Vắc xin Moderna chống Delta tốt nhất, tăng khoảng thời gian giữa 2 liều Pfizer tạo nhiều kháng thể hơn

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:01, 18/09/2021

Đó là hai trong những nghiên cứu đáng chú ý gần đây về vắc xin ngừa COVID-19 của Moderna và Pfizer.

Đến gần đây, vắc xin COVID-19 của Moderna và Pfizer được coi là mũi tiêm có thể cung cấp khả năng bảo vệ chống lại bệnh tật và tử vong tương tự nhau. Song, báo cáo mới được công bố hôm 17.9 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy vắc xin của Moderna có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca nhập viện do COVID-19 tốt hơn so với các vắc xin khác được phê duyệt tại Mỹ.

Báo cáo cho thấy cả vắc xin của Moderna, Pfizer cũng như vắc xin Johnson & Johnson đều cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn đáng kể so với lúc chưa tiêm chủng.

Theo báo cáo, việc tiêm hai mũi vắc xin Moderna đã giảm 93% nguy cơ nhập viện từ tháng 3 đến tháng 8. Trong khi đó, tiêm 2 mũi vắc của Pfizer giảm 88% nguy cơ nhập viện so với cùng thời gian.

anh-chup-man-hinh-2021-09-18-luc-10.37.19.png
Một người dân Mỹ được tiêm vắc xin Moderna - Ảnh: Insider

Báo cáo tổng hợp dữ liệu từ 21 bệnh viện trên 18 tiểu bang của Mỹ xem xét khoảng 1.300 người đã được tiêm vắc xin đầy đủ và so sánh họ với khoảng 2.300 người chưa chủng ngừa. Trong số những người được tiêm chủng, 476 người đã tiêm vắc xin Moderna, 738 người tiêm Pfizer và 113 người tiêm Johnson & Johnson.

Delta đã trở thành biến thể thống trị tại Mỹ vào tháng 7, vì vậy dữ liệu này có thể bao gồm những người nhiễm Delta, Alpha hoặc các chủng phổ biến khác trong 6 tháng qua. Báo cáo không sàng lọc các biến chủng riêng lẻ.

Khả năng bảo vệ của vắc xin Pfizer giảm dần theo thời gian, còn Moderna thì hầu như không

Các tác giả của CDC cho biết khả năng bảo vệ của vắc xin Pfizer giảm dần theo thời gian, trong khi Moderna thì hầu như không. Vắc xin Pfizer giảm nguy cơ nhập viện 91% trong 4 tháng đầu tiên sau tiêm, khả năng bảo vệ giảm xuống 77% sau 4 tháng.

Tuy nhiên, cả vắc xin Moderna và Pfizer đều cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn so với tiêm một liều vắc xin Johnson & Johnson. Báo cáo cho thấy vắc xin Johnson & Johnson làm giảm nguy cơ nhập viện tới 71% trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8. Cả ba loại vắc xin vẫn cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh nặng và tử vong.

Phát hiện trên có thể “hướng dẫn các lựa chọn cá nhân và các khuyến nghị chính sách liên quan đến mũi vắc xin tăng cường”, các tác giả CDC viết. Một số chuyên gia y tế công cộng đã gợi ý rằng liều tăng cường có thể không cần thiết với những người đã tiêm vắc xin Moderna.

“Bằng chứng ban đầu có vẻ như hiệu quả của vắc xin Moderna được duy trì tốt hơn và đó là lý do vì sao chính quyền Tổng thống Joe Biden, FDA gợi ý rằng những người tiêm vắc xin Pfizer sẽ cần mũi vắc xin tăng cường hơn”, Chris Beyrer, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Hopkins Bloomberg, gần đây đã nói với Insider.

Hôm nay, ban cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã họp để quyết định xem có nên đề xuất mũi vắc xin tăng cường của Pfizer hay không. Theo đó, hội đồng này đã bác bỏ việc triển khai tiêm vắc xin tăng cường cho người từ 16 tuổi trở lên mà chỉ tiêm cho người cao tuổi và những người có nguy cơ cao mắc COVID-19. 

Vắc xin Moderna chống lại biến chủng Delta tốt nhất

Báo cáo của CDC đưa ra một số lý do giải thích tại sao vắc xin Moderna dường như mang lại hiệu quả ngăn ngừa cao các ca bệnh phải nhập viện. Thứ nhất, vắc xin Moderna chứa liều mRNA cao hơn Pfizer (100 microgam mRNA so với 30 microgam). Điều này có thể giải thích tại sao vắc xin của Moderna tạo ra kháng thể cao hơn của Pfizer từ 2 – 6 tuần sau khi tiêm.

Hai liều vắc xin Moderna cũng được tiêm cách nhau 4 tuần, cho phép nhiều thời gian hơn để tạo ra kháng thể. Hai liều vắc xin Pfizer được cách nhau 3 tuần.

Một nghiên cứu gần đây của Anh vẫn đang chờ sự đánh giá cho thấy vắc xin Pfizer có thể hoạt động tốt hơn với khoảng thời gian giữa hai liều kéo dài lâu hơn. Pfizer dường như tạo ra nhiều kháng thể hơn khi hai mũi được tiêm cách nhau từ 6 - 14 tuần so với cách nhau 3 – 4 tuần.

anh-chup-man-hinh-2021-09-18-luc-10.37.27.png
Vắc xin Moderna tạo ra kháng thể cao - Ảnh: Insider

Các nhà nghiên cứu khác cũng gợi ý rằng vắc xin của Moderna cũng có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhiễm biến chủng Delta.

Một nghiên cứu vào tháng 8 từ Phòng khám Mayo chưa được đánh giá đã phát hiện ra rằng vắc xin của Moderna đã giảm 86% nguy cơ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở Minnesota từ tháng 1 đến tháng 7. Vào tháng 7, khi biến chủng Delta chiếm hơn 70% số ca mắc COVID-19 ở Minnesota, mức bảo vệ đó đã giảm xuống còn 76%, mức giảm nhỏ so với Pfizer.

Vắc xin Pfizer đã giảm 76% nguy cơ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 từ tháng 1 đến tháng 7, nhưng sau đó mức bảo vệ giảm xuống còn 42%.

Đan Thuỳ