường được đánh dấu bởi sự tích tụ độc hại của các protein trong não, có thể bắt đầu xảy ra ở một số người sớm nhất là 25 năm trước khi họ có dấu hiệu sa sút trí tuệ.
Tiến sĩ Atri cho biết COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm quá trình này cũng như đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức và sau đó là chứng sa sút trí tuệ.
“Giả sử đang ở độ tuổi 50, tôi sẽ xuất hiện các triệu chứng mất trí nhớ vào cuối những năm 60 đầu những năm 70 tuổi. Lúc đó tôi đã có sự tích tụ những protein độc hại và một số vấn đề liên quan đến nó. COVID-19 có thể xuất hiện và thực sự làm trầm trọng tình trạng
này”, Tiến sĩ Atri nhận định.
Ngoài các triệu chứng thần kinh liên quan đến COVID-19 như mất vị giác và khứu giác, Tiến sĩ Atri cho biết những người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài cũng nên đề phòng “sương mù não, các vấn đề về sự chú ý và tập trung, các hoạt động trí óc cũng như chứng hay quên”. Ngoài ra còn có thể có các vấn đề về giấc ngủ và rối loạn lo âu.
Tiến sĩ Atri cũng chỉ ra một lý do tại sao mọi người nên tiêm vắc xin COVID-19. Vào tháng 7, một nghiên cứu do Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore (NCID) dẫn đầu, cho thấy 1/10 bệnh nhân COVID-10 đã hồi phục tại đây có các triệu chứng dai dẳng 6 tháng sau khi mắc bệnh.
NCID đang nghiên cứu các tác động tâm lý thần kinh và nhận thức lâu dài của COVID-19 ở những người có triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Nghiên cứu này đang được thực hiện với Trường Y Lee Kong Chian của Đại học Công nghệ Nanyang và Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia, dự kiến sẽ có kết quả vào năm tới.
Tiến sĩ Barnaby Young - nhà tư vấn tại NCID cho biết một số bệnh nhân COVID-19 gặp phải tình trạng sương mù não, mệt mỏi và mất ngủ cho dù họ “thường hồi phục theo thời gian và hầu hết các triệu chứng không để lại hậu quả lâu dài”.
Phó giáo sư Philip Yap, chuyên gia tư vấn cấp cao tại khoa Lão học của Bệnh viện Khoo Teck Puat, đã chỉ ra một nghiên cứu gần đây được công bố vào tháng 7 trên tạp chí eClinical Medicine theo dõi 3.762 bệnh nhân từ 56 quốc gia.
7 tháng sau khi mắc COVID-19, rối loạn chức năng nhận thức được tiết lộ là một trong những triệu chứng phổ biến nhất. Điều này có thể là do não bị viêm, lưu lượng máu bị tổn thương, đặc biệt là trong các mạch máu nhỏ của não và những thay đổi trong hệ thống miễn dịch.
“Với số lượng lớn bệnh nhân mắc COVID-19, sự dễ bị tổn thương của người già khi mắc COVID-19 và chứng mất trí nhớ cùng các quan sát về các triệu chứng nhận thức sau khi mắc bệnh, người ta lo ngại rằng COVID-19 có thể đẩy nhanh sự suy giảm nhận thức”, Giáo sư Yap nói.
Giáo sư Yap cũng có biết rằng nhiều nghiên cứu trong một thời gian dài sẽ cung cấp thêm thông tin rõ ràng hơn về vấn đề này.
Tiến sĩ Young lưu ý rằng “những người lớn tuổi và già yếu mắc COVID-19 nặng có thể bị đột quỵ, viêm mạch máu não và các biến chứng thần kinh khác”. Đây là một lý do rất quan trọng để nhóm người này cần được tiêm vắc xin
Giáo sư Yap nói thêm: “Ở Singapore, mục tiêu của chúng tôi là giữ cho số ca mắc COVID-19 ở mức thấp, đặc biệt là ở những người lớn tuổi dễ bị tổn thương. Điều này hạn chế tác động đến dân số của chúng tôi, nếu có. Nếu chúng tôi có thể giữ số lượng ca nhiễm thấp thì hy vọng là tác động sẽ không quá đáng kể”.