Đằng sau việc truyền thông Trung Quốc bất ngờ hạ giọng công kích Mỹ
Góc nhìn - Ngày đăng : 16:00, 17/09/2021
Đây là cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của hai nước trong 7 tháng, và có vẻ như đã nhận được phản ứng khá tích cực từ phía truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc. "Lần này, ông Biden đã cho thấy sự chân thành", một tờ báo Trung Quốc viết.
Ông Katsuji Nakazawa, nhà phân tích của Nikkei Asia nhận định rằng, điều mà tất cả mọi người đều quan tâm là liệu sẽ có một cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sắp tới hay không nhất là trong thời điểm Trung Quốc đang chuẩn bị cho phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới - mang tính quan trọng trong và tạo bản lề cho Đại hội Đảng toàn quốc sẽ diễn ra vào 2022.
Phiên họp diễn ra trong tháng 11, thời điểm khá trễ so với các phiên họp khóa trước, thường diễn ra vào cuối tháng 10. Có thể hiểu sự chậm trễ là biểu hiện của sự chuẩn bị căng thẳng, hậu trường dẫn đến một sự kiện khá trọng đại trong chính trường Trung Quốc.
Sau khi các chi tiết về phiên họp lần thứ 6 được công bố, cũng là lúc ông Tần Cương, tân đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã đưa ra bài phát biểu đáng chú ý vào ngày 31.8 ở Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung, trụ sở tại New York.
Ông Tần báo hiệu ý định Trung Quốc mong muốn tạo ra một bước đột phá trong mối quan hệ vốn đang bị đình trệ với Mỹ. Dù được xem là một nhà ngoại giao có phong cách "chiến lang" - tức sẵn sàng đáp trả gay gắt các quan điểm của phương Tây, song những tuyên bố mà ông Tần đưa ra được cho là khá mềm mỏng so với mọi khi.
"Mỹ và Trung Quốc không nên để xảy ra những hiểu lầm, đánh giá sai lệch, xung đột hay đối đầu. Một số người tin rằng Trung Quốc đang có ý định đối đầu với Trung Quốc, và mục tiêu của chúng tôi là thách thức và thay thế vị trí của Mỹ. Đây là một nhận định sai lầm nghiêm trọng về các kế hoạch chiến lược của Trung Quốc", ông Tần cho hay.
Trước đó, trong một thông điệp đăng tải trên trang web Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ vào tháng 7, ông Tần cho rằng Mỹ và Trung Quốc nên "đối xử với nhau bằng sự tôn trọng và bình đẳng, theo đuổi chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi".
Vào ngày 1.9, Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị đã có cuộc đàm thoại trực tiếp với đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry, người đang có chuyến thăm đến thành phố Thiên Tân.
Một ngày sau, Phó Thủ tướng Thường trực Trung Quốc Hàn Chính, một trong bảy thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, và Ủy viên Bộ chính trị Dương Khiết Trì, cũng tổ chức một cuộc họp trực tuyến với ông Kerry.
Nhưng theo chuyên gia Katsuji Nakazawa, một điều cần phải lưu ý rằng trong suốt cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, chính nhà lãnh đạo Mỹ là người đã nêu lên tầm quan trọng của việc tránh những sự tính toán sai lầm và những xung đột không cần thiết, điều mà đại sứ Trung Quốc Tần Cương đã đề cập trước đó.
Không lâu sau cuộc điện đàm, Nhà Trắng thông báo rằng hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo từ 4 thành viên của nhóm “Bộ tứ Kim cương” (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc - dự kiến được tổ chức tại Mỹ vào ngày 24.9.
Hội nghị diễn ra với mục đích nhằm đối phó với một Trung Quốc đang “trỗi dậy”. Cuộc gọi của Tổng thống Biden với ông Tập được cho là một phần trong kế hoạch chuẩn bị của Bộ tứ nhằm đánh giá chính xác lập trường của ông Tập trước khi Mỹ gặp gỡ các đối tác của mình ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Dù cả ông Biden và ông Tập đều thống nhất sẽ tiếp tục đối thoại, khả năng hai bên gặp trực tiếp là chưa rõ ràng. Theo một số nguồn thạo tin nói với Nikkei Asia, Mỹ đang cân nhắc khả năng tổ chức cuộc gặp cấp cao Biden - Tập bên lề hội nghị lãnh đạo các nước G20, dự kiến sẽ diễn ra tại Ý vào cuối tháng 10. Nhưng Bloomberg đưa tin rằng ông Tập đã khước từ đề xuất này trong cuộc điện đàm. Trong khi đó, ông Biden nói với báo giới rằng thông tin về lời từ chối như vậy là không chính xác.
Ông Nakazawa cho rằng khả năng ông Tập thực hiện chuyến đi vào cuối tháng 10 dường như không mấy chắc chắn. Theo đó, sau khi kết thúc G20, ông Tập sẽ quay trở lại Trung Quốc và phải trải qua các bước cách ly theo quy định trước khi dự phiên họp toàn thể lần thứ 6. Lần cuối ông Tập rời Trung quốc là vào ngày 17 và 18 tháng 1 năm ngoái trong chuyến thăm Myanmar.
Trong khi anh đến thăm Myanmar, COVID-19 đang bắt đầu tàn phá Vũ Hán. Thời điểm bắt đầu bùng phát dịch bệnh trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc, một mùa cao điểm du lịch của hàng trăm triệu người. Từ Myanmar, ông Tập quay về tỉnh Vân Nam như kế hoạch. Và tại đây, ngày 20.1, ông đã đưa ra các chỉ đạo về chống dịch. Chính lúc đó, chính phủ Trung Quốc đã từ chối thừa nhận rằng việc truyền bệnh từ người sang người là “có thể xảy ra”.
Việc ông Tập không trở về Bắc Kinh ngay lập tức và không giữ vai trò trung tâm trong quá trình chống dịch những ngày đầu đã cho thấy một hậu quả nặng nề. Kể từ đó, ông Tập đã không có bất kỳ chuyến công du nước ngoài nào trong hơn 1 năm và 8 tháng qua.
Cho đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một trong số ít các lãnh đạo G20 vẫn chưa có các chuyến công du nước ngoài. Nhà phân tích Nakazawa lý giải rằng, một trong những lý do nhà lãnh đạo = Trung Quốc tránh đi ra nước ngoài nhằm “né tránh” việc đối mặt với những lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc COVID-19 từ cộng đồng quốc tế.
Tập Cận Bình đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lại COVID-19 ở Trung Quốc và muốn phần còn lại của thế giới khen ngợi chứ không phải chỉ trích. Ông cũng không muốn bị nhìn nhận như một nhà lãnh đạo đã thất bại trong việc kiểm soát mối quan hệ ngoại giao với nước Mỹ.
Ông Tập đã không đưa ra những nhượng bộ quan trọng với Mỹ vì sợ rằng “sẽ mất mặt”. Sở dĩ, nếu Tập Cận Bình tuân theo các yêu cầu của Mỹ, chính sách "một quốc gia mạnh" do chính ông đề xướng sẽ mất uy tín và điều đó có thể dẫn đến việc các lực lượng cánh tả, những người trung thành với các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội sẽ mất đi phần lớn sự ủng hộ.
Có một trở ngại lớn khác đối với ông Tập là Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ sẽ được tổ chức trực tuyến và chủ trì bởi Tổng thống Biden vào tháng 12 năm nay. Hội nghị thượng đỉnh sẽ quy tụ "các nguyên thủ quốc gia, xã hội dân sự, hoạt động từ thiện và khu vực tư nhân", theo Nhà Trắng. Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện vào tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết sẽ không loại trừ việc mời đại diện của Đài Loan tham dự. Nếu lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn tham dự, đây sẽ là một bước thụt lùi nghiêm trọng đối với chính quyền ông Tập Cận Bình vốn luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất.
Đây có thể là cú giáng mạnh khi nếu trước đó nhà lãnh đạo Trung Quốc có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Biden. Và nó sẽ là một yếu tố lớn có thể gây bất ổn trước sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc của Trung Quốc diễn ra vào năm sau ngay cả khi ông Tập khẳng định được vị thế của mình tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 vào tháng 11.