Vụ bé gái Dalit 9 tuổi bị 5 kẻ tầng lớp trên cưỡng bức dấy lên bức xúc giai cấp tại Ấn Độ

Hồ sơ - Ngày đăng : 11:31, 14/09/2021

Bạo lực tình dục đối với phụ nữ Chiên Đà La một lần nữa lại được dư luận gióng lên, sau khi một bé gái 9 tuổi bị hãm hiếp tập thể và sát hại ở thủ đô Delhi vào tháng trước.

Một nhóm các nhà hoạt động vì phụ nữ Chiên Đà La (Dalit) ở Ấn Độ đang chấp nhận mạo hiểu để hỗ trợ những người đã sống sót sau các vụ tấn công tình dục.

Những phụ nữ này đến từ tầng lớp Chiên Đà La, cộng đồng không được xếp ngoài vòng đẳng cấp theo hệ thống phân tầng giai cấp ở Ấn Độ. Nói cách khác, họ là tầng lớp kém nhất, xếp dưới 4 tầng lớp khác (Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Phệ Xá, Thủ Đà La).

ando.jpg
Dư luận Ấn Độ phẫn nộ sau vụ bé gái Dalit 9 tuổi bị hiếp dâm

Bạo lực tình dục và cưỡng hiếp đối với phụ nữ và trẻ em gái Chiên Đà La một lần nữa lại được dư luận gióng lên, sau khi một bé gái 9 tuổi bị hãm hiếp tập thể và sát hại ở thủ đô Delhi vào tháng trước. Bốn người đàn ông, gồm một người Bà La Môn, đã bị buộc tội nhưng vẫn chưa nhận tội.

Theo Bộ Nội vụ Ấn Độ, vào năm 2012, năm xảy ra vụ hiếp dâm tập thể trên xe buýt dẫn đến cái chết của một nữ sinh ở Delhi, đã có gần 25.000 trường hợp hiếp dâm được báo cáo ở Ấn Độ. Và 1.576 vụ hiếp dâm liên quan đến phụ nữ Chiên Đà La.

Thực ra, người Chiên Đà La có khoảng 200 triệu, chiếm chưa đến 1/6 người dân Ấn Độ nên tỷ lệ 1.576/25.000 các vụ hiếp dâm có nạn nhân là phụ nữ Chiên Đà La vẫn thấp so với mặt bằng dân số. Tuy nhiên, điều đáng lo là tỷ lệ nạn nhân người Chiên Đà La trong các vụ hiếp dâm đã gia tăng nhanh trong thập niên qua.

Kể từ 2012, các vụ cưỡng hiếp được báo cáo đã gia tăng, với hơn 32.000 vụ được ghi nhận vào năm 2019, tức là chỉ tăng 28%. Nhưng đối với phụ nữ Chiên Đà La, con số đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 3.486 vụ. Ngoài ra, những khó khăn trong việc báo cáo hiếp dâm ở Ấn Độ, đặc biệt là đối với cộng đồng Chiên Đà La, có nghĩa là con số thực có thể cao hơn.

Các nhà hoạt động nói rằng phụ nữ Chiên Đà La phải chịu gánh nặng của sự phân biệt giai cấp phổ biến, là một phần cấu trúc của xã hội Ấn Độ và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ.

dalit.jpeg
Mạng người Dalit cũng đáng giá

Anoushka cho biết cô bị cưỡng hiếp tập thể khi mới 15 tuổi vào năm 2012, cùng năm với vụ hiếp dâm nữ sinh trên xe buýt ở Delhi, thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn thế giới và dẫn đến luật chống hiếp dâm khắt khe hơn. Nhưng gần 10 năm sau, Anoushka vẫn chưa tìm ra công lý.

Cô gái 23 tuổi, là con cả trong gia đình có 7 anh chị em, cho biết cô đã bị một nhóm đàn ông thuộc giai cấp trên tìm cách khuất phục bằng đất đai, tiền bạc, quyền lực và "mối liên hệ chính trị". Anoushka nói rằng họ yêu cầu cô ấy hủy bỏ vụ kiện và tuyên bố những kẻ thuộc đẳng cấp trên tấn công cô, đã hối lộ cho các quan chức điều tra vụ án.

Một báo cáo năm 2020 của tổ chức phi chính phủ mang tên Bình đẳng, cho thấy bạo lực tình dục ngày càng phổ biến với tình trạng các tầng lớp thống trị (chủ yếu là Bà La Môn và Sát Đế Lợi) áp bức phụ nữ và trẻ em gái Chiên Đà La, những người thường bị từ chối đòi hỏi công lý vì "văn hóa phổ biến của miễn trừng phạt, đặc biệt khi thủ phạm thuộc một giai cấp thống trị. "

Một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được công bố vào năm 2017 cũng đã trích dẫn các trường hợp nạn nhân ở đẳng cấp thấp sau các vụ cưỡng hiếp có thể bị các trưởng làng gây áp lực để hủy bỏ việc kiện tụng chống lại thủ phạm từ các tầng lớp cao hơn.

Theo Anoushka, các thủ phạm hiếp dâm mình được tha bổng và tiếp tục sống trong làng hay nơi gần đó và đưa ra những lời đe dọa với cô. Năm năm trước, Anoushka đã nộp đơn khiếu nại lên tòa án cấp cao của tiểu bang, nhưng không có kết quả gì.

Cô nói: “Mỗi khi tôi đọc về một trường hợp bạo lực tình dục khác, tôi lại nghĩ về những gì đã xảy ra với mình… Tôi vô cùng đau lòng vì không có gì thay đổi”.

Tổ chức Đấu tranh cho phụ nữ Chiên Đà La đã liên hệ với Anoushka và cô ấy đã gia nhập đội với tư cách là người bảo vệ tuyến đầu, hỗ trợ những người sống sót sau bạo lực tình dục. Anoushka yêu cầu được gọi là một người sống sót sau vụ cưỡng hiếp hơn là một nạn nhân. Anoushka chua chát: "Sự xấu hổ không dành cho tôi".

Các nhà hoạt động thường đưa những người sống sót sau bạo lực tình dục đến đồn cảnh sát và đến bệnh viện để kiểm tra y tế, kết quả sẽ được sử dụng làm bằng chứng trước tòa. Sự hỗ trợ này là cần thiết vì cảnh sát thường xem nhẹ việc này khi nạn nhân hay người nhà khai báo đơn lẻ.

Rekha, một nhà hoạt động 24 tuổi nói: “Ngay khi các nhân viên cảnh sát nhìn thấy chúng tôi, giọng điệu của họ thay đổi vì chúng tôi là phụ nữ Chiên Đà La. Và họ hỏi tại sao chúng tôi lại đi cùng những người sống sót trong khi họ có thể tự gửi đơn khiếu nại".

Mặc dù phân biệt giai cấp bị đặt ngoài vòng pháp luật từ giữa thế kỷ trước, nhưng lực lượng cảnh sát vẫn coi thường phụ nữ Chiên Đà La, cựu tổng giám đốc cảnh sát Uttar Pradesh, Vikram Singh thừa nhận.

Anh Tú