Khó khăn khi học trực tuyến: Tháo gỡ ở đâu?

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:45, 14/09/2021

Đừng nhìn vào một bộ phận gia đình phụ huynh có điều kiện, có phương tiện, có kiến thức về sử dụng công nghệ thông tin, để đánh giá rằng việc dạy và học trực tuyến sẽ diễn ra suôn sẻ.

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến rất nguy hiểm, rất phức tạp, thì việc giảng dạy và học trực tuyến là giải pháp tình thế, giải pháp bắt buộc phải làm, chứ đây chưa hẳn là “cơ hội” để học sinh (HS) “chuyển đổi số”, chuyển sang hình thức học tập mới cho “kịp với thế giới”.

Nếu chúng ta chỉ nhìn ở các nước phát triển, nơi có nền giáo dục đạt chuẩn cao, có đủ phương tiện công nghệ để học sinh làm quen và sử dụng thuần thục từ nhỏ, thì khi nhìn sang các nước nghèo, các nước chậm phát triển trên thế giới, nếu bắt buộc phải dạy và học trực tuyến, thì tình trạng khó khăn còn hơn nước ta rất nhiều lần.

Nhưng khi không có lựa chọn khác, khi bắt buộc phải dạy và học trực tuyến, thì điều quan trọng nhất, là không được để một bộ phận học sinh con nhà nghèo, con em các dân tộc miền núi, nơi điều kiện kinh tế và trình độ phát triển còn thấp, sự tiếp cận với công nghệ thông tin còn vô vàn hạn chế, phải bị “bỏ lại phía sau”. Giải được bài toán hết sức khó giải này, không chỉ ngành giáo dục đơn phương giải được, mà cần cả xã hội cùng chung tay giải.

Đừng nhìn vào một bộ phận gia đình phụ huynh có điều kiện, có phương tiện, có kiến thức về sử dụng công nghệ thông tin, để đánh giá rằng việc dạy và học trực tuyến sẽ diễn ra suôn sẻ.

Bây giờ, ngay tại Quảng Ngãi, vẫn còn các địa phương mà tỷ lệ HS đủ điều kiện học trực tuyến đạt rất thấp là Ba Tơ (9,5%), Sơn Hà (11%). Riêng huyện Minh Long là 0%, thì phải nói ngay rằng, ở những nơi đó, việc dạy và học trực tuyến là không thể.

Vậy thì có cách dạy và học nào khác dành cho các địa phương này, và nói chung, dành cho một bộ phận HS không có đủ điều kiện đáp ứng cho việc học trực tuyến ? Ngay tại TP.HCM hiện nay, bộ phận học sinh không đủ điều kiện này cũng không phải là ít. Phải làm gì để các em có thể học, dù không được 100% chương trình, thì ít ra, cũng được 50% chương trình của cả năm học ?

Điều đầu tiên, là chương trình học ở Tiểu học, và cả Trung học, phải được rút gọn tới hết mức có thể, và phải có sự phân bố chương trình học một cách khoa học nhất, phù hợp với phương thức học trực tuyến nhất, để HS có điều kiện học trực tuyến có thể theo học một cách thoải mái, không bị gò ép, không bị quá tải. Điều đó Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể làm được. Không thể để học sinh lớp 1, lớp 2 phải “học trực tuyến cả ngày”, phải học cả những môn không thực sự cần thiết trong điều kiện dịch bệnh khó khăn này.

Sự thích ứng với tình thế là yêu cầu đầu tiên trong việc soạn chương trình học cho HS. Làm được điều đó, là đã giảm tải rất nhiều cho học sinh khi học trực tuyến.

Với một bộ phận các em học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, thì sự chung tay của xã hội nhằm cung cấp thiết bị công nghệ phục vụ học tập cho các em là cần thiết, nhưng không thể nào đáp ứng đủ được. Vậy thì các Sở GD&ĐT ở các địa phương phải có kế hoạch cặn kẽ để giáo viên và nhà trường gửi bài học, bài tập về tận nhà cho HS, và những bài học bài tập ấy phải phù hợp với việc tự học là chính cho HS. Vì, sẽ có rất nhiều gia đình phụ huynh không có đủ điều kiện hỗ trợ HS tự học. Điều này thì ai cũng biết.

Sẽ rất có nhiều khó khăn khi tổ chức học trực tuyến, nên cứ vừa dạy vừa học trực tuyến để phát hiện những điều cần bổ khuyết, cần thay đổi, thì ít nhất, phải qua một năm học mới tạm hình thành phương thức dạy và học trực tuyến có hiệu quả.

Hiệu qua ấy tới đâu, còn phụ thuộc vào HS và giáo viên, vào nỗ lực của nhà trường, vào sự quyết tâm thay đổi sách giáo khoa để phù hợp với hình thái học tập mới.

Chỉ như thế, việc dạy và học trực tuyến mới dần trở thành một hoạt động bình thường, như ở các nước phát triển mà Việt Nam đang hướng đến.

Nhà thơ Thanh Thảo