Pháp sẽ tìm đến ASEAN để lấy thể diện sau khi Úc hủy hợp đồng đóng tàu ngầm?

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:53, 18/09/2021

Tìm cách trả đũa Úc nhưng Pháp sẽ phải đi tìm kiếm mối quan hệ từ các nước khác ở Thái Bình Dương nếu muốn duy trì vị thế tại đây.

Úc cho biết họ “ghi nhận với lấy làm tiếc” về quyết định chưa từng có của Pháp khi triệu hồi đại sứ tại Úc và Mỹ về nước sau sự kiện Úc hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp – để tập trung cho thỏa thuận quân sự Aukus. Các chuyên gia cho rằng những động thái căng thẳng có thể làm hỏng mối quan hệ được gây dựng trong nhiều năm và gây ra hậu quả nghiêm trọng trên phạm vi rộng lớn hơn.

Úc vuốt ve khi Pháp đang uất nghẹn

Người phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Úc, Marise Payne, cho biết: “Úc hiểu rõ sự thất vọng sâu sắc của Pháp đối với quyết định của chúng tôi, quyết định được đưa ra phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia rõ ràng và được truyền đạt của chúng tôi”.

“Úc coi trọng mối quan hệ với Pháp, một đối tác quan trọng và đóng góp quan trọng vào sự ổn định, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này sẽ không thay đổi”, đại diện Bộ Ngoại giao Úc lên tiếng.

Người phát ngôn cho biết Úc và Pháp chia sẻ nhiều vấn đề quan tâm và “chúng tôi mong muốn được hợp tác với Pháp một lần nữa”.

Trước đó, Úc khẳng định đã thông báo cho Pháp về khả năng hủy “hợp đồng thế kỷ” ngay từ tháng 6.2021. Ngày 17.9.2021, thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết ông đã đề cập vấn đề này với Tổng thống Emmanuel Macron, trái với tuyên bố của Paris là không hề được biết trước.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng quyết định chưa từng có của Pháp trong việc triệu hồi các đại sứ tại Úc và Mỹ là bằng chứng cho thấy điện Elysee cảm thấy rất khó chịu và sự tức giận càng trầm trọng hơn khi thông báo (của Úc) được xứ lý một cách úp mở và vụng về. Động thái của Pháp có lẽ mới chỉ là sự khởi đầu trong một loạt phản ứng tới đây từ Paris.

Thỏa thuận Aukus, được công bố bất ngờ vào 16.9, gián tiếp thúc đẩy ​việc Úc đơn phương xé bỏ hợp đồng trị giá 90 tỉ USD để Pháp đóng 12 tàu ngầm chạy bằng động cơ thông thường.

Hervé Lemahieu, giám đốc nghiên cứu tại Viện Lowy phân tích trong khi giao dịch tàu ngầm của Úc với đơn vị Hải quân thuộc sở hữu nhà nước của Pháp đã gặp khó khăn bởi sự chậm trễ, chi phí đắt đỏ và "kỳ vọng khác biệt" nhưng cách mà Úc xé bỏ hợp đồng là hành động "vô cùng sỉ nhục gửi đến Pháp".

Ông nói: “Đây không chỉ là một thỏa thuận thương mại, đây là dự án hàng đầu của Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và bản chất của thỏa thuận Aukus - một mối quan hệ đối tác ba bên Anh ngữ - mà có vẻ như người Pháp đã không được tham vấn, là điều vô cùng sỉ nhục đối với điện Elysee".

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, Clément Beaune cho biết "Chúng tôi đang có các cuộc đàm phán thương mại với Úc" khi đề cập đến các cuộc thương lượng đang diễn ra để tìm một thỏa thuận thương mại tự do Úc-EU. “Tôi không thấy làm thế nào chúng ta có thể tin tưởng đối tác Úc”, Beaune giống cảnh báo sẽ gây áp lực khiến EU nghỉ chơi với Úc.

Lemahieu nói: "Sự xúc phạm được cảm nhận sâu sắc nhất từ cách cư xử của ​​Úc vì nhiều tổng thống Pháp và đặc biệt là Emmanuel Macron, đã cống hiến cho điều này nhiều công sức như thế nào".

Có thể mất nhiều năm để mối quan hệ giữa Pháp và Úc ổn định lại. Lemahieu nói. “Pháp phải cẩn thận cho dù không chơi quá tay. Sự tức giận của họ là chính đáng và dễ hiểu nhưng không được phép mất kiểm soát. Nhưng ngay cả khi các mối quan hệ được bình thường hóa, sự việc lần này sẽ để lại một di sản lâu dài, một yếu tố của lòng tin có lẽ đã bị mất đi một cách không thể cứu vãn được”.

Pháp có thể tìm đến các nước ASEAN

Paris tự coi mình là một cường quốc quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với các lãnh thổ Thái Bình Dương như New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp tạo cho Pháp một chỗ đứng chiến lược và quân sự không có quốc gia châu Âu nào khác sánh được.

“Nếu Úc có thể xa lánh người ủng hộ chính tại EU cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương , thì chúng tôi có hy vọng gì để thuyết phục Indonesia hoặc các cường quốc tầm trung khu vực khác về tính bao trùm của khái niệm này?”, Lemahieu nói.

Indonesia đã bày tỏ sự không đồng tình với quyết định của Úc, nói rằng nước này "quan ngại sâu sắc về cuộc chạy đua vũ trang leo thang và sự hình thành quyền lực trong khu vực".

Giáo sư John Blaxland, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Trường Cao đẳng Châu Á và Thái Bình Dương của ANU, cho biết Úc cần nỗ lực để sửa chữa mối quan hệ với Pháp.

Ông phát biểu: “Chúng ta có thể nợ họ khoảng 3 tỉ USD tiền phạt do phá vỡ thỏa thuận và Úc có thể đề xuất thuê của Pháp một số tàu ngầm Barracuda để bù đắp khoảng trống sức mạnh trước khi các tàu ngầm hạt nhân mới đến".

“Hãy làm điều gì đó sáng tạo và hàn gắn quan hệ với Pháp. Đừng quên Pháp là một cường quốc lâu đời ở Thái Bình Dương. Pháp có lãnh thổ không chỉ ở New Caledonia, mà còn ở Tahiti và ở Ấn Độ Dương. Vì vậy, chúng ta phải làm cho mối quan hệ đó hoạt động và làm cho mối quan hệ đó được duy trì chính là vì lợi ích của chúng ta".

Jean-Pierre Thebault, đại sứ Pháp tại Úc, và Philippe Etienne, người đồng cấp của ông ở Washington, sẽ trở lại Paris để “tham vấn”, Pháp thông báo vào cuối ngày 17.9. Pháp đã không triệu hồi đại sứ Vương quốc Anh.

Việc rút đại sứ, thường là hành động cuối cùng giữa các quốc gia trong một cuộc khủng hoảng, và là một hành động cực kỳ hiếm giữa các đồng minh.

Pháp và Mỹ đã có những tranh chấp ngoại giao đáng kể trước đây, đặc biệt là trong cuộc Khủng hoảng Suez năm 1956 và chiến tranh Iraq năm 2003, nhưng khi đó cả hai đều không căng đến mức rút đại sứ.

Lãnh đạo phe đối lập của Úc tại Thượng viện, Penny Wong, hôm nay 18.9 cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên[thủ tướng Úc Scott Morrison che mắt một đối tác quốc tế hoặc không thực hiện công việc ngoại giao trước khi có thông báo. Chính phủ Morrison-Joyce phải vạch ra những bước họ đang thực hiện để sửa chữa mối quan hệ quan trọng này".