Ngạc nhiên về trình độ viết quốc ngữ của người Việt những ngày đầu

Giáo dục - Ngày đăng : 13:35, 04/12/2017

Các giáo sĩ người châu Âu đã tạo ra cuốn tự điển cực kỳ thuận lợi cho việc ghi chép ngôn ngữ của người Việt nhưng nó có phát huy hiệu quả hay không thì lại do chính người Việt quyết định.

Kỳ trước

Chữ quốc ngữ buổi đầu: Người Nhật chê, người Việt nhận

Để chữ quốc ngữ có thanh điệu, cần ghi công một cậu bé

Như đã trình bày trong các phần trước, việc cha Đắc Lộ in được cuốn tự điển Việt – Bồ - La vào năm 1651 là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển chữ viết quốc ngữ. Công trình này được nhiều nhà truyền giáo xây dựng đặt nền móng như cha Francisco Pina, cha Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa mà cha Đắc Lộ là người kế thừa, phát triển.

Tuy các giáo sĩ người châu Âu tạo ra cuốn tự điển cực kỳ thuận lợi cho việc ghi chép ngôn ngữ của người Việt nhưng trong các bản chép tay thời đó, ta có thể thấy các cha lại dùng không được trơn tru cho lắm. Thậm chí, nếu giờ được đọc cuốn “Phép giảng 8 ngày” in cùng năm 1651 của cha Đắc Lộ (được coi là sách văn xuôi tiếng Việt đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ) thì chúng ta chưa chắc đã hiểu được một cách trọn vẹn. Dẫu sao các cha cũng là người phương Tây, họ chỉ tạo ra công cụ để chuyển hóa cách ghi tiếng Việt bằng bộ chữ La Tinh. Còn vận dụng công cụ đó một cách hiệu quả và cải tiến để nó dần hoàn thiện là việc của chúng ta. Người Việt đã làm tốt chuyện này.

Sách Phép giảng 8 ngày được in năm 1651 - Ảnh: Internet

Chỉ 8 năm sau khi cuốn tự điển của cha Đắc Lộ được in, đã có những văn bản do người Việt viết chữ quốc ngữ khiến chúng ta ngày nay phải kinh ngạc. Chúng ta có thể đọc chúng một cách dễ dàng, không hề cảm thấy vấp váp chút nào. Chúng ta có thể thử đọc một bức thư của Thầy giảng Igesico Văn Tín viết ngày 12.9.1659 gửi cho linh mục Marani, hiện luu trữ tại Văn khố Dòng Tên La Mã được coi là văn bản quốc ngữ đầu tiên do người Việt viết.

Bức thư gồm 2 trang giấy: trang nhất viết trong khổ 17 X 25 cm có 34 dòng chữ cỡ trung bình, trang hai trong khổ 16 X 9 cm, có 11 dòng chữ, kể cả dòng chữ ký tên. Mời bạn đọc theo dõi bức thư của Igesico Văn Tín, sẽ biết nội dung, hiểu được trình độ chữ quốc ngữ và cách hành văn của ông.

Lậy ơn Đức Chúa Trời phù hộ Thầy bằng an lành linh hồn và xác. Từ năm Thầy trẩy về khỏi, thì hai Thầy ở lại chịu nhiều sự khó lắm, thì rằng chẳng có trẩy về song le cũng như về vậy, mà các Thầy trẩy về đến Macao thì đã xong. Song le hai Thầy hai Thầy ở bên này thì những chịu khó liên. Năm sau Thầy cả Miguel lại đến, thì nói những sự các Thầy phải tòng chịu khó là thế nào; tôi nghe rằng, Thầy chịu khó từ Hải Nam cho đến Macao thì tôi đau đớn; mà ngờ là Thầy ở nghỉ Macao, chẳng hay ý Đức Chúa Trời cho Thầy chịu khó hơn nữa là trẩy đi đàng xa khách (1) trở, lòng tôi càng trông nhớ Thầy liên. Đoạn tầu trẩy về thì tôi ước rằng còn Thầy ở Macao, lòng tôi muốn trẩy sang mà theo Thầy. Song le Thầy đã trẩy khỏi, thì tôi bây giờ như con mất cha, mà trăm đàng thì cậy một Thầy cả ở bên này. Người bảo tôi rằng, ngày sau tầu Olan trẩy về bên ấy thì sẽ viết một lời sang hầu Thầy, ơn Thầy xưa dạy dỗ tôi nhiều đàng, cho nên thành mà ráp cậy Thầy; cho nên chẳng hay bây giờ vắng Thầy, tôi càng buồn hơn nữa, mà ao ước cho được thấy mặt Thầy như con trông mẹ về cho được bú vậy. Muốn cho người ta được ơn Thầy nữa, chẳng hay Đức Chúa Trời chẳng cho, mà mở lòng cho Thầy đi phương khác thì hầu biết làm sao được. Ơn Thầy thương lấy tôi cùng, vì là kẻ có tội nhiều, chẳng đáng ở gần Thầy, thì phải làm một lời bằng thay mặt. Tôi kính lậy Thầy vậy.

“Sau nữa, sự bổn đạo bên này thì Thầy biết hết, cùng mọi sự khác đã có thư Thầy cả gưởi cho Thầy được biết, tôi hầu nói làm chi, cùng đả có thư nói trước. Sau nữa Kẻ Vó, ông Chưởng Minh nên (2) hai cái độc lắm, mà người đã biết mình chẳng đả, thì mời Thầy rửa tội cho tên là Josaphat, đoạn liền sinh thì. Mà con ông ấy tên là Vito, Đức Chúa lại cho chức cha ấy là ông Chưởng Minh. Còn sự ông Chưởng Trà thì đã có đạo cùng tên thánh ngày trước, song le chẳng giữ, nên liền phải liệt, chẳng cho bổn đạo đến cầu cho, liền mời bên đời đến chữa chẳng khỏi, mấy ngày liền chết; mà những họ hàng nhà ông ấy cùng anh em chung nhau làm quan hãy còn cầu nguyện, đến rầy chửa xong, cùng nhà thờ trong ấy thì nó làm hư hết. Ấy là sự bên này thì làm vậy.

“Còn sự Thầy cả Miguel ở Roma về mà đi tìm vua Vĩnh lịch, chẳng hay có giặc hu nu (Hung Nô – ám chỉ Mãn Thanh) đến phá dấy, mà vua chạy lên len rừng mà người đi tìm chẳng được, lại trở lại đấy, giờ là Văn Hương Chu. Người có thư cho Thầy cả mà xin xuống Kẻ chợ. Thầy cả liền dõi lệnh Chúa, Đức Chúa có cho xuống chăng, song le Đức Chúa chẳng cho. Người ở đấy độc nước, phải liệt, mà lại có thư cho Thầy cả. Bây giờ Thầy đi thăm ông Già Hán, ông ấy cũng chẳng cho. Đoạn cắt hai người lên thăm trên ấy, chẳng hay người đã sinh thì khỏi. Lòng Thầy cả tiếc cùng thương lắm. Ấy là bấy nhiêu. Đức Chúa Trời trả công cho Thầy đời này và đời sau. Mười hai tháng chín Đức Chúa Jêsu ra đời một nghìn sáu trăm năm mươi chín .

Tôi là Igesico Văn Tín”.

Lá thư của thầy giảng Igesico Văn Tín - Ảnh: chụp màn hình

Ở đây chúng ta không bàn đến nội dung bức thư hay chữ viết đẹp hay xấu mà cần thấy rằng một văn bản bằng chữ quốc ngữ đã được thể hiện một cách trơn tru, liền mạch. Cả một văn bản tương đối dài như vậy mà chỉ có 2 lỗi sai chính tả. Chỗ (1) cần viết là cách hay kách, chỗ (2) cần viết là lên chứ không phải nên. Nếu so với thư dùng chữ quốc ngữ mà các giáo sĩ ban đầu dùng thì có thể thấy thư của ông Igesico Văn Tín đã có một bước tiến nhảy vọt. Chữ quốc ngữ phát huy hiệu quả tuyệt vời trong tay người Việt trong thời gian cực ngắn, đó là những điều mà có lẽ những người phát minh ban đầu cũng khó hình dung.

Anh Tú

Bài viết có tham khảo thông tin từ cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 của ông Đỗ Quang Chính viết năm 1972