Đừng ép F0 tự điều trị khỏi COVID-19 phải đi tiêm vắc xin

Góc bình luận - Ngày đăng : 14:00, 15/09/2021

Các F0 tự điều trị khỏi đang rất sốt ruột việc được cấp thẻ xanh để trở lại cuộc sống bình thường, nhất là khi những người xung quanh nhờ tiêm 2 mũi được cấp thẻ xanh.

Trong thời gian qua, người dân TP.HCM đang hết sức quan tâm về quy định thẻ xanh COVID đối với người đã tiêm 2 mũi, thẻ vàng COVID với người đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19. Lãnh đạo TP.HCM cũng úp mở về khả năng sẽ sử dụng thẻ xanh/thẻ vàng COVID (chứng nhận điện tử dưới dạng mã QR - QR code) làm công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát các thành phần dân cư trong quá trình mở cửa phục hồi kinh tế sau ngày 15.9. Nói tóm lại, thẻ xanh được nhiều người cho là một tấm giấy thông hành giúp họ được tự do ra đường nhiều hơn khi thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách.

Ngoài hàng triệu người trong diện được cấp thẻ xanh nhờ tiêm 2 mũi thì còn đối tượng được cấp thẻ xanh là các F0 đã điều trị khỏi. Theo một vài nghiên cứu thì các F0 khỏi bệnh có kháng thể cao gấp nhiều lần so với người tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên việc họ được cấp thẻ xanh là xác đáng.

Chỉ có điều trong số các F0 khỏi bệnh thì ngoài những người được điều trị ở khu tập trung cách ly còn nhiều F0 điều trị tại nhà. Trong số điều trị tại nhà thì lại tạm chia ra làm 2 lớp: F0 có khai báo thành công với địa phương và một số lượng không đo đếm được các F0 tự điều trị, tự khỏi. Không thể trách các F0 tự mầy mò điều trị vì không ít người trong số họ gặp vướng mắc khi khai báo tình trạng sức khỏe với địa phương và bản thân địa phương cũng quá ít người để chăm lo đầy đủ cho các F0 trên địa bàn.

Lớp đối tượng này đang trở thành đề tài tranh cãi và các chuyên gia nêu ra 2 phương án chính giải quyết việc cấp thẻ cho F0 tự điều trị khỏi. Thứ nhất là xét nghiệm kháng thể để xác định; Thứ hai là tiêm vắc xin bất kể nhiễm hay chưa.

Liên quan 2 phương án này, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho rằng việc làm xét nghiệm kháng thể là một điều rất mới, ngay cả trên thế giới cũng chưa có khuyến cáo làm xét nghiệm kháng thể để xác định đúng là đã nhiễm hay chưa. Ông Thượng cũng cho biết, điều này rất khó xác định và ngành Y tế sẽ trao đổi thêm với các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ học để sớm tham mưu cho thành phố.

Ông Thượng cho rằng, tốt nhất là nên tiêm vắc xin để tránh mất thời gian, công sức, tiền bạc trong làm xét nghiệm kháng thể. “Nếu thực sự có mắc trước đó thì cũng không có chống chỉ định tiêm vắc xin. Chỉ có điều, nếu thực sự mắc rồi thì kháng thể trong người có rồi. Có tiêm cũng sẽ hơi lãng phí vắc xin thôi. Nhưng chúng ta vẫn có thể tiêm vắc xin được chứ không nhất thiết phải chờ sau 6 tháng. Chúng tôi sẽ sớm có hướng dẫn này” – Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói.

Cho đến tối 14.9, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết hiện TP.HCM vẫn chưa quyết định phương án cuối cùng để xác định và cấp thẻ xanh COVID cho trường hợp F0 cách ly tại nhà, tự điều trị (nên không có giấy xác nhận cách ly). Hiện TP.HCM vẫn đang chờ xin ý kiến.

Các F0 tự điều trị khỏi đang rất sốt ruột việc được cấp thẻ xanh để trở lại cuộc sống bình thường. Sự sốt ruột đó còn lớn hơn khi thấy những người xung quanh nhờ tiêm 2 mũi được cấp thẻ xanh, được quyền đi lại tìm kiếm công việc sớm. 

Việc chờ xét nghiệm kháng thể để làm cơ sở cấp thẻ xanh qua lời các quan chức có vẻ khá mờ mịt. Nếu không có cách trấn an, phương án rõ ràng cho họ thì họ sẽ không còn cách nào khác để kiếm thẻ xanh là đi tiêm vắc xin  bất chấp khuyến cáo của Bộ Y tế là không tiêm vắc xin cho người vừa khỏi bệnh COVID trong vòng 6 tháng. Việc tiêm vắc xin bất chấp như vậy sẽ khiến lãng phí vắc xin trong lúc chúng cần tiết kiệm, cần tiêm đúng đối tượng cần vắc xin hơn.

Quan trọng hơn là việc tiêm vắc xin cho các F0 tự điều trị khỏi vẫn có những rủi ro. Không cần phải giỏi y học lắm cũng có thể thấy việc xét nghiệm kháng thể sẽ không gây ra nguy hiểm, biến chứng như tiêm vắc xin vào người từng nhiễm COVID mới khỏi trong thời gian ngắn. Hãy tạo con đường dễ dàng trở lại cuộc sống cho các F0 đã phải tự mình chống chọi với bệnh dịch thay vì ép họ phải đi vào lối mòn nhiều rủi ro. Rộng hơn, hãy tạo những con đường dễ dàng cho tất cả người dân đủ điều kiện sức khỏe hòa nhập thật nhanh với đời sống kinh tế xã hội như tinh thần “thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Về ý kiến tiêm vắc xin cho người mắc COVID-19 (F0) đã khỏi bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên hồi đầu tháng 9 cho biết đã giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá để hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh trước mắt, việc tiêm vắc xin COVID-19 vẫn thực hiện theo Quyết định 3802, trong đó người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng.

Trước đó, ngày 10.8, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong đó có bổ sung, điều chỉnh một số nhóm đối tượng trong khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Theo Hướng dẫn mới này, Bộ Y tế yêu cầu không tiêm cho người có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn là có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.

Anh Tú