Người Việt và nghệ thuật chiến tranh đánh bại quân của Tần Thủy Hoàng
Giáo dục - Ngày đăng : 13:11, 11/12/2017
Kỳ 1: Người Việt trước đêm đánh bại cuộc xâm lược của Tần Thủy Hoàng
Kỳ 2: Tần Thủy Hoàng nhập nhèm chuyện biên giới với người Việt
Kỳ 3: Tần Thủy Hoàng: Từ xây Vạn lý trường thành đến gây sự với người Việt
Kỳ 4: Thực hư đạo quân 50 vạn của Tần Thủy Hoàng gây chiến với người Việt
Kỳ 5: Tần Thủy Hoàng và toan tính đưa 3 vạn phụ nữ không chồng xuống đất Việt
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước thời Chiến quốc thì đã có ý định rõ ràng về việc lấn đất về phía Nam, nơi người Việt sinh sống bằng việc mở quận huyện mới và thi hành chính sách di dân xuống. Tuy không phải đạo quân đông đảo đến 50 vạn nhưng khả năng vài ba vạn là có cơ sở đáng tin cậy.
Thời điểm đó, do chiến tranh liên minh trong suốt 400 năm thời Xuân Thu – Chiến quốc thì trình độ quân sự ở Trung Nguyên đã được đẩy lên mức cao. Thợ rèn của Trung Quốc đã có thể tạo ra những thanh kiếm tốt là do nắm được công nghệ luyện kim để chế tạo ra các vật dụng bằng sắt cứng. Nếu thời Xuân Thu, các trận chiến thường chỉ có vài trăm cỗ xe ngựa kéo tham gia thì đến cuối thời Chiến quốc, đã có thể huy động cả chục vạn quân cho một chiến dịch quân sự. Đặc biệt thời Chiến quốc thì bắt đầu xuất hiện kỵ binh do Triệu Vũ Linh Vương học theo cách cưỡi ngựa của người Hồ phía bắc. Nhìn vào dàn tượng đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng với các chiến binh mặc giáp và cả kỵ binh hay xa kỵ thì chúng ta có thể hình dung về sức mạnh đạo quân nhà Tần khi ấy.
Phương tiện vũ khí chiến tranh được phát minh liên tục được phát triển, nâng cấp. Thời Chiến Quốc, Lỗ Ban đã phát minh ra những vũ khí công thành hiệu quả cho nước Sở như thang mây chuyên để phá thành cao. Sách Mặc Tử, thiên Công Thâu chép: “Công Thâu Ban làm thang mây cho nước Sở xong, sắp đem đi đánh Tống. Mặc Tử nghe tin, bèn đi suốt mười ngày mười đêm từ nước Lỗ đến kinh đô của nước Sở để yết kiến Công Thâu Ban. [...] Mặc Tử cởi đai lưng giả làm thành, lấy thẻ tre giả làm khí giới. Công Thâu Ban chín lần bày cách đánh thành giả ấy nhưng Mặc Tử chín lần cự lại. Công Thâu Ban dùng hết khí giới đánh thành mà Mặc Tử thì còn cách chống giữ. Công Thâu Ban chịu thua”. Câu chuyện đọ trí giữa Công Thâu Ban (có sách chép đó chính Lỗ Ban) và Mặc Tử đã phần nào cho thấy về quy mô phát triển phương tiện quân sự tại Trung Nguyên thời Chiến Quốc.
Về học thuyết quân sự, thời Xuân Thu đã có nhà tư tưởng quân sự giỏi như Tôn Vũ, đến thời Chiến quốc lại có Ngô Khởi và các bộ binh thư nổi tiếng như Binh pháp Tôn Tử, Binh pháp Ngô Tử. Riêng nhà Tần thì lúc đó hấp thu tinh hoa hết của các nước thời Chiến Quốc nên trình độ quân sự có thể coi là cao bậc nhất thế giới thời kỳ đó (tiếc là không có cuộc đọ sức với quân đội La Mã tinh nhuệ để so sánh).
Trong khi đó, người Việt khi đó đang ở cuối thời Hùng vương. Các di vật khảo cổ cho thấy thời đại đó, người Việt vẫn dùng đồ đồng là chủ yếu. Người Việt khi đó cũng phải trải qua chiến tranh nhưng chỉ ở mức quy mô nhỏ chứ không thể huy động vài vạn người. Ấy vậy mà người Việt đã đánh bại được sự xâm lấn của quân Tần. Tất cả là nhờ chiến tranh trường kỳ và nghệ thuật đánh du kích.
Quân Tần không thể triển khai những chiến dịch quân sự quy mô khi bành trướng xuống phía nam, lấn đất của người Việt. Ngoài việc giao thông khó khăn, hậu cần thiếu thốn thì địa bàn ở khu vực phía nam cũng không đủ lớn để tiến hành dùng xa kỵ hay kị binh. Hơn nữa, quân Tần có muốn tìm người Việt để thực hiện một chiến quy mô là điều không thể vì người Việt không có thói quen dàn trận đánh quy mô mà chỉ thích phục kích, đánh tỉa. Do vậy, người phương Bắc chịu cảnh sa lầy không thể tiến sâu mà chỉ gắng giữ những vùng giáp ranh và phải trả giá bằng không ít sinh mạng do bị phục kích, bệnh tật...
Sách Đại cương Lịch sử Việt Nam chép: “Sau ba năm hành quân (kể từ 218 trước Công nguyên), quân Tần mới tiến đến đất Lĩnh Nam của người Việt. Đất Lĩnh Nam bấy giờ tương ứng với các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và là địa bàn sinh sống của người Mân Việt, Tây Âu V.V.. Năm 214 trước Công nguyên, với một lực lượng mạnh, quân xâm lược Tần đã chiếm được cả vùng Lĩnh Nam, giết chết tù trưỏng Tây Âu là Dịch Hu Tống, chia đất Lĩnh Nam thành 3 quận sáp nhập vào lãnh thổ đế chế Tần (3 quận là Nam Hải, Quế Lâm, Quận Tượng). Nhưng bây giờ người Việt Tây Âu không chịu khuất phục, kéo nhau chạy vào rừng, dưới sự chỉ huy của các tù trưởng chiến đấu chống lại quân Tẩn.
Từ Tây Giang, quân Tần đã tiến vào xâm lược nước Văn Lang. Người Tây Âu và người Lạc Việt đã chiến đấu rất ngoan cường. Họ rút vào rừng "Không ai chịu để cho quân Tần bắt" ngày ẩn, đêm đánh phá quân xâm lược, dựa vào các chiềng, chạ, tận dụng địa hình địa vật hiểm trở là núi rừng để chiến đấu lâu dài, tiêu hao binh lực địch. Cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân Tây Âu và Lạc Việt đã làm cho quân Tần tiến thoái lưỡng nan "lương thực bị tuyệt và thiếu, đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được mà thoái cũng không xong".
Năm 210 trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng mất. Không lâu sau, Trung Nguyên lại xảy ra đại loạn nên nhà Tần không còn tâm trí đâu mở rộng bành trướng xuống phía nam. Cuộc kháng chiến trường kỳ chống Tần của người Việt coi như thắng lợi. Và trong các cuộc chiến chống phương Bắc sau này, ông cha ta cũng phát huy lại những bài học từ chiến tranh du kích, kháng chiến trường kỳ để giành thắng lợi trước đối phương được trang bị phương tiện quân sự hùng hậu hơn hẳn.
Anh Tú