Tòa án ứng dụng CNTT: Thuận lợi cho người dân, phù hợp thời đại số
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:05, 15/09/2021
Chuyên nghiệp hóa hoạt động của tòa án
Giữa tháng 7.2021, Chánh án TAND tối cao và Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử.
Theo Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số phải luôn hướng tới người dân. Việc xây dựng các nền tảng hỗ trợ người dân nên được coi là công việc của tòa án. Trong chuyển đổi số tòa án, nội dung quan trọng là chuyển đổi số đối tượng phục vụ. Công khai án và án lệ để người dân có thể truy cập qua mạng là bước đầu tiên. Một trợ lý ảo để người dân có thể hỏi về các vấn đề pháp lý là bước tiếp theo…
Trả lời câu hỏi của PV Một Thế Giới, theo ông Lê Hồng Quang – Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị, chủ trương tăng cường ứng dụng CNTT được TAND tối cao xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình cải cách hành chính tư pháp, để kịp thời thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
Tại TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị, việc ứng dụng CNTT bước đầu giúp cho các hoạt động của tòa án được thực hiện một cách chuyên nghiệp, công khai, minh bạch hơn, giảm bớt khối lượng công việc hành chính của tòa án.
Cụ thể, xây dựng hệ thống truyền hình phiên tòa trực tuyến gồm 1 điểm cầu trung tâm tại Tòa án tỉnh và 9 điểm cầu tại các tòa án cấp huyện; kết nối chia sẻ đến Viện KSND tỉnh và 9 viện KSND cấp huyện; đồng thời kết nối đến Ban Nội chính Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh.
Trang thông tin điện tử của các tòa án tạo dựng kênh giao tiếp điện tử, giúp người dân dễ dàng theo dõi hoạt động của tòa án; tra cứu các bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật đã được công khai; tra cứu các văn bản pháp luật, án lệ... Tổng số lượt truy cập tính đến nay gần 68 ngàn lượt.
Tòa án đã thực hiện số hóa việc lưu trữ hồ sơ các vụ án hình sự, qua đó việc quản lý hồ sơ được khoa học; việc tra cứu, cung cấp bản sao, trích lục được thuận tiện, dễ dàng hơn…
Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: “Ưu điểm nổi bật nhất khi tòa án ứng dụng CNTT trong hoạt động là thay đổi phương thức làm việc thủ công qua phương thức hiện đại. Hoạt động chia sẻ thông tin, tra cứu pháp luật, tìm kiếm án lệ hết sức nhanh chóng và minh bạch”.
Ngoài ra, ông Quang cũng cho biết thêm, trên nền tảng CNTT được trang bị, tòa án đã xây dựng một chương trình theo dõi thụ lý, thống kê tổng hợp, phân công giải quyết án, thiết lập biểu đồ, tiến độ giải quyết án của từng loại án và từng thẩm phán để tăng cường đẩy nhanh tiến độ giải quyết án…
Cần thiết phải có cán bộ chuyên trách về CNTT
Tại hội nghị chuyển đổi số ngành tòa án, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng những người xuất sắc nhất của tòa án sẽ phải tham gia cùng với những người làm công nghệ, để đưa tri thức vào hệ thống.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hồng Quang chia sẻ: “Xây dựng tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại số hiện nay. Thông qua quá trình áp dụng pháp luật và thực hiện các hoạt động tố tụng trên nền tảng số, các tri thức và kinh nghiệm sẽ được đưa vào hệ thống để toàn bộ công chức ngành tòa án cùng sử dụng, cùng chia sẻ”.
Trao đổi kỹ hơn về nguồn nhân lực CNTT tại TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị, Chánh án Lê Hồng Quang thẳng thắn cho rằng hiện nay nguồn nhân lực về CNTT của TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị còn rất thiếu và yếu, phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ công tác khác nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai ứng dụng CNTT tại các tòa án.
Để khắc phục tình hình này, theo Chánh án Quang, lãnh đạo tòa án luôn động viên cán bộ kiêm nhiệm, đồng thời giao trách nhiệm cho các cán bộ nghiệp vụ phải học hỏi và nắm vững kiến thức CNTT để có thể xử lý những công việc liên quan đến nghiệp vụ có ứng dụng CNTT trong hoạt động.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần thiết phải có một cán bộ chuyên trách về CNTT tại từng đơn vị tòa án”, Chánh án tòa Quảng Trị nhận định.
Trong thời gian tới, theo Chánh án Lê Hồng Quang, điều quan trọng nhất là phải xây dựng nguồn nhân lực về CNTT bằng cách tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực hiện có từ thư ký, thẩm tra viên, thẩm phán. Tiếp tục quan tâm hơn nữa việc tăng cường ứng dụng CNTT; đổi mới thủ tục hành chính tư pháp; nâng cấp hạ tầng CNTT; tiếp tục thực hiện công khai bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án trên cổng thông tin điện tử.
Ngoài ra, tòa án cũng có kế hoạch ứng dụng hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến để triển khai đối thoại trực tuyến trong giải quyết các vụ án hành chính; triển khai thực hiện việc nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ từ đương sự, thực hiện cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; tổ chức nhiều phiên tòa trực tuyến, ứng dụng CNTT vào phòng xét xử thân thiện…