TP.HCM cấp bổ sung hơn 15.000 giấy đi đường cho các đơn vị
Sự kiện - Ngày đăng : 19:15, 17/09/2021
Tại đây, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, hiện lực lượng chức năng chỉ kiểm tra duy nhất 1 ứng dụng VNEID tại các chốt kiểm soát. Nếu ứng dụng bị lỗi, khi đó có thể quét mã QR để khai báo trên suckhoe.dancuquocgia.gov.vn. Trường hợp đặc biệt, công an có thể kiểm tra giấy đi đường.
Ngày 17.9, Công an TP.HCM ban hành công văn hướng dẫn số 3679 gửi công an các địa phương yêu cầu tham mưu UBND địa phương để hướng dẫn, tổ chức tiếp nhận giải quyết cho các doanh nghiêp được hoạt động trở lại, đồng thời cấp trên 15.000 giấy đi đường để bổ sung cho các đơn vị.
Theo ông Hà, Giám đốc Công an TP chỉ đạo công an địa phương phải trực cả thứ 7, chủ nhật và giải quyết thủ tục trong ngày cho các cơ quan, người dân. Công an TP cũng yêu cầu đơn vị cấp dưới phải có địa chỉ mail, số điện thoại… để người dân liên hệ.
Ngành lương thực, thực phẩm giảm 7,5%
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết ngành lương thực, thực phẩm 9 tháng qua gặp rất nhiều khó khăn do các đợt dịch.
Tốc độ phát triển giảm 7,5% so với cùng kỳ 2020 (cùng kỳ 2020 giảm 2,2% so với 2019). Tốc độ chung giảm nhưng nhóm chính liên quan đến cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhóm rượu bia, thực phẩm chế biến thức ăn nhanh giảm. Nhóm này có tỉ trọng cao trong nhóm ngành chế biến lương thực, thực phẩm.
Sở đã tham mưu trước mắt, thông qua Hội Lương thực, thực phẩm TP kiến nghị các giải pháp. Trong đó có kết nối với các địa phương, đơn vị cung ứng nhằm hỗ trợ tìm kiếm, bổ sung nguyên vật liệu cho lĩnh vực này. Theo đề xuất của Hội Lương thực thực phẩm TP, Sở đã cố gắng phối hợp hỗ trợ tiêm vắc xin, cấp giấy đi đường cho các đơn vị.
Về giải pháp lâu dài, Sở tham mưu lập Hội đồng phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm. Nhiệm vụ là đưa ra tất cả phương án, giải pháp định hướng, hỗ trợ từ đầu tư, sản xuất, khó khăn trong tiếp cận vốn, lao động.
Bộ Quốc phòng chưa có lệnh rút quân
Thông tin tại họp báo, thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố không đổi. Về quân số, do nhu cầu của công tác chăm sóc bệnh nhân thì Bộ Quốc phòng đã tăng 130 tổ quân y để phối hợp với y tế cơ sở, chăm lo cho bệnh nhân và người dân ở cơ sở. Trước đây là 400 tổ, hiện là 530 tổ quân y hỗ trợ người dân.
"Hiện, Bộ Quốc phòng chưa có lệnh rút quân, lực lượng quân sự tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, tinh thần là chiến thắng mới trở về", ông Phong nhấn mạnh.
Phương tiện tăng không nhiều nhưng tập trung đông tại chốt
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Phan Công Bằng cho biết theo ghi nhận của Sở, sau khi thành phố cho phép mở thêm một số hoạt động sau ngày 16.9, đặc biệt là 3 địa phương như quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ; shipper được hoạt động liên quận; cửa hàng, doanh nghiệp được phép hoạt động, người ra đường có đông hơn.
“Số lượng có tăng, nhưng chỉ tăng 5%, không lớn lắm. Lực lượng công an, quân đội kiểm tra rất nhanh, không xảy ra ùn tắc. Thật ra phương tiện không nhiều nhưng còn tập trung đông tại chốt, còn lưu lượng qua quan sát chúng tôi nhận thấy không đông”, ông Bằng nhận xét.
Liên quan các giải pháp, kế hoạch của ngành giao thông vận tải ở giai đoạn tiếp theo, ông Phan Công Bằng cho biết “Dự kiến sau 30.9, ngành giao thông vận tải TP xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong lĩnh vực. Bộ tiêu chí này đã được UBND TP.HCM phê duyệt”.