Quad hợp sức bảo vệ chuỗi cung ứng chip

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:05, 19/09/2021

Không chỉ cam kết bắt tay tạo ra chuỗi cung ứng chip an toàn, nhóm Đối thoại An ninh 4 bên (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc còn chuẩn bị đặt ra nguyên tắc tiến bộ công nghệ phải đi liền với nhân quyền.

Đây là nội dung dự thảo tuyên bố chung cuộc họp thượng đỉnh Quad sắp diễn ra tại Washington, được Nikkei Asian Review tiết lộ. Dự thảo viết để tạo ra chuỗi cung ứng mạnh mẽ, Quad sẽ khởi động sáng kiến lập bản đồ năng lực, xác định lỗ hổng và tăng cường bảo mật cho chuỗi cung ứng sản phẩm bán dẫn cùng thành phần quan trọng liên quan.

quad.jpg
Quad đối đầu Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực trong đó có cả công nghệ - Ảnh: Nikkei Asian Review

Đáng chú ý hơn, dự thảo còn nêu ra loạt nguyên tắc chung cho phát triển công nghệ, trong đó có nội dung về cách công nghệ được thiết kế, phát triển, quản lý phải dựa trên các giá trị dân chủ phổ quát và tôn trọng nhân quyền.

Theo Nikkei Asian Review, tuy Quad không trực tiếp đề cập Trung Quốc nhưng động thái xây dựng nguyên tắc chung phản ánh mối lo ngại các chế độ như Bắc Kinh dùng công nghệ củng cố quyền lực. Hơn nữa trong dự thảo có cả nội dung nhấn mạnh chuyển giao công nghệ phi pháp hoặc đánh cắp công nghệ là thách thức phổ biến làm xói mòn nền tảng công nghệ toàn cầu, cần được giải quyết.

Mỹ cùng Nhật chiếm chưa đến 30% năng suất sản xuất chip thế giới. Nhật chủ yếu sản xuất chip bộ nhớ và cảm biến, còn Mỹ sở hữu nhiều đơn vị phát triển chip xử lý như Intel hay Qualcom.

Đơn vị dẫn đầu về công nghệ sản xuất các chip tiên tiến nhất là TSMC (Đài Loan). Một số đơn vị Trung Quốc cũng đang nỗ lực tăng năng lực sản xuất chip thông dụng.

Úc và Ấn Độ không có cơ sở sản xuất nhưng ngành công nghệ thông tin phát triển của họ có thể đóng góp vào chuỗi cung ứng. Ấn Độ hiện phụ thuộc vào chip Trung Quốc.

Bên cạnh hợp sức bảo vệ chuỗi cung ứng chip, Quad cũng sẽ cùng nhau ngăn chặn nguy cơ rò rỉ công nghệ có thể trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia.

“Chúng ta sẽ thúc đẩy phát triển 5G và các mạng truyền thông cao hơn 5G một cách an toàn, minh bạch”, dự thảo viết. Bốn nước dự tính sử dụng cơ chế Open RAN cho phép các hãng viễn thông kết nối thiết bị, qua đó chia sẻ cơ sở hạ tầng truyền thông.

Open RAN là chủ đề nóng trong lĩnh vực viễn thông di động. Nói một cách đơn giản nhất, khái niệm này là dành cho một kiến trúc mạng truy cập vô tuyến mở hơn được cung cấp ngày nay.

Cẩm Bình