Hiểu câu thành ngữ 'Kẻ ăn rươi, người chịu bão'

Giáo dục - Ngày đăng : 09:34, 18/11/2017

Rươi là món ăn ngon, đặc sản, ít có. Hải Dương và Hải Phòng miền nước lợ lãnh địa Dương Kinh nhà Mạc cũ, là lãnh thổ của rươi. Tôi ở quê Kinh Môn (Hải Dương) lắm rươi, mọi khi cữ tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm là hay về quê kiếm bữa rươi tươi. Lại nhớ câu thành ngữ.
Con rươi như con sâu nhưng đã ăn nó là ghiền - Ảnh: Internet

Rươi là món mỗi năm chỉ có một lần khoảng 2 tuần hiện ra cho người ta bắt. Ngày xưa chỉ có ăn một khoảng cữ ấy thôi. Mùa rươi tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng năm âm lịch. Liên quan đến rươi, từ xa xưa có câu thành ngữ "Kẻ ăn rươi, người chịu bão".

Đây là một câu thành ngữ, tôi thường nghe từ bé ở vùng rươi. Không biết vùng khác có không? Chắc là có, vì từ điển đều nhắc đến.

Câu này cũng là một câu mà Hoàng Tuấn Công sửa từ điển Nguyễn Lân. Không phải ai cũng hiểu đúng ý thành ngữ. Đơn cử 3 tài liệu sau.

Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân): "Kẻ ăn rươi, người chịu bão (Mùa rươi là mùa hay có bão) như câu "Kẻ ăn ốc người đổ vỏ". Lời phàn nàn là phải chịu hậu quả một việc làm đem lại quyền lợi cho người khác hưởng".

Từ điển tục ngữ Việt của GS Nguyễn Đức Dương diễn giải: “Kẻ muốn ăn rươi nhưng lại bắt người khác phải dầm mưa bão để vớt về cho mình. Hay dùng với ẩn ý: nh. Ngồi mát ăn bát vàng".

Bách khoa tri thức (bachkhoatrithuc.vn): "Phản ánh một tình trạng bất công trong xã hội: Người này thì được nhàn nhã sung sướng, trong khi người khác lại phải đương đầu với khó khăn, nguy hiểm mà lại chẳng được gì".

Cả ba từ điển trên đây, theo tôi, đều hiểu sai từ "chịu bão". Họ nghĩ rằng bão ở đây là bão gió, là mưa gió bão bùng... Cho nên phiên dịch theo suy đoán.

"Bão" là từ cổ của từ "đau". Bão ở đây nghĩa là đau. Đơn giản thế thôi. Nhưng tại sao lại thế? Chỉ có người ở vùng rươi mới chứng kiến và cảm nhận được.

Trong năm, rươi nổi vào một dịp ngắn ngủi cỡ 20.9 đến 5.10 âm lịch, du di khoảng đó chứ không đúng chính xác. Đó là một khoảng thời gian chuyển mùa. Người trẻ bị bệnh xương khớp và các cụ già thường bị đau xương cốt vào thời gian chuyển mùa, trùng với khoảng có rươi. Hồi tôi còn thiếu nhi, cữ này thấy ông tôi bảo: đêm qua đau người, chắc mai có rươi. Y như rằng, mai có rươi.

Thời tiết cữ có rươi rất đặc trưng. Trời có mây, bất chợt mưa nhỏ ào qua mau rồi tạnh, gọi là "mưa rươi". Sông dâng nước lớn, thường dịp này là sau khi có mưa lớn ở nguồn, gọi là "con nước rươi". Xưa nước tràn vào đồng bãi đến đâu, rươi nổi đến đó rồi trôi ra sông.

Từ hiện tượng khách quan thiên nhiên, đến con người bị thiên nhiên tác động mà có câu thành ngữ. Nghĩa đen dĩ nhiên đúng như vậy. Nhưng không có nghĩa là người chịu bão thì không ăn rươi. Nhưng thành ngữ thì đi vào đời sống với nghĩa bóng, nghĩa rộng. Cùng hoàn cảnh như nhau, người thì hưởng lợi, người thì chịu thiệt. Hơn thua ở đây đơn thuần là số, là ông trời sắp đặt, không có quan hệ gì giữa người ăn rươi và người chịu bão.

Tất cả nghĩa lý của nó chả liên quan gì đến chuyện 3 bộ từ điển trên đây giảng giải. Nghĩa khác xa câu "ăn ốc, đổ vỏ". Cũng chả liên quan đến chuyện trời hay có bão gió. Muốn hiểu thành ngữ là phải hiểu đời sống của nó, đoán mò câu chữ sẽ sai ngớ ngẩn. Câu này anh Hoàng Tuấn Công chỉnh sửa đúng.

Dân gian còn câu "đau bụng đau bão", khi đánh cảm theo kinh nghiệm bẻ giật một túm cơ ở chỗ khớp xương sống gọi là "bẻ bão". Đó đơn giản là "chữa đau". Những từ cổ chỉ còn tồn tại trong thành ngữ.

Tôi nay đã đến tuổi gần bằng tuổi ông tôi khi xưa. Cữ này chuyển mùa cũng hay bị bão. Đau mình mẩy, đau đầu ê ẩm. Biết là ở quê đang có rươi. Lại than "kẻ ăn rươi, người chịu bão".

Nguyễn Xuân Hưng