Hà Nội sẽ nới lỏng dịch vụ nào sau ngày 15 và 21.9?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:49, 14/09/2021
Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực, trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ phương án phòng chống dịch sau ngày 15.9 và 21.9.
TP.Hà Nội đang giao các đơn vị xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho việc nới lỏng từng bước giãn cách xã hội khi dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát.
Cụ thể, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho giai đoạn sau ngày 15.9 và ngày 21.9. Cụ thể là rà soát lại phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là cho giai đoạn sau ngày 15.9.
"Thành phố đã tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở phân vùng 2, 3. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phản ánh có vướng mắc trong việc đi lại của công nhân giữa các vùng và cụ thể việc tổ chức ăn ở cho công nhân ra sao để phòng dịch. Vì vậy, các quận huyện phải liên thông thông suốt, giải quyết ngay những khúc mắc này, đảm bảo tinh thần an toàn mới được sản xuất", Phó chủ tịch Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Trước đó, nói về lộ trình nới lỏng trên địa bàn TP, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, TP đang tính đến nới lỏng ở vùng vàng, nơi tập trung các khu công nghiệp, khu kinh doanh, sản xuất lớn. Vùng vàng sẽ giúp doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn nhanh chóng quay lại hoạt động.
Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, kịch bản chi tiết cho việc nới lỏng đang được các đơn vị xây dựng. CDC sẽ đánh giá từng vùng, từng khu vực theo mức độ nguy cơ để tham mưu cho TP phương án nới lỏng.
Thay vì chia vùng giãn cách rộng như hiện nay, CDC đang tham mưu giãn cách theo quy mô xã, phường hoặc thậm chí thấp hơn nữa sau ngày 21.9.
Vấn đề được người dân quan tâm hiện nay là sau 50 ngày giãn cách toàn thành phố, thì loại hình dịch vụ nào sẽ được ưu tiên mở lại đầu tiên?
Hiện TP vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về việc mở lại các hoạt động dịch vụ nào. Nhưng theo các lộ trình phòng chống dịch trước đây, thành phố sẽ nới lỏng từng dịch vụ. Dịch vụ nào thiết yếu, an toàn mở trước, vừa làm vừa đánh giá an toàn để mở thêm các dịch vụ khác.
Theo đó, dịch vụ thiết yếu như bán đồ ăn mang về sẽ được ưu tiên mở trước. Các cửa hàng ăn uống nếu mở lại cũng phải bảo đảm giữ khoảng cách, phải có tấm chắn cho người ngồi. Sau đó sẽ là các quán cà phê, dịch vụ cắt tóc, gội đầu được mở lại. Dịch vụ karaoke, massage, vũ trường... sẽ trong nhóm được mở lại sau cùng.
Trong đợt dịch 4 (từ ngày 27.4), Hà Nội có 3.842 ca mắc COVID-19, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.246 ca.
Về công tác tiêm chủng, trong ngày 14.9, Hà Nội đã tiêm được 232.969 mũi vắc xin phòng COVID-19. Qua 16 đợt tiêm chủng, toàn thành phố đã tiêm được 4.961.708 mũi tiêm. Với 5.359.676 liều vắc xin được cấp, Hà Nội đạt tiến độ 84,5% (số mũi tiêm/tổng số vắc xin được cấp).