Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo qua app, ví điện tử trong mùa dịch
Sự kiện - Ngày đăng : 20:30, 15/09/2021
Giả mạo gói hỗ trợ khó khăn để lừa đảo
Ví điện tử MoMo mới gửi thông báo cho khách hàng cảnh báo về việc nhiều người lợi dụng sự cả tin của người dùng, cùng những nhu cầu và khó khăn về tài chính trong mùa dịch để giả mạo MoMo thực hiện các hành vi lừa đảo. Cụ thể, những ngày gần đây, nhiều người trong đó có người dùng ví MoMo nhận được email về “Gói cứu trợ COVID - Chung tay vượt qua đại dịch”.
Tuy nhiên, ví MoMo khẳng định hiện nay công ty không có chương trình nói trên. Mục tiêu của các kẻ lừa đảo là lấy thông tin gồm mật khẩu và mã xác thực (OTP) để chiếm đoạt tiền trong ví điện tử. Ngoài ra, với các thông tin cá nhân có được, các kẻ lừa đảo có thể dùng để vay tiền tại các tổ chức và các ứng dụng khác. Khi đó, người dùng bị lấy cắp thông tin cá nhân sẽ phải “gánh” khoản nợ của kẻ lừa đảo.
Ngoài ra, kẻ lừa đảo có thể gửi email giả tạo hoặc gọi điện thoại giả danh MoMo để lấy thông tin người dùng. Vì vậy, để bảo vệ tài khoản cá nhân, MoMo khuyến nghị người dùng nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, mã xác thực cho bất kỳ ai (kể cả bạn bè, người thân). Đồng thời, người dùng tuyệt đối không truy cập vào link lạ. Nhân viên MoMo không bao giờ đề nghị người dùng cung cấp mật khẩu, OTP dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi đề nghị cung cấp thông tin này đều là lừa đảo.
Tương tự, Vietcombank cũng đã có cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khách hàng nhận gói hỗ trợ khi gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhằm chiếm đoạt tài khoản. Theo Vietcombank, kẻ lừa đảo mạo danh ngân hàng gửi email thông báo cung cấp gói hỗ trợ và yêu cầu khách hàng truy cập đường link để nhận gói hỗ trợ này. Đường link dẫn tới website giả mạo trang đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Tuy nhiên, Vietcombank khẳng định không bao giờ liên hệ với khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin định danh, mật khẩu, mã xác thực OTP (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.
Cảnh giác với chiêu lừa đảo qua app
Theo Công an TP.HCM, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người gặp nhiều khó khăn về tài chính, kẻ lừa đảo đã sử dụng không ít chiêu thức lừa đảo qua app để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, những người lừa đảo đăng tin quảng cáo kiếm tiền tại nhà bằng cách tham gia các app quảng cáo trên mạng với 4 nhiệm vụ: khu thực tập, khu sơ cấp, khu trung cấp và khu cao cấp tương ứng với mức hoa hồng lần lượt 2%, 3%, 4%, 7%. Tiếp đó, nạn nhân phải nạp tiền giá trị thấp (dưới 2 triệu đồng) để thực hiện các nhiệm vụ ở “khu thực tập” hoặc “khu sơ cấp”. Trong thời gian khoảng 10 phút thì mới kiếm được tiền lời và số tiền này được chuyển về tài khoản của nạn nhân.
Sau đó, do hám lợi nên một số nạn nhân tiếp tục nạp số tiền lớn hơn để thực hiện các nhiệm vụ ở “khu trung cấp” và “khu cao cấp”, nhưng sẽ không rút được tiền về tài khoản. Lúc này, app yêu cầu nạn nhân nộp thêm tiền vào tài khoản thì mới rút được tiền về tài khoản. Tuy nhiên, càng nộp tiền thì nạn nhân càng bị mất thêm tiền.
Một thủ đoạn tương tự là nạn nhân phải nộp tiền thật để mua các gói hàng trên website có giá trị từ 300.000 đồng đến 300 triệu đồng. Nếu mỗi ngày có được 60 đơn hàng, nạn nhân sẽ được hưởng lãi từ 4-5%/ngày; sau 1 tháng tài khoản sẽ được nhân đôi.
Để mở rộng hệ thống, những mô hình trên các app này đã đưa ra các loại hoa hồng môi giới theo mô hình kim tự tháp. Khi giới thiệu được người mới tham gia, theo tỷ lệ F0 hưởng 16% trên tổng số giá trị đơn hàng F1 nhận được, tương tự F1 nhận được 8% hoa hồng F2.
Công an TP.HCM khẳng định đây chỉ là những chiêu trò huy động tiền trái phép có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các website này được các đối tượng ẩn danh tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và có trụ sở tại Việt Nam. Bản chất của những mô hình này là không có hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng mà hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước.
Do vậy, Công an TP.HCM đề nghị người dân cảnh giác, không tham gia vào các app quảng cáo trên mạng được giới thiệu như “Thương mại điện tử” đến từ nước ngoài với mục đích đầu tư mà không rõ nguồn gốc, độ xác thực.