Bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường số, đảm bảo an toàn thông tin

Thế giới số - Ngày đăng : 18:40, 15/09/2021

Việc chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Bộ TT-TT đang lấy ý kiến góp ý của người dân với dự thảo Nghị định về chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo dự thảo, nguyên tắc triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, bao gồm tuân thủ theo một mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số; đáp ứng nhu cầu, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm động lực thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động của cơ quan nhà nước.

Được triển khai một cách tổng thể, toàn diện, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Định hướng mở để mọi tổ chức, cá nhân có thể tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước.

Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển các nền tảng để cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng tại mọi nơi. Kết hợp mô hình tập trung và phân tán, tuân thủ Khung kiến trúc tổng thể chính phủ số quốc gia và các kiến trúc chính phủ số của các bộ; các kiến trúc chính quyền số của các tỉnh.

bao-ve-du-lieu-ca-nhan-tren-moi-truong-so-dam-bao-an-toan-thong-tin.jpg
Việc chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước phải tuân thủ các quy định của pháp luật - Ảnh: Internet

Theo đó, dự thảo của Bộ TT-TT đề cập tới tính công khai, minh bạch thông tin trên môi trường số. Cụ thể, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp công khai, minh bạch, kịp thời, đầy đủ và chính xác trên môi trường số những thông tin theo quy định của Luật tiếp cận thông tin; pháp luật về phòng chống tham nhũng và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật về công khai, minh bạch thông tin.

“Việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và bí mật cá nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan”, dự thảo nêu rõ.

Liên quan đến nội dung Bảo vệ dữ liệu cá nhân do cơ quan nhà nước nắm giữ trên môi trường số, theo Bộ TT-TT, cơ quan nhà nước thu nhập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường số phải thực hiện theo quy định tại Luật CNTT, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các văn bản pháp luật liên quan để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân, bao gồm thông báo cho cá nhân biết về việc thu thập thông tin cá nhân của họ; có cam kết giữa cá nhân và bên thu thập, sử dụng thông tin cá nhân. Thông báo mục đích sử dụng thông tin cá nhân; giám sát quá trình xử lý thông tin cá nhân; ban hành thủ tục kiểm tra, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân; các biện pháp kỹ thuật khác.

Cơ quan nhà nước nắm giữ thông tin thuộc bí mật cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ những thông tin đó và chỉ được phép cung cấp, chia sẻ cho bên thứ ba có thẩm quyền trong những trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, dự thảo của Bộ TT-TT nhấn mạnh tới việc chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về CNTT đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế.

Các tổ chức, cá nhân cung cấp hạ tầng và nền tảng số phải bảo đảm thông tin đáng tin cậy, an toàn, phát triển hệ thống nền tảng, hạ tầng, mạng lưới gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng, có khả năng tự sàng lọc, phát hiện tấn công. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để phục vụ các hoạt động bảo đảm an toàn an ninh mạng…

Thu Anh